Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Cối xay ngũ cốc cổ ở Pháp

Thứ Năm 16/09/2021 | 09:01 GMT+7

VHO- Cối xay ở Pháp thường có hai loại: cối xay gió và cối xay nước. Trước đây, con người  dùng sức gió và nước để xay ngũ cốc thay thế sức lao động. Ngày nay kỹ thuật hiện đại đã thay thế các loại cối xay kiểu này. Tuy nhiên, cối xay gió và cối xay nước không biến mất khỏi đời sống, cũng như nó vẫn tồn tại vĩnh cửu trong những tác phẩm văn học cổ điển bất hủ. Nhiều nơi ở nước Pháp và trên thế giới, cối xay nước và cối xay gió được bảo tồn với tính chất là giá trị văn hoá. Nhưng cũng có không ít nơi, cối xay gió còn bị bỏ hoang.

 

Cối xay ở làng gần thành phố Chartres

Ỏ Pháp, các cối xay, kho trữ nông sản xưa cũ hầu hết không còn được dùng đúng với chức năng của nó. Chỉ một số rất nhỏ được các gia đình ở nông thôn giữ lại để dùng. Còn lại, hoặc được bảo vệ, trùng tu thành các di tích văn hoá ở làng quê, thành phố; hoặc được những người có tiền thích lối sống "độc, lạ", trong đó đa số là nghệ sĩ mua lại các cối xa cũ, thiết kế lại nội thất bên trong thành những buồng ngủ. 

Cối xay gió chính là cụ tổ của máy phát điện gió ngày nay. Máy phát điện bằng quạt gió, có mặt ở khắp đồng quê Pháp. Máy điện gió không xay ra lúa, nhưng cung cấp điện để thắp sáng làng quê và dùng trong sản xuất nông nghiêp…

Cối xay nước có từ trước công nguyên. Con người đã biết dùng sức nước để thay người. Cối xay nước chính là cha đẻ của đập thủy điện hiện đại sau này. Thế kỷ 12, cối xay nước đầu tiên ở châu Âu dùng cối xay trong công nghệ dệt để làm sạch vải bằng đất sét đặc biệt với công suất gấp 50 lần làm thủ công. Cối xay gắn với vồ đập.

Xưa đất đai thuộc nhà thờ và lãnh chúa. Cối xay cũng là một hình thức để sinh lời. Người nông dân buộc phải mang lúa mỳ đến đó xay. Những ông chủ cối xay một thời rất giàu. Sau này máy xay hiện đại đã làm các cối xay truyền thống đóng cửa, bỏ hoang.

Nước Pháp ngày nay có 9000 máy điện gió, xây rải khắp nơi. Những cánh tay kim loại trắng khổng lồ giữa đồng quay gió thành điện là một bước tiến khoa học vĩ đại của loài người. Cối xay nếu không hoạt động, bộ phận quay trở nên sét rỉ. Việc bảo hành và trùng tu đòi hỏi chi phí. Nhiều thị trấn nghèo, một số nhóm tư nhân, tổ chức yêu văn hóa đã kết hợp với tòa thị chính xin tự lo bảo tồn để làm đẹp quê hương.Cối xay gió và nước trở thành di sản sống động, bảo tàng giữa thiên nhiên của một thời đại về sự phát minh của con người.

Cối xay nước gần Montargis

Cối xay nước ở Combray

Cối xay gió và cối xay nước đã đi vào trong nhiều tác phẩm văn học và hội họa, âm nhạc châu Âu. Miguel de Cervantes tác giả cuốn Don Quichotte xứ Mancha, đã miêu tả cối xay nước dùng trong giặt vải. Chương thứ 20, ông đã tả tiếng quay đập rầm rầm trong đêm tối om làm Don Quichotte sợ hãi đến tận sáng. Kị sĩ Don Quichotte với chiếc áo giáp sắt đã chiến đấu với cối xay gió là hình ảnh tượng trưng cho cuộc chiến điên dại chống lại sự hiện đại hóa trong nông nghiệp. Alphonse Daudet với tác phẩm "Những lá thư từ cối xay gió của tôi viết từ năm1869" cũng  miêu tả cuộc chiến không cân sức của lão già Corneille chủ cối xay gió và nhà máy xay mới. Lão cố thủ ở lì trong đó vì là người duy nhất kiên trì dùng cối xay gió, mặc dù chỉ còn thưa thớt dăm người trong làng còn đến xay. Cuộc chiến của lão cũng như Don Quichotte là hình ảnh tượng trưng sự va chạm giữa thói quen cổ truyền và khoa học công nghệ. Nhà văn Guy de Maupassant đã tả rất đẹp "cánh cối xay lực lưỡng vươn lên giữa trời xanh quay tít với những bụi vàng như những vì sao lấp lánh…"

Máy phát điện hiện đại dùng sức gió ở Auneau Pháp

Cối xay gió ở ¨Pelard

Một bài hát đồng dao cho thiếu nhi nổi tiếng của Pháp "Chàng trai canh cối xay ngủ". Bài hát chỉ có 3 câu điệp khúc "Này chàng trai canh cối xay ngủ ! Cối xay của chàng quay tít ! Cối xay chàng quay nhanh quá !" nhằm ca ngợi sự hiện đại hóa và sự kỳ diệu của cối xay gió. Đối với trẻ thơ cối xay gió hoạt động như có sự mầu nhiệm huyền bí, chẳng cần ai trông, dù người canh ngủ say, cối xay vẫn tự nhiên quay tít trong không gian giữa trời xanh bát ngát. Đây cũng là hình ảnh thơ mộng người nông dân ngủ ngon hạnh phúc như trẻ thơ bên cạnh cối xay gió trong cảnh thanh bình ở làng quê và giá trị của cối xay dùng nước hay gió.

Bảo tồn cối xay truyền thống ở làng quê không chỉ làm đẹp nơi đó mà còn bằng chứng sống động về đời sống thôn quê và sức sáng tạo không ngừng phát triển công nghệ xay ngũ cốc thay bằng cối xay với chày giã mỏi mệt và là cha đẻ của những máy xay, máy thủy điện ngày nay.

TRẦN THU DUNG ( từ Pháp)

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top