Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Pháp luật

28 Tháng Ba 2024

Trăm lẻ một vỏ bọc mua bán người

Thứ Hai 28/02/2022 | 10:46 GMT+7

VHO-  Hiện nay tệ nạn mua bán người diễn ra ngày một tinh vi, không chỉ đơn thuần là những vụ lừa đảo, dụ dỗ bán phụ nữ, trẻ em qua nước ngoài, các đối tượng mua bán người thường lợi dụng việc cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tham quan du lịch, kết hôn với người nước ngoài để lừa bán nạn nhân với nhiều mục đích khác nhau.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng cũng như các địa phương, trong vòng mười năm qua, Việt Nam đã đấu tranh, phát hiện hơn 3.500 vụ với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Thượng tá Lê Cường - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Thủ đoạn mua bán người hiện nay ngày càng tinh vi, phổ biến là các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (thông qua các trang mạng xã hội) để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt những cô gái mới lớn, đua đòi ăn chơi, trình độ học vấn thấp, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng mua bán người cũng đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân, chúng vẽ ra tương lai tươi sáng để lôi kéo những nạn nhân theo chúng làm việc nơi xứ người. Bên cạnh đó, nạn mua bán người còn lợi dụng việc tổ chức đi du lịch, xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài để đưa các nạn nhân sang nước ngoài với mục đích nhằm bóc lột tình dục hoặc cưỡng bức lao động. Từ đó, nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà đàn ông cũng là đối tượng được nhắm đến.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở khắp nơi trên thế giới cũng như Việt Nam, nhu cầu tìm kiếm công việc mưu sinh sẽ càng khiến cho nhiều cái bẫy việc làm được nhóm đối tượng mua bán người đưa ra. Sự thiếu thốn về điều kiện kinh tế của nhóm người này sẽ tạo cho nhóm đối tượng mua bán người lừa gạt và tạo cho họ niềm tin rằng sẽ có giải pháp giúp người lao động vượt qua khó khăn, tạo cơ hội việc làm kèm theo những lời quảng bá về một tương lai tươi sáng hơn, có thu nhập ổn định hơn cũng như cải thiện được cuộc sống của gia đình nếu như tham gia vào những đường dây xuất khẩu lao động. Quảng bá là vậy nhưng khi người lao động đặt chân sang xứ người thì họ mới nhận ra rằng mình là nạn nhân của đường dây mua bán người tinh vi, họ không khác gì những nô lệ của thế kỷ mới. Rất nhiều người đã tìm mọi cách cầu cứu lực lượng chức năng giải cứu cho mình và không ít người vì túng quẫn đã tự tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho bản thân. Bên cạnh đó, rất nhiều vụ mua bán người được ghi nhận nạn nhân và nhóm đối tượng mua bán người có mối quan hệ mật thiết với nhau và gần như 100% nạn nhân đều là phụ nữ và trẻ em. Nhóm đối tượng thường sử dụng chiêu trò tâm lý tình cảm, chọn những nạn nhân không may mắn trong cuộc sống tình cảm cũng như học thức thấp, chúng chấp nhận đầu tư một thời gian dài để lấy được lòng tin của nạn nhân, sau đó sẽ tìm cách rủ rê đi chơi, mua sắm ở các tỉnh vùng biên rồi kết nối với đồng bọn bán nạn nhân sang nước ngoài để lấy một khoản tiền.

Cũng theo thượng tá Lê Cường, nắm được những kẽ hở như vậy nên thời gian qua Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn công an các địa phương phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan, tiến hành tổng điều tra, rà soát về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và đối tượng khác có liên quan; các trường hợp kết hôn với người nước ngoài; tăng cường công tác nắm tình hình, kiên quyết triệt phá các đường dây đưa người đi xuất cảnh trái phép… Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người cho đồng bộ, tăng cường công tác đổi mới truyền thông, đặc biệt là truyền thông về những vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người để những người có hoàn cảnh tương tự có thể tự tin chia sẻ vấn đề mình gặp phải với lực lượng chức năng.

THANH BẢO

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top