Công nghệ là chìa khóa phục hồi du lịch

VHO- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, không ai có thể dự đoán được thời điểm phục hồi và tương lai của ngành du lịch trên toàn thế giới. Muốn hút khách khi mở cửa trở lại việc đầu tiên là phải đảm bảo môi trường du lịch sạch, an toàn.

Công nghệ là chìa khóa phục hồi du lịch - Anh 1

 Nhiều sân bay trên thế giới lắp đặt “đường đi thông minh” (ảnh minh họa) Ảnh: INTERNET

Để làm được điều này, đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp phục hồi nhanh ngành du lịch trên toàn thế giới.

Nhận diện khuôn mặt thay kiểm tra giấy tờ

Vài năm trở lại đây, công nghệ nhận diện khuôn mặt bắt đầu được áp dụng để thay thế việc kiểm tra các loại giấy tờ tùy thân của hành khách như bằng lái xe, thẻ căn cước, hộ chiếu tại một số sân bay. Giám đốc Công ty tư vấn, thiết kế sân bay Portland Design (Anh) I.Ibrahim cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến những sáng kiến của 5 năm trước được áp dụng chỉ trong vài tháng vừa qua và thậm chí có thể kéo dài vĩnh viễn”. Theo một khảo sát của hãng Delta (Mỹ), có tới 72% hành khách ưa chuộng hình thức check-in trước khi lên máy bay bằng sinh trắc học hơn cách thức truyền thống. Việc sử dụng công nghệ sinh trắc học đang được mở rộng ra nhiều sân bay lớn ở Canada, Nhật Bản, Italia, Tây Ban Nha, Iceland... Ngoài ra, các sân bay ở Athens (Hy Lạp), Brisbane (Australia), Muscat (Oman) hay Orlando, Miami và Boston (Mỹ) còn lắp đặt “đường đi thông minh”, cho phép hành khách di chuyển không dừng từ sân bay lên máy bay. Sân bay quốc tế Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) đã triển khai lắp thiết bị sinh trắc học giúp hành khách có thể thông qua cửa kiểm soát chỉ trong 15 giây.

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, hãng hàng không Japan Airlines (Nhật Bản) vừa đưa vào thử nghiệm một thiết bị mới giúp hành khách không phải chạm vào màn hình khi làm thủ tục ở sân bay. Thiết bị này được lắp đặt ngay tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo. Các cảm biến được lắp đặt xung quanh màn hình sẽ giúp phát hiện mọi chuyển động của ngón tay hành khách từ khoảng cách 3cm. Quá trình thử nghiệm sẽ kéo dài đến ngày 15.9. Sau đó, hãng Japan Airlines sẽ quyết định có tiếp tục triển khai trên diện rộng hay không dựa vào tính hiệu quả và phản ứng của hành khách.

Không những vậy, nhằm phát hiện những ca nghi mắc Covid-19 từ sớm, gần như tất cả sân bay đã lắp đặt thêm camera và máy cảm biến nhiệt, nhịp tim của hành khách. Các sân bay: Hong Kong (Trung Quốc), Changi (Singapore) hay Pittsburgh (Mỹ) đưa vào hoạt động phòng diệt khuẩn, robot diệt khuẩn bằng tia cực tím C (UVC), phủ chất diệt khuẩn lên các vật dụng thường xuyên có người chạm như nút bấm thang máy, xe đẩy... Nhiều nơi hiện đại hơn như sân bay Hamad ở Doha (Qatar) trang bị mũ bảo hiểm quét thông minh sử dụng hình ảnh nhiệt, trí thông minh nhân tạo và tương tác thực tế ảo để đo nhiệt độ của hành khách.

Quy trình “không chạm” trong du lịch

Những quy trình “không chạm” dựa trên công nghệ cũng đang được ngành du lịch Singapore nhân rộng. Điển hình như việc làm thủ tục lên máy bay, xuất nhập cảnh hay nhận phòng khách sạn... tất cả đều là các thao tác không chạm vào bất kỳ màn hình hay đồ vật nào. Cụ thể, tại sân bay Changi, các quầy check-in tự động tiếp tục được triển khai với các cảm biến gần giúp cho hành khách không cần phải chạm vào màn hình. Các làn xuất nhập cảnh tự động cũng được nâng cấp với hệ thống nhận diện mống mắt và khuôn mặt thay thế cho thủ tục quét vân tay truyền thống. Các robot quét dọn và khử khuẩn cũng đang được triển khai thí điểm nhằm tạo môi trường an toàn trước dịch bệnh cho du khách khi đặt chân đến Singapore.

Ông Paul Town, Phó Chủ tịch cao cấp, Tổ hợp Khách sạn Marina Bay Sands, cho biết khi bạn đến Marina Bay Sands, chúng tôi có ứng dụng cho phép khách hàng chỉ cần quẹt qua mà không chỉ kết nối với hệ thống truy vết phòng dịch Covid-19 của Chính phủ mà còn cho chúng tôi kiểm soát được số lượng khách tại khu tổ hợp. Ngoài ra, tại các nơi công cộng như trung tâm mua sắm, siêu thị, khu ẩm thực... đều được triển khai hệ thống quét mã QR kiểm soát ra vào, khử khuẩn tay tự động và bố trí giãn cách xã hội.

Trước đó, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã ra mắt chiến dịch #TravelThrowback trên mạng xã hội nhằm thúc đẩy các du khách quay trở lại không chỉ Singapore mà toàn Đông Nam Á. Chiến dịch này hợp tác với nhiều nước trong khu vực nhằm thúc đẩy du khách quay trở lại các điểm đến nổi tiếng và gợi nhớ Đông Nam Á trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo STB, họ muốn thu hút du khách và gợi nhớ hình ảnh về một Đông Nam Á giàu văn hóa, truyền thống. Đồng thời lan tỏa những ký ức, câu chuyện hay kinh nghiệm của bản thân về nơi đây. Bởi vậy, việc tiến hành một chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội được cho là thích hợp nhất. Hiện, STB đang khuyến khích người dùng Instagram chia sẻ những bức ảnh, khoảnh khắc du lịch tại Đông Nam Á với dòng hashtag #TravelThrowback, đồng thời gửi cho bạn bè hay người thân để thách thức họ làm điều tương tự. 

 HÙNG CƯỜNG

Ý kiến bạn đọc