Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Ai Cập nỗ lực vượt “cú sốc” kinh tế

Thứ Tư 13/04/2022 | 10:25 GMT+7

VHO- Tác động tiêu cực từ cuộc xung đột tại Ukraine khiến nền kinh tế Ai Cập gặp thêm nhiều thách thức trong tiến trình phục hồi sau đại dịch. Quốc gia Bắc Phi này đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp tích cực, để kiềm chế lạm phát leo thang và ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội.

 Ai Cập đang tìm cách giảm thiểu tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine Ảnh:REUTERS

Vốn là một trong những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới với khoảng 80% nguồn lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine, Ai Cập chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá cả leo thang và gián đoạn chuỗi cung ứng vì cuộc xung đột của hai cường quốc xuất khẩu lúa mì này. Tháng 3 vừa qua, tỉ lệ lạm phát tại Ai Cập đã tăng cao kỷ lục 12,1%, chủ yếu do giá lương thực tăng cao. Lạm phát leo thang đã làm giảm mạnh giá trị đồng bảng Ai Cập so với đồng USD, mất tới 17% giá trị chỉ trong vòng một ngày.

Trong khi Ngân hàng trung ương Ai Cập thông báo, dự trữ ngoại hối của nước này trong tháng 3 đã giảm 4 tỉ USD so với tháng trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, nếu giá lương thực tăng 30%, tỉ lệ nghèo đói của Ai Cập có thể tăng 12%, đồng nghĩa sẽ có hàng chục triệu người dân của quốc gia Bắc Phi này phải sống trong cảnh nghèo túng. Để ứng phó kịp thời, Ai Cập đã thành lập một Ủy ban để giải quyết tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chính phủ Ai Cập cũng đã ban hành các chính sách để hạn chế tác động của lạm phát đối với đời sống của người dân. Trong đó, gói hỗ trợ kinh tế trị giá 7 tỉ USD đã được đưa ra, nhằm giúp đỡ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, Ai Cập cũng đã đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ triển khai một chương trình kinh tế toàn diện, với mục tiêu ổn định kinh tế, tạo việc làm và tăng trưởng bền vững trong trung hạn cho quốc gia Bắc Phi này.

Bà Celine Allard, Trưởng phái đoàn IMF tại Ai Cập cho rằng, các biện pháp kinh tế vĩ mô và chính sách tái cấu trúc sẽ giúp giảm nhẹ tác động từ “cú sốc” kinh tế này, đồng thời có thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương và duy trì khả năng phục hồi của đất nước Kim Tự Tháp. Các nước đồng minh vùng Vịnh của Ai Cập cũng đã cam kết hỗ trợ 22 tỉ USD để giúp nước này đối phó với những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy một thập kỷ qua, các quốc gia vùng Vịnh tăng cường hỗ trợ tài chính cho Ai Cập, quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al Ahram (Ai Cập) Mohamed Farahat đánh giá: “Khu vực vùng Vịnh đã nhận được bài học năm 2011. Bài học then chốt cho thấy, một nền kinh tế mạnh và một nhà nước mạnh ở Ai Cập rất quan trọng đối với sự ổn định nói chung của toàn khu vực”.

Hiện Ai Cập đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc từ 14 thị trường thay thế, bao gồm các quốc gia ngoài châu Âu như Mỹ, Argentina, Canada, Paraguay… nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong nước. Giới chức nước này khẳng định, kho dự trữ lúa mì chiến lược của Ai Cập đủ để trang trải cho 3 tháng tới và dự kiến sẽ được bổ sung nguồn dự trữ thêm 5 tháng nữa khi mùa lúa mì trong nước bắt đầu vào giữa tháng 4. Chính phủ cũng sẽ cung ứng cho thị trường tất cả hàng hóa cần thiết, đồng thời cảnh báo các thương gia không tích trữ hàng hóa. Ngoài ra, giới chức các địa phương cũng được kêu gọi tăng cường giám sát, để ngăn chặn các hành vi thao túng trong bối cảnh giá cả lương thực thực phẩm tăng cao.

Đối với hoạt động du lịch, vốn mang lại nguồn thu quan trọng cho nền kinh tế Ai Cập, khi hai thị trường chủ lực là Nga và Ukraine (chiếm từ 60 - 65% lượng khách du lịch nước ngoài tới Ai Cập trong những năm gần đây) bị gián đoạn, đất nước Kim Tự Tháp đang đưa ra những cách thức mới để thu hút khách từ các thị trường giàu tiềm năng. Ai Cập đã mở rộng thêm các thị trường du lịch khác ở châu Âu, như Vương quốc Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp..., và các nước khối Ả Rập, đặc biệt là vào tháng Ramadan và Lễ Phục sinh.

Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cũng đang tìm hiểu khả năng đưa du khách Nga trở lại thông qua nước thứ ba, nếu các lệnh trừng phạt cho phép. Thứ trưởng Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập Ghaba Shalaby hy vọng: “Với nỗ lực đa dạng thị trường quốc tế, chúng tôi có thể vượt qua được những khó khăn và thách thức trong giai đoạn hiện nay”. 

 HẢI MINH

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top