Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Công trình nghệ thuật “đoản thọ” nổi tiếng thu hút du khách giữa Paris

Thứ Ba 21/09/2021 | 12:07 GMT+7

VHO- Paris là thủ đô ánh sáng của Châu Âu, nơi hội tụ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng với những công trình nghệ thuật, kiến trúc trường tồn nhiều thế kỷ. Paris lung linh với tháp Eiffel, cổng chiến thắng, cung điện Pathéon, nhà thờ Đức Bà, đồi Montmartre…Nhưng ít ai biết đến có những công trình đoản thọ cũng nổi tiếng làm tăng thêm giá trị của những công trình dường như vĩnh cửu, sống với thời gian. Đó là những công trình nghệ thuật phủ vải lên những công trình trường thọ. Một ý nghĩ táo bạo đầy sáng tạo của Christo.

Vợ chồng nghệ sĩ Christo

Chisto tên thật là Christo Vladimiroff Javacheff, gốc Bulgarie, sinh năm 13-6-1935, kết hôn cùng Jeanne - Claude Denat de Guillebon (1935 - 2009), sinh ở Maroc. Tình yêu nghệ thuật gắn họ với nhau từ năm 1958. 

Cặp đôi nghệ sĩ đương đại sống ở New York, mang quốc tịch Mỹ, được biết đến qua hàng loạt công trình phủ vải hoành tráng mang tầm vóc lịch sử và địa lý nổi tiếng thế giới. Tính đến nay, không nghệ sĩ nào bền bỉ thực hiện "khoác áo" cho các công trình nghệ thuật hơn nửa thế kỉ, gây tiếng vang được như Christo.

Christo là nghệ sĩ sắp đặt hàng đầu thế giới hiện nay. Ông dành cả cuộc đời để làm đẹp, đổi mới thị giác cho người xem khắp nơi và vẫn tiếp tục đam mê dù tuổi cao, dù người vợ - tri kỉ đồng hành đã mất. Nhiều tác phẩm họ thực hiện đạt độ vĩ đại, tuy tuổi thọ ngắn song được quốc tế biết đến.

Lúc đầu, những công trình của họ bị giới phê bình nghệ thuật chỉ trích với lý do "tốn tiền vô ích", "phù du đoản thọ". Christo cho rằng: nghệ thuật không phải hàng thương mại, không trao đi bán lại. Không ai mua bán công trình nghệ thuật kiểu đó, song có thể bán vé để công chúng vào như xem triển lãm. 

Loạt tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ của ông là kết quả của sự tư duy, ấp ủ thai nghén khát vọng đem đến cho thiên nhiên và công trình di sản sắc màu mới. Cuộc sống cần thay đổi, cũng như quần áo. Các siêu sao phải đầu tư, thay đổi trang phục thường xuyên để thu hút khán giả, tạo nên cái mới. Các buổi biểu diễn cứ lặp lại sẽ mất dần sự hấp dẫn. 

Cầu Mới phủ vải màu vàng trong đêm

Cuộc sống sẽ rất nhàm chán nếu con người xã hội công nghiệp sống cứng nhắc đơn điệu như cái máy robot. Mặc áo quần màu sắc cho các công trình xi măng, bêtông, sắt là cần thiết để che đi cái nặng nề của cuộc sống. Những công trình "trang phục" này bộc lộ sự tự do biểu đạt nghệ thuật của người nghệ sỹ trong thế giới tự do.

Albert Elsen 67 tuổi, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật hiện đại, giáo sư môn Lịch sử nghệ thuật của Đại học Tổng hợp Stanford danh tiếng ở Mỹ nhận xét: "Công trình của Christo thu hút được nhiều du khách chính là nhờ cái tài mang tính giáo dục". 

Bảo tồn văn hóa và môi trường đang là vấn đề nóng toàn cầu. Những kiến trúc xuyên thế kỉ sẽ chiếm không gian tự nhiên. Con người đã xây vô số dự án bền vững lớn, phá rừng, làm thu hẹp thiên nhiên. Tác phẩm phù du của Christo nhằm thu hút mọi người quan tâm bảo vệ công trình văn hóa cổ và thiên nhiên. Thiên nhiên vốn đẹp tự nhiên. Thông thường, các nghệ sĩ quan niệm: nếu đem giáo dục ý thức công dân vào trong tác phẩm sẽ làm hỏng đi giá trị nghệ thuật.

Cầu Mới trong  ánh sáng ban ngày

Ông khát khao tất cả công trình xây dựng phải là một công trình nghệ thuật văn hóa. Ý tưởng đó đã đưa ông thành nghệ sĩ chuyên thiết kế trang phục cho các công trình lịch sử, những nơi thiên nhiên hấp dẫn. Sự trang hoàng tuyệt vời này khiến nhiều kiệt tác già nua mang sức sống mới, sức quyến rũ mới, đó đòi hỏi nghệ sĩ thực hiện vừa có kiến thức kỹ thuật hiện đại và có con mắt nghệ thuật.Theo họ, nghệ thuật phải "phiêu" và xa rời cuộc sống. Còn với Christo, hai giá trị này hòa quyện trong tác phẩm của ông. Christo như một kỹ sư, một nhà thầu khi thực hiện những công trình nghệ thuật "phủ" này. 

Ngày 22-9-1985, hai nghệ sĩ đã phủ toàn bộ cầu Mới (Pont neuf) - cầu cổ nhất trong 37 cây cầu bắc qua sông Seine (Paris) - ngay kè Orsay, gần Louvre - bảo tàng danh giá bậc nhất hành tinh, nơi mà du khách nào đến Pháp cũng đi qua, còn người yêu nghệ thuật thì muốn vào.

Christo và Jeanne - Claude Denat đã biến bảo tàng (vốn là cung điện) cổ kính thành công trình hiện đại thu hút hàng triệu người đến xem. Tiếc rằng, những công trình của họ chỉ triển lãm kéo dài một hoặc hai tháng là kết thúc. Dưới bàn tay khéo léo và tài năng của họ, những công trình lịch sử mang vẻ đẹp xa xưa vang bóng nhiều thời bỗng thay xiêm áo.

Khát vọng tự do, Chisto là nghệ sĩ phản ứng Bức tường Berlin. Ông đã nảy ra ý tưởng bịt đường Visconti ở Paris bằng lưới, bị chính quyền địa phương từ chối. Mặc dù vậy, ngày 27-6-1962, vợ chồng ông đã lợi dụng buổi đêm chặn con đường trong thời gian 8 tiếng và làm một bức tường bằng 240 thanh tà vẹt cao 4,5m. Họ đã bị bắt, rồi được thả.

Vì Chisto muốn chứng minh cho nhân loại: mọi hàng rào biên giới là ngăn cản tự do của con người. Trái đất là của tất cả mọi người, hãy để mọi người tự do chọn nơi sinh sống phù hợp với nguyện vọng của cá nhân. Ông cũng toan thực hiện tiếp công trình này ở New York ở đại lộ số 53 với 441 thanh tà vẹt, song không thành vì không được phép.

Du khách chen chân trải nghiệm đi bộ trên nước nhờ chiếc cầu phao trên hồ Iseo

Gần đây nhất, ở tuổi 81, Chisto vẫn hăm hở sáng tạo. Ông đã làm chiếc cầu phao nối từ đảo Isola và hòn đảo nhỏ Thánh Paolo trên hồ Iseo thuộc thành phố Milan (Italia) nổi tiếng với phong cảnh non nước hữu tình tựa hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, Việt Nam. Cầu phao không phải là loại cầu mới lạ. Cầu phao trên hồ Iseo ghép bằng 200 bình nhựa lớn nổi, phủ vải dù màu da cam nổi bật, dài 3 cây số nối từ đất liền và vòng quanh cù lao nhỏ. Khách vào xem miễn phí. Các dịch vụ ăn uống giải khát vẫn là những quán có sẵn từ trước. 500 tình nguyện viên tham gia trật tự và bảo đảm không cho ai đi gần mép cầu, hay thò chân xuống nước sẽ nguy hiểm. Dịch vụ để đến được khu cầu đã đem lại cho thị trấn nhỏ bé khoản lợi tức lớn, nhờ số lượng khách du lịch đến đông bất ngờ: gần 1,5 triệu người trong một tháng.

Du khách có được sự trải nghiệm chịu đựng nắng giữa hồ, bước trên cầu bồng bềnh như đi trên sóng. Nắng chiếu thẳng đứng, gió đi vắng. Một cảm giác hãnh diện và sung sướng khi đến đích đảo nhỏ, nơi có ngôi nhà xưa như thành cổ. Khách có thể tận hưởng đón bình minh và hoàng hôn trên cầu bập bềnh tưởng như theo giai điệu của giấc mơ hoàn mĩ trên sóng nước... Gần triệu rưỡi khách du lịch đã làm sống động khu làng nhỏ đang ngủ yên ít người biết đến. Hồ Iseo mang sinh lực mới.

Thông điệp của Christo gửi gắm vào tác phẩm cầu phao nghệ thuật hiếm có này của ông: Cuộc sống hiện đại luôn vội vã. Không có gì vĩnh cửu. Mọi cái đều có thể mất đi. Hãy đến ngay ngắm những công trình nghệ thuật vì ngày mai nó sẽ không còn đấy nữa! Cái "đắt" của những du khách may mắn được chiêm ngưỡng những công trình đoản thọ, được thưởng thức kì thú ở mọi giác quan và không cách gì lặp lại. Christo, từng khao khát phủ vải trên Khải hoàn môn cổng thành hoành tráng vào Paris tráng lệ, nơi minh chứng chiến thắng của Napoléon đại đế. Ông đã từng nộp đơn xin dự án này từ năm 1961. Tiếc rằng ông mất mà ước mơ không thực hiện được. 60 năm sau, tổng thống Macron, tòa thị chính Paris đã chính thức cho phép thực thi dự án này.

Vladimir Yavatchev, giám đốc dự án là cháu trai của nghệ sĩ Christo sẽ kế tục chú ruột để thực hiện công trình được coi là điên rồ này. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot ví đây là “món quà bất ngờ dành cho người dân Paris, người Pháp và hơn thế nữa, cho tất cả những người yêu nghệ thuật”. Lẽ ra dự án được thực hiện vào mùa thu năm ngoái nhưng bị trì hoãn do đại dịch Covid 19. Tổng thống Macron cùng một số vị cấp cao đã đến dự khánh thành Khải Hoàn Môn mặc áo mới.

Tác giả trước công trình Khải Hoàn Môn được phủ vải gây sốt du khách

Phủ vải lên Khải Hoàn Môn – một công trình cao 50 m đòi hỏi nhiều công đoạn với tổng chi phí lên tới 14 triệu euro (hơn 375 tỉ đồng). Chất liệu dùng là loại vải công nghiệp màu bạc ánh xanh có thể tái chế. Việc phủ vải không hề đơn giản. Để bảo đảm Khải Hoàn Môn và những mảng phù điêu không bị hỏng gẫy xây sát sau khi tháo dỡ tác phẩm, người ta phải dùng lưới kim loại bao lên trước khi phủ vải. Tác phẩm được trưng bày từ ngày 18.9 đến ngày 3.10. Đặc biệt ngày 18 và ngày 19 tháng 9 lại là hai ngày miễn phí và mở cổng mọi công trình văn hóa tại Pháp. Ngày 19 tháng 9, cũng là ngày hưởng ứng Paris không khói, mọi phương tiện giao thông xả khói bị cấm đến 18 giờ. Khải Hoàn Môn sừng sững giữa trời nắng đầu thu vàng đầy hấp dẫn. Gió làm vải phập phồng Khải Hoàn môn đang sống với nhịp thở mới. Đêm Khải Hoàn Môn lay động trong gió và phản chiếu ánh sáng lung linh tuyệt vời.

Description: Aucune description disponible.

Một công đoạn phủ vải trên Khải Hoàn Môn 

Sau gần 2 năm chiến đấu với covid, khi hầu hết dân Pháp được tiêm chủng, mọi hoạt động văn hóa dường như bị tạm ngưng, nay bắt đầu trở lại hoạt động. Công trình phủ Khải Hoàn Môn là một kỳ công làm thức tỉnh văn hóa, như một tín hiệu chào mừng con người đã và đang chiến thắng một con virút kinh hoàng làm trấn động thế giới và cướp đi hàng loạt mạng sống, thay mặt nhân loại cảm ơn những người đã tìm ra vaccin để mọi người có thể lại tiếp tục chiêm ngưỡng những công trình văn hóa lộng lẫy trên thế giới.

Công trình thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng

Công trình nghệ thuật đoản kỳ mang ý nghĩa nhân văn lớn. Cuộc sống cần đổi thay, như mạnh dạn thay đổi tư duy cũ, khoác lên những chiếc áo mới để tô điểm cuộc sống. Đó cũng là mục đích của nghệ thuật đương đại.

TRẦN THU DUNG (từ Thànhphố Arcueil, Pháp)

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top