Xung đột giữa Australia với Facebook: Cuộc chiến liệu có thể “hạ nhiệt”?
VHO- Cuộc chiến giữa “gã khổng lồ công nghệ” Facebook và Chính phủ Australia đã có phần chững lại khi Facebook đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Australia
“Cuộc chiến” giữa Facebook và Australia chưa có hồi kết
Tuy nhiên, hai bên vẫn tỏ ra kiên quyết giữ vững lập trường của mình, còn người sử dụng mạng xã hội này đang chờ đợi quyết định cuối cùng.
Khi Facebook “lạnh lùng” với khách hàng
Ngày 17.2, “đại gia” mạng xã hội Facebook đã đưa ra quyết định hạn chế đọc và chia sẻ tin tức của người dùng internet tại Australia. Động thái cứng rắn này của Facebook đã khiến các tổ chức báo chí của Australia không thể đăng tin tức lên trang Facebook của mình và hơn 17 triệu người dùng trên khắp xứ sở Chuột túi không thể đọc hay chia sẻ các trang tin này trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, trang Facebook của nhiều tổ chức xã hội, dịch vụ công và cơ quan chính quyền Australia cũng bị ảnh hưởng. Các trang Facebook quan trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng, dịch vụ công ích, xã hội như các dịch vụ khẩn cấp ở Australia, các trang thông tin về dịch Covid-19, cháy rừng, lốc xoáy, cứu hỏa, y tế, bạo lực gia đình... đều bị xóa nội dung thông tin.
Người phát ngôn của Facebook cho biết, quyết định trên được đưa ra nhằm phản đối dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông đã được Hạ viện Australia thông qua, trước khi được Thượng viện xem xét và ban hành thành luật trong tháng này. Theo Facebook, Bộ quy tắc đã cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa trang mạng xã hội và các tổ chức báo chí chủ động sử dụng mạng xã hội để chia sẻ nội dung tin tức. Và việc trao đổi giữa nền tảng này với các cơ quan báo chí đang thiên về hướng có lợi nhiều hơn cho các cơ quan báo chí. Chỉ riêng trong năm 2020, Facebook đã tạo ra khoảng 5,1 tỉ kết nối miễn phí có giá trị ước tính lên tới 407 triệu AUD tới các cơ quan báo chí.
Chính phủ Australia “đáp trả” quyết liệt
Trước động thái được xem là “vừa ngạo mạn, vừa đáng thất vọng” của nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, Australia sẽ không nhân nhượng và sẽ áp dụng luật buộc Facebook phải trả tiền cho các hãng tin về nội dung. “Tôi muốn nhắc nhở với Facebook rằng, nếu họ muốn kinh doanh ở đây, họ phải tuân thủ các quy tắc của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe các vấn đề kỹ thuật của vấn đề này, giống như chúng tôi đã lắng nghe ý kiến của Google và đã đi đến một thỏa thuận hợp lý. Nhưng ý tưởng chặn một số trang tin tức như cách Facebook đã làm, như một cách thức đe dọa, không phải là một động thái tốt từ phía Facebook”, Thủ tướng Australia nhấn mạnh.
Thêm vào đó, giới chức Australia cũng tuyên bố sẽ dừng toàn bộ các chiến dịch quảng cáo trên Facebook, bao gồm cả chiến dịch quảng bá tiêm chủng vắcxin Covid -19. Cụ thể, ngày 21.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Australia Greg Hunt cho biết Bộ này sẽ không sử dụng Facebook cho các chiến dịch quảng cáo. Ngày 22.2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Australia Simon Birmingham cũng đã thông báo lệnh cấm sử dụng Facebook sẽ được mở rộng tới tất cả các cơ quan của chính phủ. Đồng thời, ông Birmingham khẳng định, Australia giữ vững lập trường về các quy định trong Bộ quy tắc thương lượng truyền thông buộc Facebook và Google phải trả tiền sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông nội địa trên công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Theo ông Birmingham, Chính phủ Australia sẽ rút các quảng cáo trên Facebook. Được biết, trong giai đoạn 2019 - 2020, Australia đã chi 42 triệu AUD cho các chiến dịch quảng cáo trực tuyến, ước tính khoảng 1/4 chi tiêu quảng cáo trực tuyến của Chính phủ Australia dành cho Facebook. Như vậy, động thái cứng rắn của Chính phủ Australia có thể khiến Facebook sụt giảm nguồn thu khổng lồ tiền quảng cáo.
Trước phản ứng quyết liệt của Australia, đại diện Facebook đã đưa ra lời xin lỗi vì “vô tình ngăn chặn nội dung của nhiều trang tin phục vụ cộng đồng” và cam kết sớm khôi phục lại các trang này. Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và các lãnh đạo cao cấp của công ty cũng đã nối lại đàm phán với Chính phủ Australia. Được biết, trong các cuộc đàm phán giữa hai bên, Facebook đã nêu ra ba mối quan ngại về Bộ quy tắc, bao gồm một điều khoản cấm phân biệt đối xử giữa các tổ chức báo chí khác nhau có yêu cầu trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức, cơ chế trọng tài “phán xử cuối cùng” và nghĩa vụ tham gia các cuộc đàm phán thương mại. Đồng thời, Facebook cũng bày tỏ lo ngại rằng các quy định này có thể tạo ra một tiền lệ toàn cầu.
Về phía Australia, giới chức Chính phủ vừa lên tiếng hoan nghênh các cuộc trao đổi mang tính xây dựng với Facebook, vừa tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy ban hành Bộ quy tắc và cảnh báo có thể kiện công ty ra tòa với cáo buộc có hành vi ngăn chặn thông tin phục vụ lợi ích cộng đồng, cũng như có thể rút các quảng cáo có giá trị trên mạng xã hội này.
Cho đến nay, hai bên vẫn tỏ ra khá kiên quyết trong việc giữ vững lập trường của mình. Nếu các cuộc đàm phán vẫn chưa thể tìm ra được tiếng nói chung, thì cuộc “so găng” giữa Chính phủ Australia và Facebook sẽ khó có hồi kết.
HẢI MINH