Liên quan đến Nguyên Tổng giám đốc BHXH Việt Nam bị khởi tố: Quyền lợi người tham gia BHYT, BHXH luôn được bảo đảm
VHO- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam với bốn bị can nguyên là cán bộ của BHXH Việt Nam có liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công ty cho thuê tài chính II và các đơn vị có liên quan. Điều này đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân về khả năng bồi thường của Quỹ BHXH. Liên quan đến vấn đề này, Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Đào Việt Ánh (ảnh), Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.
P.V: Xin ông cho biết quan điểm của BHXH Việt Nam về việc những cán bộ vừa bị bắt giữ?
- Ông Đào Việt Ánh: Quan điểm của BHXH Việt Nam là thực hiện đúng quy định của pháp luật, nghiêm túc chấp hành các kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, xử lý nghiêm các tập thể cá nhân vi phạm pháp luật. Vụ việc xảy ra cách đây 10 năm và đã có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương; các tập thể cá nhân có liên quan đã bị xử lý kỷ luật theo quy định. Các cơ quan chức năng hiện đang tập trung giải quyết vụ việc và thu hồi tài sản cho nhà nước. BHXH Việt Nam sẽ thông tin đầy đủ với các cơ quan báo chí khi có kết quả giải quyết vụ việc từ cơ quan có thẩm quyền.
Trong suốt thời gian qua Quỹ BHXH luôn được quản lý tốt dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, được thanh tra, kiểm toán định kỳ theo quy định của pháp luật. BHXH Việt Nam khẳng định trong mọi trường hợp quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Năm 2017, Quỹ BHYT đang kết dư gần 39.000 tỉ đồng, có ý kiến cho rằng quyền lợi của người tham gia BHYT bị thắt chặt là nguyên nhân của việc dư quỹ?
- Trước hết, phải khẳng định trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của Luật BHYT 2014 dù quỹ khám chữa bệnh bội chi hay kết dư.
Điều 35 Luật BHYT quy định phải “dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng”. Vì vậy, nói chính xác thì số dư trên là quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT được tồn tích qua nhiều năm triển khai thực hiện Luật BHYT và còn đến cuối năm 2017. Trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, Quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT là cần thiết để bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT, đảm bảo khả năng chi trả trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh. Đối với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh là rất quan trọng vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong khám, điều trị.
Thực tế cho thấy năm 2017 và mấy năm vừa qua chúng ta đã bị bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, phải sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp. Nếu chi phí khám, chữa bệnh không được kiểm soát tốt và quỹ dự phòng BHYT không còn đủ thì sẽ phải điều chỉnh tăng mức đóng BHYT. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến thu nhập của người dân, khả năng của doanh nghiệp, cân đối của Ngân sách nhà nước và năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo tôi, xem xét quỹ dự phòng phải tổng thể, tính đến xu hướng gia tăng chi phí khám chữa bệnh hằng năm, số chi khám chữa bệnh hiện tại (khoảng 90 ngàn tỉ đồng) và mức độ bội chi quỹ khám chữa bệnh. Nếu không sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, quỹ dự phòng hiện tại sẽ không còn trong thời gian không dài.
Xin ông cho biết ý kiến khi có đánh giá cho rằng, chính sách BHYT của chúng ta đang hướng tới một nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc nghèo nàn?
- Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách BHYT tốt nhất thế giới. Mệnh giá thẻ BHYT của chúng ta hiện nay mới chỉ ở mức bình quân 30 đến 40 USD/người/ năm trong khi Danh mục thuốc BHYT của Việt Nam hơn 1.000 loại, rộng hơn rất nhiều nước (các nước trung bình có khoảng 700 loại), cùng với đó là hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật, trong đó rất nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được quỹ BHYT thanh toán. Năm 2017 có gần 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có nhiều người được chi hàng trăm triệu đồng, có người trên một tỷ đồng/năm. Như vậy, nếu ai đó nói chúng ta hướng đến nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc, dịch vụ nghèo nàn là không đúng thực tế, thiếu khách quan và chưa hiểu đúng về chính sách.
Bị can Lê Bạch Hồng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, nguyên Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Việc bắt giữ được Bộ Công an thực hiện khi điều tra mở vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty cho thuê tài chính II (ALC II - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank) và các đơn vị có liên quan, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng giám đốc BHXH Việt Nam), Trần Tiến Vỹ (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính, BHXH Việt Nam) và Hoàng Hà (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính, BHXH Việt Nam) cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999. |
THẢO LAM (thực hiện)