Nhật Bản đối mặt với thách thức già hóa dân số

VHO- Chính phủ Nhật Bản vừa cho biết cứ 10 cư dân thì có 1 người từ 80 tuổi trở lên, tương đương 10% dân số Nhật Bản hiện ở độ tuổi trên 80, đây là cột mốc đáng lo ngại mới nhất trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở quốc gia đang già đi nhanh chóng này.

Nhật Bản đối mặt với thách thức già hóa dân số - Anh 1

 Nhật Bản đang phải giải bài toán dân số già Ảnh minh họa

Theo số liệu do Bộ Nội vụ và Truyền thông công bố, tỷ lệ người cao tuổi ở Nhật Bản được xác định từ 65 tuổi trở lên đạt ở mức cao kỷ lục 36,17 triệu người tính đến tháng 9.2023, tăng 300.000 người so với một năm trước đó, chiếm 29,1% dân số và là tỷ lệ cao nhất thế giới. Nhật Bản không chỉ đối mặt với khủng hoảng dân số mà còn là nỗi lo khi dân số già ngày càng tăng. Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia dự đoán rằng người già ở Nhật Bản sẽ chiếm 35,3% vào năm 2040.

Nhật Bản không chỉ đối mặt với khủng hoảng dân số mà còn là nỗi lo khi dân số già ngày càng tăng. So với các nước phát triển khác, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất ở châu Á trong vài thập kỷ qua với tỷ lệ sinh đã giảm mạnh xuống còn 1,3 ca sinh trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định trong trường hợp không có người nhập cư. Cùng với đó là lực lượng lao động bị thu hẹp, có thể ảnh hưởng đến nguồn tài trợ cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi nhu cầu từ dân số già tăng lên. Đất nước Mặt trời mọc cũng là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, góp phần làm tăng dân số già.

Để đối phó với tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng và với hy vọng vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích nhiều người cao tuổi và các bà mẹ nội trợ tái gia nhập lực lượng lao động. Ở một mức độ nào đó, thông điệp này đã có tác dụng, hiện nay Nhật Bản có số lượng người lao động cao tuổi kỷ lục là 9,12 triệu người, con số này đã tăng lên trong 19 năm liên tiếp. Bộ Nội vụ cũng cho biết, những người lao động ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm hơn 13% lực lượng lao động cả nước. Số liệu này cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi có việc làm ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, ngay cả việc khuyến khích người lao động cao tuổi cũng không đủ để bù đắp những tác động kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, Thủ tướng Fumio Kishida đã cảnh báo rằng Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”. Ông cũng cho biết thêm rằng, hỗ trợ nuôi dạy trẻ là “chính sách quan trọng nhất” của chính phủ và việc giải quyết vấn đề “đơn giản là không thể chờ đợi được nữa”.

Có thể thấy, vấn đề già hóa dân số đang là những thách thức mới lên nhịp sống, chính sách và thậm chí là cả chiến lược của quốc gia này. Cụ thể, chương trình trợ cấp sẽ chi trả 70% - 100% chi phí chăm sóc người cao tuổi, tùy thuộc vào thu nhập của người thụ hưởng. Song chính hệ thống này cũng đang gặp khủng hoảng do thiếu hụt nhân sự. Chính phủ Nhật Bản ước tính đất nước sẽ cần thêm 700.000 người vào năm 2040. Các biện pháp khắc phục được đề xuất bao gồm tăng lương, tuyển dụng người về hưu và tình nguyện viên, hay dựa vào robot. Nhưng ngay cả thế, dân số Nhật Bản vẫn cứ tiếp tục già đi. Trong khi đó, chi phí phúc lợi đang leo thang. Chi phí an sinh xã hội, bao gồm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chăm sóc dài hạn và lương hưu cũng đã tăng gấp ba lần từ năm 1990 đến năm 2022, hoàn toàn do chính phủ chi trả. Hirotaka Unami, một trợ lý cấp cao của Thủ tướng Fumio Kishid cho biết: “Hệ thống phúc lợi mà chúng tôi cung cấp có rất nhiều lợi thế và người dân quen với nó. Để duy trì điều đó, chúng ta phải khôi phục lại sự cân bằng giữa lợi ích và gánh nặng. Nếu không, hệ thống phúc lợi không bền vững”.

Không chỉ có Nhật Bản mà các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore cũng đang trải qua những cuộc khủng hoảng tương tự, những quốc gia này đang nỗ lực khuyến khích người trẻ sinh thêm con trước tình trạng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và sự bất mãn của xã hội. 

 THỤC LINH

Ý kiến bạn đọc