Châu Phi “gặp khó” trong tiêm chủng

VHO- Từng là vùng “đói” vắc xin ngừa Covid-19 của thế giới, giờ đây khi nguồn cung ứng đã dồi dào hơn thì nỗ lực bao phủ vắc xin của châu Phi lại phải đối mặt với thách thức về hậu cần và tâm lý do dự tiêm chủng của người dân.

Châu Phi “gặp khó” trong tiêm chủng - Anh 1

Châu Phi vẫn đang bị tụt lại trong chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 Ảnh: REUTERS

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cho biết, cơ quan này sẽ yêu cầu quốc tế tạm dừng tất cả các đợt gửi tặng vắc xin ngừa Covid-19 đến quý III hoặc quý IV năm nay. Đề nghị này xuất phát từ thực trạng thiếu thốn về hậu cần, cùng tâm lý chần chừ tiêm chủng của nhiều người dân trong khu vực. Theo ông Nkengasong, việc tạm dừng nhận vắc xin được tài trợ sẽ cho phép cơ quan quản lý tập trung vào nỗ lực cải thiện tốc độ tiêm chủng, đẩy mạnh truyền thông đến những người còn nhận thức chưa đúng về vắc xin và sử dụng hết lượng vắc xin còn trong kho trước khi chúng hết hạn. Hiện trong tổng số 597 triệu liều vắc xin đưa đến châu Phi mới chỉ có khoảng 64% liều được sử dụng. Tiến sĩ Richard Mihigo, điều phối viên tiêm chủng của WHO tại châu Phi cho rằng: “Vấn đề hiện nay đối với châu Phi không phải là thiếu vắc xin mà là việc triển khai tiêm chủng”.

Trong khi các hãng dược phẩm tăng công suất sản xuất vắc xin và cơ chế COVAX cùng nhiều nước thúc đẩy chia sẻ vắc xin để cải thiện nguồn cung cho châu Phi, thì lại nảy sinh nhiều yếu tố trong khâu hậu cần tiêm chủng tại “lục địa đen”. Ông Nkengasong cho biết, kho lạnh để chứa vắc xin tại tổng kho và các điểm phân phối, kim tiêm, bơm tiêm và băng gạc khử trùng đều là những thách thức không nhỏ trong chiến dịch tiêm chủng tại châu Phi. “Có trường hợp nhân viên y tế đến vùng sâu vùng xa để tiêm vắc xin, nhưng khi đến nơi lại không có đủ kim tiêm”, ông Nkengasong cho biết. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Reuters cũng chỉ ra, 44/55 quốc gia ở châu lục này đang “gặp khó” trong phân phối, bảo quản vắc xin, bởi tình trạng thiếu tủ đông âm sâu và tủ lạnh để chứa vắc xin.

Bên cạnh đó, “tâm lý chần chừ không muốn tiêm cũng là một vấn đề quan trọng khác với châu Phi tại thời điểm này. Các nhóm dân số trẻ tuổi không coi virus là một mối đe dọa và họ không muốn tiêm”, ông Nkengasong quan ngại. Một cuộc khảo sát của CDC châu Phi cho thấy, 25% trong số 15.000 người được hỏi tỏ ra hoài nghi về độ an toàn của vắc xin. Thậm chí, chính một bộ phận nhân viên y tế của “lục địa đen” cũng e dè trong tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Để cải thiện tình hình, một số nước châu Phi đã áp đặt các quy định bắt buộc liên quan đến vắc xin như yêu cầu những người chưa tiêm chủng sẽ không được tiếp cận các dịch vụ của chính phủ, cũng như không được phép đến một số địa điểm công cộng. Đầu năm 2022, CDC châu Phi đã triển khai một chiến dịch khuyến khích người trẻ đi tiêm chủng, với tên gọi “Tuổi trẻ châu Phi tiêm vắc xin ngừa Covid-19”. Chiến dịch hướng tới việc kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của các thanh thiếu niên trong quá trình mở rộng độ bao phủ vắc xin cho châu Phi.

Theo đánh giá của tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi, “lục địa đen” đang ra khỏi thời kỳ đại dịch bùng phát mạnh và hướng tới giai đoạn kiểm soát lây nhiễm ổn định trong thời gian dài. Mặc dù năng lực ứng phó với đại dịch của châu Phi đã được cải thiện sau mỗi đợt lây nhiễm, nhưng châu Phi vẫn cần gia tăng độ phủ vắc xin để tiến tới “sống chung” với virus. Hiện còn tới 85% người dân châu Phi vẫn chưa được tiêm liều vắc xin đầu tiên, nên cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng của khu vực này.

Trong khi đó, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đã bắt đầu điều chỉnh nguồn cung vắc xin Covid-19 cho phù hợp với nhu cầu của các quốc gia, theo hướng đáp ứng đúng loại vắc xin mà các nước cần vào đúng thời điểm. Bởi vậy, bài toán nâng cao nhận thức của người dân về vắc xin và cải thiện hậu cần tiêm chủng tại châu Phi cần sớm có lời giải thích hợp, để giúp lục địa này “ngược dòng” thành công trong chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19. 

HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc