Chuyện văn hóa thời chiến

VHO- Từ gần ba năm nay, cuộc xung đột ở Ukraine giữa Nga và Ukraine diễn ra rất quyết liệt. Hiện tại, thế giới chưa thể biết xung đột này rồi sẽ kết cục như thế nào và đến bao giờ mới có thể kết thúc. Văn hóa và quan hệ văn hóa cũng bị vạ lây bởi cuộc xung đột này.

Chuyện văn hóa thời chiến - Anh 1

 Một trong những cổ vật được Hà Lan trao trả lại cho Ukraine

Bom rơi, đạn nổ trong chiến tranh đâu có né tránh những công trình văn hóa và lịch sử ở vùng chiến địa. Mới đây nhất, cuộc giao tranh quân sự giữa Nga và Ukraine lại còn gây ra cuộc chiến về chính trị và pháp lý giữa hai phe đối địch nhau đối với bộ sưu tầm cổ vật vàng ở trên bán đảo Crimea.

Sau khi Liên Xô tan rã, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây trở thành quốc gia độc lập. Bán đảo Crimea được quyết dành cho Ukraine. Năm 2014 xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ở bán đảo Crimea. Sau đó, Nga sáp nhập Crimea. Cho tới tận bây giờ, Ukraine nỗ lực giành về lại vùng lãnh thổ này. Trong cuộc xung đột hiện tại với Nga, Ukraine công khai mục tiêu theo đuổi là thu hồi cả Crimea.

Ở Crimea có một báu vật bằng vàng vô giá về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Nó hơn 2.000 năm tuổi và được gọi là bộ sưu tập Vàng của Crimea. Nó được trưng bày ở 4 viện bảo tàng trên bán đảo Crimea. Trước năm 2014, tức là trước khi Nga tiếp nhận Crimea vào thể chế Liên bang Nga và khi bán đảo Crimea vẫn thuộc về Ukraine, hơn 1.000 hiện vật trong bộ sưu tập vàng này được cho Hà Lan mượn để trưng bày ở một số viện bảo tàng của Hà Lan trong thời gian 10 năm, theo thỏa thuận giữa các viện bảo tàng ở Crimea với các viện bảo tàng của Hà Lan. Bản chất việc cho mượn cổ vật để trưng bày này là trao đổi văn hóa được thỏa thuận giữa các viện bảo tàng ở Crimea và Hà Lan, chứ không phải là thỏa thuận giữa Chính phủ Ukraine và Chính phủ Hà Lan. Nếu như không có chuyện Nga sáp nhập Crimea thì số hiện vật vàng này sau 10 năm, cụ thể là đến tháng 11 vừa qua, sẽ được hồi hương về Crimea.

Sau biến cố năm 2014, vấn đề đặt ra là số hơn 1.000 hiện vật vàng này thuộc về ai, về Ukraine khi chúng rời khỏi Crimea hồi năm 2013 hay về Nga sau khi Nga đã sáp nhập Crimea. Câu hỏi này chưa có được câu trả lời dứt khoát, thì đã bùng phát cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi cuối tháng 2.2021. Tháng 9 vừa qua, tòa án ở Hà Lan đưa ra phán xử rằng số hiện vật nói trên được chuyển giao cho Ukraine và vừa mới đây, chúng đã được đưa về Ukraine.

Một hoạt động trao đổi văn hóa quốc tế đã bị lôi cuốn vào vòng xoáy của chính trị thế giới. Hà Lan là thành viên EU và NATO mà EU và NATO đứng về phía Ukraine trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ở Ukraine. Hà Lan không công nhận Crimea là một phần của Nga. EU và NATO cũng như Hà Lan đều hạ quyết tâm trợ giúp Ukraine bằng mọi giá về chính trị và quân sự, kinh tế và tài chính để Ukraine đánh bại Nga trong cuộc xung đột này. Vì thế, không có gì là khó hiểu khi tòa án ở Hà Lan đưa ra phán quyết rằng số hiện vật vàng nói trên được đưa về Ukraine. Thực chất ở đây là chính trị quyết định.

Về pháp lý thì lẽ ra số hiện vật này phải được giao trả cho chủ sở hữu thực sự của chúng là các viện bảo tàng ở Crimea chứ không phải nhà nước Ukraine. Tuy nhiên, phía Hà Lan dùng câu chuyện văn hóa này để thể hiện và khẳng định sự hậu thuẫn chính trị dành cho Ukraine, trong cả vấn đề Crimea lẫn cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine. Lập luận được sử dụng ở đây không phải là vì Hà Lan đối địch Nga trong cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine mà chuyển số báu vật trên cho Ukraine. Lập luận là chuyển cho Ukraine để khi nào Ukraine thu hồi Crimea thì lại đưa chúng về các viện bảo tàng ở Crimea.

Văn hóa đã được sử dụng trong thời dai dẳng chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine như thế. 

 NGÂN KHÁNH

Ý kiến bạn đọc