Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Tôi từng đến điểm nóng Kiev

Chủ Nhật 27/02/2022 | 16:30 GMT+7

VHO- Người dân Ukraine đang thực sự  lo sợ  chiến tranh kéo dài. Thủ đô Kiev trở thành điểm nóng. Năm 2015 nơi đây từng nóng bỏng vì các cuộc biểu tình giữa hai phe đối lập.

Lviv thành phố biên giới Ba Lan, được coi như Paris thu nhỏ với hơn 900 ngàn dân, vẫn tổ chức chợ xuân để thu hút khách du lịch. Chiến tranh  tưởng như lùi xa thành phố nhỏ bé nằm cách xa Kiev hơn 500 cây số, nhưng giờ đây Lvov đã trở thành nơi sơ tán của dân.

Bạn bè ở Lviv cho biết mọi năm khu trung tâm tấp nập du khách. Các quán cà phê chật ních, giờ vắng vẻ hơn nhiều. Ngân hàng hạn chế cho rút tiền mặt vì ngại dân chúng hoảng loạn rút hết tiền gây tình trạng sụt két đột ngột. 

Tôi đã có dịp đến thăm Ukraine vào mùa xuân, đúng dịp lễ Phục sinh - một ngày lễ trọng đại của đạo Cơ Đốc. Ông Petro từng cùng một người Việt mở công ty liên doanh Ukraine - Việt mời tôi đến thăm quán ăn. Vốn ngưỡng mộ Shakespeare, ông chọn tên nhà văn này cho nhà hàng, và dùng trang phục kiểu Scotland trang trí. Ông Petro rất thích món ăn Việt, đặc biệt là phở. Điều làm tôi ngạc nhiên: Trong thực đơn có món phở mà nơi đây chỉ có gần chục Việt kiều và vài sinh viên Việt sang du học. Ông trở thành sứ giả đi truyền bá món phở Hà Nội thuần túy không kèm rau giá và bò viên do chính đầu bếp Ukraine nấu. Phở Việt không chỉ nổi tiếng ở Pháp, Mỹ những nước có bề dày lịch sử liên quan đến VN, mà bắt đầu trở nên quen biết với người Đông Âu. Ông Petro đang giữ chức chủ tịch hội bóng chày Lvov, thư ký liên đoàn bóng chày quốc gia Ukraine và đồng thời làm nghị viện của thành phố.

Năm 2014 nghĩa địa Ukraine đã có nhiều mộ của người tham gia biểu tình. Ngay nghĩa địa Lviv chỉ một ngày có thêm 19 mộ người biểu tình còn rất trẻ được đem từ Kiev về. Những vòng hoa tươi đặt cạnh nhau làm đau lòng người. Mai đây Ukraine sẽ lại thêm những tượng đài dành cho những người con hy sinh vì tổ quốc. Những tượng đài mà không một người nào mong muốn, nhất là những người mẹ người vợ…

Năm 2014 nơi quảng trường Độc Lập (ở thủ đô Kiev), đám biểu tình đóng lều la liệt. Suốt dọc phố chính, lều, ụ chướng ngại vật bằng lốp xe ô tô, bàn ghế ngổn ngang. Gạch lót đường bị cậy tung khắp nơi để làm vũ khí và để đắp chiến hào như công xã Paris năm 1871. Đoàn người biểu tình mặc quân phục rằn ri sẵn sàng hỗn chiến, nghênh ngang vừa đi vừa hò hét. Các trạm nấu ăn dã chiến phục vụ miễn phí cho người biểu tình lổn nhổn nồi niêu, xoong chảo, và thức ăn dự trữ. Những vết cháy đen loang lổ, cửa kính vỡ nham nhở. Tuy nhiên rải rác một số người vẫn bày hàng bán lưu niệm cùng những hình ảnh mới về cuộc biểu tình. Áp phích dán khắp nơi. Nhà cháy, sự đổ nát nằm nghịch cảnh bên biểu tượng quả địa cầu và chim hòa bình nơi cây số không ở giữa Kiev.

Biểu tượng hòa bình nơi cây số không ở quảng trường Độc lập (thủ đô Kiev) bên cạnh là chiến sự và nhà cháy năm 2014.

Tác giả cùng cha cố trước nhà thờ Lviv năm 2014

Dân Ukraine mang giỏ thức ăn xếp hàng chờ Đức cha cầu nguyện dịp lễ Phục sinh năm 2014

Biết chiến tranh bắt đầu xảy ra, tôi gọi điện hỏi thăm ông và bạn bè Việt đang sinh sống bên đó. Bạn bè cho biết  tình hình nóng bỏng của Ukraine đã thực sự len vào bữa ăn hàng ngày của dân. Cửa hàng thực phẩm vẫn mở, không đông khách, vì nhiều người đến Lviv chỉ để xếp hàng chờ qua biên giới lánh sang Ba Lan.

Cả thế giới đang theo dõi chiến sự giữa Nga và Ukraine. Một đất nước đang bình yên, cuộc sống người dân bỗng bị xáo trộn. Chỉ mới vài ngày đã có nhiều người hy sinh. Chiến tranh không ai muốn, nhưng một cuộc chiến bảo vệ tổ quốc thì mọi người dân phải tham gia và chịu hậu quả.

Giờ đây Kiev đang nóng và thực sự trở thành chiến sự. Gần như mọi người dân Ukraine đều hy vọng chiến tranh không bùng nổ, mong một nước Ukraine bình yên, một châu Âu không khói súng. Tuy nhiên khói súng đã và đang tiếp tục bao phủ lên bầu trời  thủ đô Kiev.

Một ngôi nhà của người bạn Việt ở Kiev tôi từng đến thăm, giờ đây trở thành đống đổ nát. Một cô giáo tiếng Việt tôi quen đang nói chuyện qua mạng chỉ kịp nói « Súng nổ to lắm, thôi em tạm dừng nhé, em phải chạy xuống hầm, mà em ốm quá chị ơi nên vẫn ở Kiev».

Cách đây 4 hôm, tôi còn nói chuyện qua FB với đại sứ Việt Nam Nguyễn Hồng Thạch đang đến thăm cộng đồng  người Việt ở Lvov. Tôi còn đề nghị tổ chức ngày văn hóa Việt ở thành phố Lviv. Ông có dự định mời đoàn múa rối nước qua Lviv và Kiev biểu diễn sắp tới, nhân thể đoàn qua Hungarie. Vân Anh cô giáo tiếng Việt ở Kiev cũng đang nuôi giấc mơ lan tỏa văn hóa Việt qua dạy tiếng Việt. Giờ đây trường học đóng cửa. Mọi thứ đều đảo lộn, dở dang vì chiến tranh. Cộng đồng Việt đã cắm rễ lâu năm ở đây giờ lại phải rục rịch bỏ tất cả ra đi là cả một vấn đề lớn cũng như bao nhiêu người dân Ukraine. Công việc, ngôn ngữ xứ người và việc học hành của những đứa trẻ… chưa kể nhà băng tạm thời đóng cửa đều làm đau đầu tất cả mọi người. Những đứa trẻ mới lớn lên mới 18 tuổi đã phải cầm súng ra trận.

Nhà một người quen tôi từng đến trước và giờ đây (ảnh bạn gửi qua FB của VĐL)

Xem vô tuyến thấy cảnh người lũ lượt đưa trẻ đi sơ tán rời Kiev, tôi nhớ chiến tranh Việt Nam, cha tôi chở tôi một đứa bé 8 tuổi đi sơ tán ở Ứng Hòa trên chiếc xe đạp Thống nhất. Chiều chiều tôi một mình thơ thẩn nhìn ra đồng xem cha có lên thăm. Nước mắt lại trào khi con đường vắng bóng. Chiến tranh kéo dài, tuổi thơ cứ trôi theo những làng quê xa lạ. Bom dội xuống Hà Nội, theo dõi tin biết phố Bà Triệu bị bom, tôi đã xin phép trường về, khi qua Khâm Thiên, tiếng khóc, tiếng đào tìm kiếm người lúc trời đã tối nghe não nùng. Mùi hương thơm  cầu cho những linh hồn siêu thoát như phủ kín cả khu Khâm Thiên. Tin những người anh, người hàng xóm ra chiến trường không trở lạị làm đau lòng những đấng sinh thành. Mẹ tôi đã khóc cạn nước mắt khi nhận bằng tổ quốc ghi công-một bảng vàng mà chẳng gia đình nào mong nhận được.

Kiev nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, nhà thờ cổ nơi yên nghỉ nhiều giáo hoàng bảo tàng tranh… Chiến tranh sẽ phá hủy nhiều di sản văn hóa thế giới công nhận. Nhân loại sẽ mất đi một điểm du lịch hấp dẫn.

Nhớ ngày lễ phục sinh năm 2014, tôi đi theo đoàn người dự lễ ở nhà thờ Cơ Đốc ở Lvov. Ông Linh mục đi ban nước thánh cho từng con chiên. Cách đây hai năm nhà thờ tạm đóng cửa vì covid. Covid chưa dứt, giờ lại chiến tranh.

Mỗi lần tiếng chuông nhà thờ vang lên dù không đi lễ nhưng ai cũng thầm cầu nguyện cho một Ukraine bình yên, con cháu không phải chết vì chiến tranh.

TRẦN THU DUNG

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top