Vaccine Sputnik V được sản xuất tại nhiều nước trên thế giới
VHO - Đây là loại vaccine đầu tiên trên thế giới được đăng ký cấp phép. Sputnik V có hiệu quả bảo vệ khỏi Covid-19 đến 91,6%, đáp ứng các quy chuẩn an toàn, giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga. Ảnh: IRNA/TTXVN
Vào tháng 8.2020, khi châu Âu đang bị làn sóng dịch Covid-19 thứ hai hoành hành, Nga bất ngờ công bố họ đã cấp phép vaccine ngừa CCovid-19 đầu tiên trên thế giới. Vaccine có tên Sputnik V, lấy theo tên loại vệ tinh nhân tạo đầu tiên do Nga phóng lên vũ trụ. Vào thời điểm đó có những mối lo ngại về hiệu quả cũng như độ an toàn của vaccine vì nó được phát triển quá nhanh.
Vaccine Sputnik V được cấp phép khẩn cấp mà chưa trải qua giai đoạn thử nghiệm thứ ba, một giai đoạn hết sức quan trọng trong việc cấp phép vaccine. Tuy nhiên nhà chức trách Nga tuyên bố, các thử nghiệm cho thấy vaccine Sputnik V có hiệu quả lên đến 91,6% và không có biến chứng nặng sau khi tiêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Vaccine Sputnik tạo ra đề kháng miễn dịch ổn định. Các kháng thể xuất hiện giống như trường hợp của con gái tôi. Sức khỏe con gái tôi ổn định sau khi tiêm".
"Chúng tôi đã so sánh phản ứng miễn dịch sau khi được tiêm vaccine và phản ứng miễn dịch của những người mắc bệnh. Kết quả cho thấy, kháng thể ở những người được tiêm vaccine cao hơn ở những người mắc bệnh", bà Inna Dolzhikova - Nhà nghiên cứu Viện Gamaleya, Nga nói.
Các nhân viên sân bay đang bốc dỡ thùng hàng đựng vaccine Sputnik V của Nga tại sân bay quốc tế Ezeiza ở Buenos Aires ngày 12.2.2021. Ảnh: Getty
Từ tháng 5.2020, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia Gamaleya đã tiến hành thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19. Họ dựa trên công nghệ vaccine đã từng sản xuất để ngăn chặn dịch MERS, vì thế họ đã rút ngắn được thời gian nghiên cứu và cho ra đời vaccine nhanh hơn.
Giống như vaccine của Astrazenca hay Johnson and Johnson, Sputnik V được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus. Đây là một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen, cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch, sinh ra kháng thể.
Để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài, các nhà khoa học Nga đã sử dụng hai loại vector adenovirus khác nhau cho lần tiêm chủng thứ nhất và thứ hai. Vì thế người sử dụng vaccine Sputnik V sẽ phải tiêm 2 mũi để tăng hiệu quả lâu dài của vaccine.
Sau một thời gian triển khai tiêm đại trà, vaccine Sputnik V đã chứng tỏ hiệu quả cũng như độ an toàn, không xuất hiện hiện tượng cục máu đông. Một đặc điểm nổi trội nữa của vaccine Sputnik V là nó có thể bảo quản ở nhiệt độ thường, thuận lợi cho việc triển khai tiêm chủng.
Vaccine Sputnik V đã được chấp thuận sử dụng cho những người từ 18 tuổi trở lên và không mắc các bệnh mãn tính. Cho đến nay, vaccine Sputnik V đã được xuất khẩu và sản xuất tại hàng chục quốc gia trên thế giới.
VTV.VN