Học sinh châu Á stress vì áp lực học hành

VH- Dù thành tích học tập của học sinh Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cao nhưng tỉ lệ tự tử, stress của học sinh những quốc gia này cũng ở hàng Top và nguyên nhân chỉ vì áp lực học tập. Ở Singapore, học đi đôi với… stress

Đến gần ngày thi, nhiều học sinh Trung Quốc phải thở bình oxy trong bệnh viện ở Toại Ninh, Tứ Xuyên, nhưng tay không rời quyển sách

VH- Dù thành tích học tập của học sinh Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cao nhưng tỉ lệ tự tử, stress của học sinh những quốc gia này cũng ở hàng Top và nguyên nhân chỉ vì áp lực học tập.
Ở Singapore, học đi đôi với… stress
Dù đạt được thành tích rất cao trong các kỳ thi quốc tế, học sinh ở Singapore phải chịu nhiều áp lực.
Ông Howard Tan, một cựu giáo viên tiểu học Singapore chuyển sang nghề gia sư cho biết từng chứng kiến nhiều trường hợp phụ huynh gây áp lực quá đáng lên con cái họ.
“Tôi có một học trò 8 tuổi phải đi học thêm nhiều môn khác nhau, lên đến 11 buổi mỗi tuần. Làm sao cô bé có thời gian cho việc gì khác?”, ông Tan dẫn chứng.
Bà Jamie Sisson - giảng viên Đại học Nam Australia, nhận xét mô hình giáo dục chia các em học sinh thành từng nhóm có trình độ khác nhau và các kỳ thi mang tính quyết định như ở Singapore chỉ càng làm tăng áp lực đối với trẻ con và bố mẹ chúng.
Hệ thống giáo dục bắt buộc của Singapore bao gồm 6 năm tiểu học, 4 năm trung học cơ sở, và 1-3 năm sau trung học. Học sinh phải trải qua hai kỳ thi chính trước khi tốt nghiệp tiểu học.
Cuối năm lớp 4 tiểu học, các học sinh sẽ được kiểm tra để phân chia trình độ trước khi vào giai đoạn định hướng (lớp 5, 6). Các môn thi gồm tiếng Anh, toán, tiếng mẹ đẻ và khoa học. Cuối lớp 6 học sinh sẽ tham dự kỳ thi vượt cấp (PSLE), các em sẽ tiếp tục được chia thành 4 nhóm có trình độ khác nhau ở bậc phổ thông.
Có lẽ nhận ra những hạn chế của mình, năm ngoái, Bộ Giáo dục Singapore công bố một hệ thống chấm điểm mới có hiệu lực từ năm 2021. Các nhà quản lý khẳng định nó sẽ giúp giảm áp lực đối với học sinh bằng cách khuyến khích các em tập trung vào việc học của mình hơn là cạnh tranh với các bạn khác.
Kỳ thi đại học khốc liệt ở Trung Quốc
Hằng năm, cứ đầu tháng 6, hàng triệu học sinh trung học ở Trung Quốc bước vào kỳ thi đại học, được gọi là “gaokao” nổi tiếng căng thẳng, được cho là có mối liên hệ chặt chẽ đến tỷ lệ tự tử ở tuổi học sinh.
Cạnh tranh vào đại học ở nước nào cũng khốc liệt, ở Trung Quốc khó khăn gấp bội. Những đại học hàng đầu có thể chọn chỉ một trên 50.000 thí sinh. Tỷ lệ thất nghiệp sau đại học là khoảng 16%. Chỉ cần vào đại học, sinh viên gần như nắm chắc triển vọng nghề nghiệp và thậm chí hôn nhân.
Yuan Qi, 18 tuổi, học sinh ở Bắc Kinh cho biết lần đầu tiên được nghe nhắc tới gaokao là từ giáo viên tiểu học. Từ gaokao được nhắc đến thường xuyên ở trường, trên bàn ăn tối như một động lực để học sinh cố gắng.
Để sẵn sàng cho kỳ thi này, Yuan Qi chỉ ngủ 6 đến 7 tiếng mỗi đêm kể từ tháng 3. Cậu nhồi nhét kiến thức 12 tiếng mỗi ngày hằng tháng trời trước kỳ thi, học thêm chăm chỉ vào cuối tuần, dành rất nhiều thời gian làm bài thi thử.
Tất nhiên, mỗi học sinh đều có thể thi lại vào năm sau, nhưng thí sinh sẽ gặp khủng hoảng nếu tiếp tục thất bại. Các vụ tự tử trong mùa thi không còn xa lạ. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy kỳ thi căng thẳng là yếu tố chính trong 93% trường hợp học sinh tự tử. Một số trường học ở Trung Quốc đã phải làm hàng rào tầng trên ban công ký túc xá sau khi hai học sinh nhảy lầu thời điểm sắp tới kỳ thi gaokao.
Căng thẳng học tập có thể bắt đầu từ rất sớm, điều này được chứng minh khi một cậu bé 10 tuổi tự tử sau cuộc chiến với mẹ về bài tập về nhà.
Tự tử vì quá áp lực của học sinh Hàn Quốc
Bộ Y tế Hàn Quốc trong năm qua đã từng công bố số liệu chỉ ra rằng, học sinh Hàn Quốc nằm trong nhóm thanh thiếu niên kém hạnh phúc nhất thế giới. Bởi các em phải chịu áp lực học tập quá căng thẳng và nhiệm vụ hàng đầu của giới trẻ Hàn Quốc hiện nay là dành thời gian học tập và đạt thành tích cao.
Tại đất nước này, việc học giỏi quan trọng hơn tất thảy. Do đó, cha mẹ kỳ vọng rất nhiều vào kết quả học tập của con em mình.
Ngay từ lớp một, sự căng thẳng, cạnh tranh giữa các học sinh đã rất khốc liệt. Ai cũng đặt mục tiêu trở thành sinh viên cao đẳng, đại học. Bởi vậy, trường học dường như biến thành “đấu trường” mà chỉ học sinh ưu tú mới dễ bề tồn tại.
Theo Koreaboo, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi tự sát do áp lực học tập cao nhất thế giới. Họ luôn bị thúc ép học tại trường hơn 12 giờ/ngày, thay vì chỉ học trong thời gian quy định từ 8h sáng đến 4h chiều mỗi ngày.
Gần đợt thi cuối kỳ, học sinh, sinh viên dốc hết sức ôn luyện và chỉ ngủ 4 tiếng vào ban đêm. Sau khi kết thúc 8 tiếng học chính thức ở trường (8h-16h hàng ngày), họ vội vã về nhà, ăn uống qua loa rồi lại hối hả tới lớp học thêm buổi tối.
Họ về nhà lúc nửa đêm, rồi tranh thủ vài tiếng ít ỏi còn lại để ngủ. Sáng hôm sau, vòng xoáy bài vở lại bắt đầu.
Gánh nặng học hành ở Nhật Bản
Trong một báo cáo nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy trong những năm gần đây có sự gia tăng mạnh mẽ về số vụ tự tử của trẻ dưới 18 tuổi trong hai giai đoạn của năm - vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 và đầu tháng 4. Hai giai đoạn này trùng với thời điểm kết thúc năm học và bắt đầu năm học mới.
Một nghiên cứu được đăng bởi Văn phòng Nội các Nhật Bản đã kiểm tra hơn 18.000 vụ tự tử ở trẻ vị thành niên từ năm 1972 - 2013 và thấy rằng 131 vụ tự tử xảy ra vào ngày 1.9, 32 vụ tự tử khác xảy ra vào các ngày tiếp theo đó.
Những con số rõ ràng cho thấy tỷ lệ tự sát tổng thể của Nhật Bản là cao hơn mức trung bình toàn cầu khoảng 60%, một báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới 2014 ghi nhận. Chỉ tính riêng trong năm 2014, 25.000 người Nhật tự đánh mất cuộc sống của mình - khoảng 70 vụ tự tử mỗi ngày.
Năm 2015, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Nhật trong độ tuổi từ 10 và 19. Trong số các thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi từ 10-24, có khoảng 4.600 trường hợp tử vong tự sát mỗi năm, và 157.000 trường hợp khác nhập viện do tự chấn thương gây ra.
Một nguyên nhân được đưa ra đó là áp lực học hành. Tại Nhật Bản, ngoài các giờ học trên lớp, cha mẹ thường gửi con cái đến lớp học thêm tư nhân, hoặc “trường luyện thi” - nơi mà các em phải dành nhiều giờ để nghiên cứu và chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Mới đây, khi Chính phủ Nhật Bản đề nghị giảm bớt chương trình học cho học sinh đã vướng phải sự phản đối mạnh mẽ từ các bậc cha mẹ.
Tất cả những con số đó đều bắt nguồn từ hệ thống giáo dục quá nặng nề. Tại Nhật Bản, ngay từ những năm bắt đầu đến trường (mẫu giáo), trẻ em Nhật Bản đã phải chịu một sức ép rất nặng nề. Để thực hiện tốt kỳ thi dự tuyển vào một trường học tốt nhất tại địa phương, nhiều em đã phải tham gia một lớp học dự bị vào lớp một.
Và bắt đầu từ đó chúng sẽ phải thực hiện tốt các kỳ thi trong một trình độ giáo dục cao từ tiểu học đến đại học và phải thi đỗ vào một trường có uy tín. Để đạt được điều này, trẻ em Nhật Bản phải học 8 tiếng một ngày, và 5, 6 ngày/tuần, học cả vào thứ 7. 

Chi Mai

Ý kiến bạn đọc