Chuyển đổi số trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật ngành VHTTDL

VHO - Ngày 29.11, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyển đổi số trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật ngành VHTTDL.

Dự Hội nghị  có  lãnh đạo Cục Báo chí, Bộ TT&TT;  Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL ... cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; công chức, viên chức đang thực hiện công tác xây dựng văn bản pháp luật, chuyên trách về thông tin và truyền thông tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Với mục đích tăng cường ứng dụng thông tin - truyền thông, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và các nhiệm vụ được giao để triển khai Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành VHTTDL giai đoạn 2022 - 2026", Hội nghị tập trung vào các nội dung trọng tâm gồm: Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên môi trường số; Truyền thông chính sách ngành VHTTDL trên môi trường số; Nhận diện những nguy cơ gây khủng hoảng truyền thông chính sách trên môi trường số. Qua đó giúp  lãnh đạo các đơn vị, công chức, viên chức có cách tiếp cận mới đối với công tác truyền thông chính sách, đặc biệt là truyền thông chính sách trên môi trường số. Đồng thời góp phần vào sự đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành VHTTDL trên môi trường số.

Chuyển đổi số trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật ngành VHTTDL - Anh 1

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng thực thi và hoàn thiện chính sách. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành.

Giới thiệu Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027" được phê duyệt theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thanh Sơn cho biết, mục tiêu của Đề án là tạo sự đồng thuận xã hội với các chính sách, pháp luật cần được ban hành. Đề án đã quán triệt chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành và phổ biến giáo dục pháp luật; Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật.

Đánh giá truyền thông các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trính xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Thanh Sơn nêu đặc điểm tác động đến truyền thông chính sách pháp luật của ngành VHTTDL được thể hiện ở chỗ: Quy mô lớn về số lượng, đa dạng về hình thức, cấp độ từ Luật đến Thông tư; Nội dung đa dạng, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội, liên quan đến con người, tư tưởng, thẩm mỹ, tín ngưỡng, có tính trừu tượng, đặc thù; Đối tượng gồm nhiều thành phần, từ tổ chức, gia đình, cá nhân, trong đó có đối tượng đặc thù như văn nghệ sĩ, vận động viên, nghệ nhân,…; Điều kiện đảm bảo phụ thuộc vào các pháp luật liên quan về nguồn lực và các chủ thể, cộng đồng, công nghệ, thiết bị, nhân lực,… Chính sách của ngành mặc dù tác động lớn nhưng chưa thiết yếu, trực tiếp, nhận diện thấy ngay được trong đời sống xã hội, từng nhà, từng người như đi lại, ăn mặc, ở, y tế, giáo dục… Một số chính sách của Ngành liên quan đến nhiều ngành khác và tác động vừa trực tiếp, vừa gián tiếp đến đời sống xã hội, cả trước mắt và lâu dài.

Ví dụ về kết quả khảo sát phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào DTTS, biên giới phía Bắc (2022-2023) cho thấy: Đánh giá về việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về VHTTDL được chính quyền địa phương thực hiện, phần lớn các ý kiến cho rằng địa phương thỉnh thoảng thực hiện 61,0%, việc tổ chức thường xuyên chỉ đạt 38,61%, cá biệt có nơi không tổ chức là 0,39%. Người dân chủ động tìm kiếm, tiếp cận thông tin pháp luật bằng hình thức dễ thực hiện nhất, phù hợp với thực tế vùng biên giới là qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, còn việc tìm hiểu qua tủ sách pháp luật hoặc tự mua sách là rất ít.

Từ đó, có thể thấy, yêu cầu đặt ra cho công tác truyền thông chính sách là: Phải xác định trúng, đúng chính sách, đánh giá tác động chính sách toàn diện, khách quan; Lựa chọn trong chính sách vấn đề căn cốt, tác động lớn đến xã hội; Tổ chức truyền thông chính sách theo Kế hoạch nhưng linh hoạt, thích ứng; Bố trí nguồn lực truyền thông hợp lý, tương thích với chính sách truyền thông; Chuyển hoá chính sách truyền thông thành quy định bảo đảm khách quan, trung thực, đồng bộ.

Truyền thông không chỉ đóng vai trò trong xây dựng văn bản mà còn góp phần quan trọng tạo dựng sức sống của chính sách. Với đặc thù nhiều chính sách của Ngành tác động lớn nhưng không trực tiếp ngay mà âm thầm, bền bỉ qua thời gian, trong khi quãng đời của chính sách có hạn, nên việc nhận thức chủ động truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và thực thi pháp luật.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc