Bí ẩn phía sau những pho tượng khổng lồ "biết hát" vào lúc bình minh

VHO- Có chiều cao ấn tượng lên tới 18m, hai pho tượng đá khổng lồ còn gây ấn tượng bởi "tiếng hát" đầy bí ẩn.

Cặp tượng đá khổng lồ Memnon là hai pho tượng nằm ở bờ phía Tây sông Nile, nơi đối diện với thành phố Luxor, Ai Cập ngày nay.

Tượng có niên đại gần 3400 năm tuổi, cao khoảng 18m, đứng canh gác cổng ngôi đền Pharaoh Amenhotep III, người trị vì Ai Cập cổ đại hơn 3000 năm trước.

Bí ẩn phía sau những pho tượng khổng lồ biết hát vào lúc bình minh - 1

Tấm ảnh cũ về hai pho tượng khổng lồ (Ảnh: Amusing Planet)

Cặp tượng còn gọi là El-Colossat và Es-Salamat, được làm từ những khối thạch anh, vận chuyển từ nơi cách vị trí hiện tại tới 675 km. Theo tài liệu để lại, mục đích xây dựng để bảo vệ đền Pharaoh Amenhotep III - khu phức hợp đáng kinh ngạc với diện tích rộng gần 35.000 m2.

Hai pho tượng đá ở tư thế ngồi, tay đặt lên đầu gối, còn gương mặt hướng về phía sông Nile. Ban đầu, pho tượng ở vị trí gác cổng ngôi đền Amenhotep - nơi được xây dựng khi vị Pharaoh còn sống.

Sau đó, trận lụt ở sông Nile liên tiếp xảy đến đã bào mòn phần móng tượng. Các Pharaoh đời sau buộc phải phá hủy toàn bộ ngôi đền, tái sử dụng phần khối đá cho công trình khác. Tuy vậy, hai pho tượng khổng lồ vẫn còn nguyên, dù chịu sự bào mòn tàn phá của thiên nhiên và thời gian trong hàng ngàn năm qua.

Bí ẩn phía sau những pho tượng khổng lồ biết hát vào lúc bình minh - 2

Công trình nhìn từ trên cao (Ảnh: Amusing Planet)

Tuy vậy, điểm đặc biệt hơn cả là âm thanh kỳ lạ phát ra từ bức tượng như tiếng hát vào thời điểm bình minh. Âm thanh thú vị này cũng xuất hiện ở các địa điểm Ai Cập cổ đại khác, như Karnak là một trong số đó.

Có một số giả thuyết được đưa ra, nhưng đến nay, chưa giả thuyết nào chứng minh được tính chính xác.

Một truyền thuyết thú vị phía sau công trình này. Vào năm 27 Trước công nguyên, một trận động đất lớn xảy ra, phá hủy pho tượng phía bắc, khiến nó bị sụp từ phần thắt lưng trở xuống, nứt nửa thân dưới. Kể từ sau lần đó, bức tượng bắt đầu phát ra âm thanh kỳ lạ, thông thường vào thời điểm bình minh.

Bí ẩn phía sau những pho tượng khổng lồ biết hát vào lúc bình minh - 3

Từ lâu công trình đã trở thành điểm hút khách du lịch (Ảnh: Amusing Planet)

Người ta cho rằng, do việc gia tăng nhiệt độ khiến sương từ pho tượng tương tác với các vết nứt. Âm thanh này được ví như tiếng hát và nghe rõ mồn một. Truyền thuyết còn cho rằng, đây là những lời tiên tri thánh truyền, khiến người dân thành Roma cũng đổ dồn về Ai Cập để được tận tai nghe thấy.

Memnon là tên pho tượng đá, cũng đồng thời là tên vị vua của Ethiopia, người đứng đầu quân đội bảo vệ thành Troy, nhưng cuối cùng bị chết dưới tay của Achilles.

Theo truyền thuyết, Memnon được cho là con trai của Eos, nữ thần bình minh. Sau khi Memnon qua đời, nữ thần rơi nước mắt vào buổi sáng. Kể từ đó, những câu chuyện thêu dệt nên, tiếng khóc phát ra từ pho tượng cũng chính là vị vua Memnon khóc than với mẹ mình, hoặc nữ thần Ecos khóc vì nhớ con.

Bí ẩn phía sau những pho tượng khổng lồ biết hát vào lúc bình minh - 4

Đến nay pho tượng biết hát vẫn còn là bí ẩn (Ảnh: Amusing Planet)

Trong suốt 2 thế kỷ, nhờ cặp pho tượng "biết hát" đã mang tới Ai Cập cổ đại hàng nghìn du khách phương xa, có cả nhiều vị Hoàng đế La Mã.

Nhưng tới năm 199 Sau công nguyên, Hoàng đế La Mã Septimius Severus cho trùng tu các bức tượng, thì kể từ đó hai công trình không còn "hát" nữa. Đến nay, pho tượng khổng lồ này vẫn là điểm hút khách du lịch khi các lữ khách muốn tìm hiểu về một Ai Cập cổ đại của quá khứ.

Quốc Việt/DANTRI.VN

Ý kiến bạn đọc