Nỗi lo già hóa dân số của Thái Lan

VHO- Trong khi số lượng người trên 60 tuổi ngày càng tăng, thì tỉ lệ sinh tại Thái Lan lại giảm sâu xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Nguy cơ dân số già hóa đang đặt ra nhiều thách thức với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này.

Nỗi lo già hóa dân số của Thái Lan - Anh 1

 Thái Lan đang nỗ lực tìm lời giải cho bài toán dân số già hóa Ảnh: REUTERS

Theo Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Thái Lan (NESDC), nước này đã thuộc nhóm xã hội “đang bị già hóa” từ năm 2005 với 10% dân số có độ tuổi từ 60 trở lên. Dự kiến, Thái Lan sẽ trở thành một xã hội “già” vào năm tới, khi những người trên 60 tuổi chiếm 20% dân số. Và quỹ đạo này có thể đưa Thái Lan trở thành một xã hội “siêu già” vào năm 2031 hoặc 2032, khi những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 28% dân số.

Các chuyên gia cho rằng, tỉ lệ dân số già hóa gia tăng, có khả năng sẽ khiến tốc độ phát triển kinh tế của Thái Lan giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2033. Điều này cũng khiến chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao, trong khi mức thu nhập đầu người của Thái Lan hiện chỉ đạt 6.362 USD/năm. Ủy ban Ngân hàng Trung ương Thái Lan cảnh báo, các quỹ lương hưu có thể cạn kiệt trong vòng 15 năm tới nếu Thái Lan không tiến hành một cuộc cải cách lớn về thuế.

Không những vậy, Thái Lan còn đang phải đối mặt với tình trạng tỉ lệ sinh giảm mạnh. Số liệu từ Văn phòng Thống kê Thái Lan cho thấy, tỉ lệ sinh ở nước này đã đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2020 với chỉ 540.000 trẻ được sinh ra, so với mức 900.000 - 1.000.000 trong giai đoạn 1993-1996, và đó cũng là năm đầu tiên số trẻ mới sinh ra thấp hơn số người tử vong. Tỉ lệ sinh ở phụ nữ Thái Lan cũng giảm xuống mức cực thấp vào năm 2021, với mỗi phụ nữ trung bình chỉ sinh 1,5 trẻ, giảm đáng kể so với mức sinh 2 con vào năm 1995 và thấp hơn so với ngưỡng 2,1 do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra. Theo ông Pisit Puapan, Giám đốc Văn phòng Chính sách tài khóa (FPO) thuộc Bộ Tài chính Thái Lan, nếu tỉ lệ người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số tiếp tục giảm, tỉ lệ người phụ thuộc sẽ tăng lên mức 56,2/100 người vào năm 2040 và có thể trở thành lực cản cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trước thực tế đáng báo động này, Thái Lan đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích người dân sinh thêm con. Nước này đã thiết lập những trung tâm chăm sóc trẻ em và sinh sản tại hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc để hỗ trợ các bậc cha mẹ, đồng thời thu hút những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tuyên truyền về niềm vui trong cuộc sống gia đình. Văn phòng An sinh xã hội thuộc Bộ Lao động Thái Lan cũng đã tăng mức trợ cấp sinh sản lên 15.000 baht/trường hợp. Các bà mẹ cũng được đảm bảo nghỉ thai sản hưởng lương trong 90 ngày, bên cạnh trợ cấp nuôi con hằng tháng. Ông Suwannachai Wattanayingcharoenchai, Quan chức y tế cấp cao Thái Lan cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng làm chậm lại đà sụt giảm số ca sinh nở và đảo ngược xu hướng bằng cách thúc đẩy các gia đình sẵn sàng có con sớm hơn”.

Thái Lan cũng đang nỗ lực đưa ra các giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu áp lực của già hóa dân số. Theo đề xuất của đại diện FPO, các giải pháp ngắn hạn cho vấn đề cân bằng dân số có thể được giải quyết thông qua cải cách lực lượng lao động, bằng cách nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để tăng năng suất. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Thái Lan đã đưa ra kế hoạch tăng những khoản đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, nhằm hỗ trợ quỹ này trước việc sẽ có dòng tiền chi trả lương hưu lớn trong tương lai gần. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đưa ra kiến giải tăng tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ vay mua nhà cho người già và có chính sách khuyến khích các công ty thuê lao động trên 60 tuổi. Trong khi đó, NESDC đề nghị Chính phủ Thái Lan tăng cường tài chính hộ gia đình, bao gồm tăng tiết kiệm hộ gia đình nhằm giảm thiểu các rủi ro về tài chính cũng như lập kế hoạch nghỉ hưu, để giảm gánh nặng về tài chính khi thu nhập sụt giảm và cần tìm cách để đạt mức cân bằng về tài chính. 

 HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc