Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Pháp luật

19 Tháng Ba 2024

Nạn nhân bị mua bán hồi hương: Khó khăn trong việc cấp giấy tờ pháp lý

Thứ Hai 08/08/2022 | 10:45 GMT+7

VHO- Báo Văn Hóa (số 3758 ra ngày 5.8.2022) phản ánh về việc chị L.T.T (huyện Nam Sách, Hải Dương) đã trở về Việt Nam được 5 năm, sau gần 30 năm bị mua bán, lưu lạc tại Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa được cấp lại giấy tờ tùy thân. Không chỉ chị T mà còn nhiều hoàn cảnh tương tự hiện nay đang chịu thiệt thòi vì thiếu các quy định, căn cứ pháp lý trong việc này.

 Bà Trần Thị Nga mong mỏi cháu ngoại mình được hỗ trợ pháp lý trong việc cấp giấy tờ

 Bà Trần Thị Nga (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) năm nay đã 67 tuổi vẫn đau đáu, lo lắng vì chưa làm được giấy khai sinh cho 2 cháu ngoại đã 7 và 9 tuổi. Bà Nga cho biết, mẹ của các cháu H.T.O (sinh năm 1986), bị hạn chế khả năng nhận thức, phát triển chậm chạp hơn người bình thường.

Theo lời chị O kể lại cho bà Nga, năm 2012, chị O làm công nhân trong một công ty đặt tại thành phố Hải Dương. Hôm đó, hết giờ làm việc, chị và mấy chị em cùng công ty rủ nhau đi ăn cơm. Sau khi ăn xong, chị O không biết gì nữa, khi tỉnh dậy thì thấy mình đã ở Trung Quốc. Tại đây, chị bị bán cho một người đàn ông sinh năm 1966. Trong thời gian sống cùng người đàn ông này, chị sinh được hai con gái sinh năm 2013 và 2015. Năm 2019, người đàn ông này mắc bệnh hiểm nghèo và mất. Sau khi người đàn ông chung sống cùng cháu mất, người thân trong gia đình chồng đối xử không tốt với chị O nên chị đã đưa con bỏ trốn về Việt Nam. Trên đường bỏ trốn, chị nhận được sự giúp đỡ của nhiều người và về đến cửa khẩu Móng Cái.

Sau đó, gia đình bà Nga biết tin, đến đón 3 mẹ con về. Hiện tại, chị O sống cùng các con, thuộc hộ nghèo. “Hai con gái của cháu O chưa có giấy khai sinh, gây rất nhiều khó khăn cho các cháu trong học tập cũng như cuộc sống và tương lai của các cháu sau này. Con gái tôi đã nhận được sự tư vấn, hỗ trợ rất nhiệt tình từ cán bộ Văn phòng Dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư và gia đình họ (Văn phòng OSSO) ở Hải Dương, được kết nối để nghe tư vấn từ cán bộ Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh. Tuy nhiên, do không muốn đưa các cháu trở lại Trung Quốc, do sự phức tạp của vụ việc, nên đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong hướng giải quyết trường hợp cho cháu ngoại. Tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các ban, ngành để giải quyết được khó khăn, để các cháu tôi có thể có cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác”, bà Trần Thị Nga phân trần.

Chia sẻ về trường hợp này, chị Thùy Lâm, cán bộ Văn phòng OSSO Hải Dương cho biết, UBND huyện Thanh Miện đã có công văn gửi Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư Pháp) để xin hướng dẫn nghiệp vụ. Tại công văn trả lời, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực cho hay: “Qua xác minh của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao thì bà O có hai con chung với chồng, đã được ghi tên trong hộ khẩu gia đình ông chồng tại Trung Quốc, phù hợp với độ tuổi của hai bé mà bà O đưa về Việt Nam. Theo quy định pháp luật Trung Quốc, nếu trẻ được nhập hộ khẩu của bố/mẹ có quốc tịch Trung Quốc thì trẻ có quốc tịch Trung Quốc. Do đó, đề nghị UBND huyện Thanh Miện xác minh, làm rõ, nếu hai cháu bé bà O đưa về Việt Nam là con chung của bà và chồng thì có cơ sở khẳng định các cháu đã có quốc tịch Trung Quốc. Nên cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho các cháu” . Văn phòng OSSO Hải Dương cũng đã kết nối chị O với cán bộ Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong hướng giải quyết vụ việc của chị O.

Còn với trường hợp của chị L.T.T (huyện Nam Sách, Hải Dương), sau gần 30 năm ở Trung Quốc, chị trở về Việt Nam bị mất hết giấy tờ tùy thân, bố mẹ, anh chị em ruột không còn, hiện đang trong tình trạng không có danh tính, ở tạm nhà người thân. Hiện chị không được hưởng bất cứ một chính sách hỗ trợ gì, kể cả việc mua BHYT để đi khám chữa bệnh. Chị Thùy Lâm cho biết, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã gửi công văn về Phòng Tư pháp huyện Nam Sách đề nghị xác minh. Tuy nhiên, chị T không còn lưu giữ bất kỳ một loại giấy tờ nào xác định nhân thân. Trong dữ liệu của Tư pháp, công an địa phương cũng không có thông tin nào có liên quan về vấn đề thân nhân của chị T. Chính vì vậy, theo quy định của pháp luật đến thời điểm này không có căn cứu nào để cấp giấy khai sinh cho chị T.

Đồng cảm với hoàn cảnh của chị T và chị O, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng ban Tuyên giáo (Hội LHPN Việt Nam) cho biết, hàng trăm nạn nhân bị buôn bán người khác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về đủ các vấn đề trong đó có vấn đề tiếp cận pháp lý khi trở về. Bà Dung kể lại câu chuyện buồn khi đi khảo sát ở miền Tây mới đây: “Tôi từng chứng kiến ở miền Tây có những đứa trẻ là con của nạn nhân bị buôn bán người trở về, thậm chí còn không có tên, không có cả giấy tờ tùy thân. Các em đã sống như vậy cả chục năm. Có em còn phải lấy tên của chị họ để đi học và đi thi”, bà Dung nói.

Cũng theo bà Dung, nhiều nạn nhân khi chạy trốn vẫn còn quan hệ hôn nhân với chồng cũ bên Trung Quốc, chưa được ly dị. Bản thân họ khi đã chạy trốn thì cũng không thể quay lại Trung Quốc xin thôi quốc tịch cho họ và con của họ được. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam thì quy định, công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch, trẻ em muốn được làm giấy khai sinh cần có quốc tịch. “Những bất cập trong công tác tư pháp khiến cho việc hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán người trở về gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi hy vọng các Bộ, ngành cùng chung tay, cùng có tiếng nói để xây dựng thể chế, sửa đổi chính sách liên quan tới phòng chống, xử lý buôn bán người; tăng cường hơn nữa các giải pháp hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán hồi hương nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân”, bà Dung nói.

Ở góc độ khác, đại tá Đoàn Thế Vinh - Trưởng phòng Phòng chống đấu tranh chống tội phạm mua bán người (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Các đối tượng phạm tội rất tinh vi, nhiều đối tượng lên mạng, dùng ảnh giả lừa đảo; thậm chí có kẻ tội phạm mua bán người còn giả vờ là công an biên phòng để di chuyển nạn nhân, phục vụ cho việc mua bán người.

Trước những bất cập về chính sách để đảm bảo pháp lý và quyền công dân cho các nạn nhân, ông Vinh cho rằng: “Các Bộ, ngành, sở phải linh động trong việc xử lý vụ việc. Phải xác định đây là chính sách nhân đạo vì thế cần phải nhập tịch cho các nạn nhân và con của họ. Ngành Tư pháp cần phải là đơn vị chủ trì vào cuộc để hỗ trợ nạn nhân”. 

 QUỲNH HOA

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top