Tìm ra giả thuyết mới giải mã "bí ẩn" vòng tròn đá Stonehenge

VHO - Di tích Stonehenge từ lâu được coi như một nơi chuyên dùng để cử hành các nghi lễ tín ngưỡng nhưng một nghiên cứu gần đây lại không cho rằng như vậy.

(Ảnh: Getty Images)

Mới đây, một nghiên cứu của Timothy Darvill – giáo sư khảo cổ học tại Đại học Bournemouth, Vương quốc Anh đã đưa ra thêm một giả thuyết nữa về bí ẩn đằng sau sự tồn tại của di tích Stonehenge. Vị giáo sư này cho rằng đây là một công trình được tạo ra với vai trò tính ngày, tháng, năm và ông có thể xác định được cơ chế hoạt động của nó.

Di tích được cấu tạo từ hai loại đá chính: một loại đá lớn và một loại đá nhỏ hơn lấy từ xứ Wales. 30 cột đá lớn tạo thành một vòng tròn, được hỗ trợ bởi 30 sợi dây căng ngang đại diện cho 30 ngày trong một tháng. Mười hai tháng như vậy sẽ tính ra có 360 ngày trong một năm. Tuy nhiên, một cấu trúc có tên gọi “trilithons” gồm hai tảng đá lớn nâng đỡ tảng đá thứ ba nằm bên trên trong di tích này đại diện cho 5 ngày, cộng với phần 360 ngày bên trên để thành 365 ngày trong một năm dương lịch. Bốn viên đá nhỏ hơn nằm bên ngoài vòng tròn theo hình chữ nhật là phương pháp để theo dõi năm nhuận, cứ bốn năm lại có thêm một ngày.

Darvill cho biết: “Việc tìm ra mối liên hệ giữa lịch mặt trời và kiến trúc của Stonehenge đã mở ra một con đường mới dẫn đến chứng minh rằng Stonehenge là một nơi để sinh sống”. Tuy nhiên, các chuyên gia khác chưa được thuyết phục bởi lập luận của Darvill, cho rằng cách lập luận của ông còn nhiều phần gượng ép, cố gắng để làm các manh mối, con số trở nên có nghĩa.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc