Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong giáo dục đại học

VHO - Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, nghiên cứu, vận hành và quản lý là xu hướng bắt buộc tại các cơ sở giáo dục đại học. Tại sự kiện “Công nghệ và giáo dục” do Trường ĐH Văn Lang tổ chức hôm nay 15.9, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng luận bàn về câu chuyện chuyển đổi số trong giáo dục đại học kỷ nguyên 4.0.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong giáo dục đại học - Anh 1

Hơn 1.000 sinh viên tham dự chương trình

Sự kiện “Công nghệ và giáo dục” là hoạt động đầu năm học mới, diễn đàn học thuật thu hút sự tham dự của hơn 1.000 sinh viên và đông đảo chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ.

Theo các đại biểu, chuyển đổi số hiện là xu thế tất yếu trên toàn cầu, tác động quyết định đến các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của các nước trên thế giới. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để trang bị năng lực thích nghi mới cho lực lượng lao động của tương lai trong bối cảnh thế giới số hóa và toàn cầu hóa.

Với chủ đề “Công nghệ và giáo dục”, tại sự kiện, các chuyên gia thảo luận về tầm quan trọng trong xây dựng nền giáo dục số tại Việt Nam, chia sẻ góc nhìn từ các tổ chức công nghệ quốc tế, cập nhật xu hướng phát triển, khả năng nghiên cứu, tính ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trong cộng đồng học thuật.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang bày tỏ, Có lẽ khoảng thời gian trong ba năm qua, trong và sau đại dịch Covid-19, câu chuyện về ứng dụng công nghệ nói chung, trong giáo dục nói riêng, được thảo luận một cách sâu rộng trên khắp thế giới. Đặc biệt, gần đây, sự xuất hiện của một số công nghệ mới mang tính đột phá mà trước đây chúng ta chưa thể hình dung ra, thật sự làm mọi người phải nhìn lại để định hình tương lai sắp tới sẽ như thế nào.

Theo bà Mỹ Diệu, “Nhìn về tương lai, với triết lý giáo dục là học tập thông qua trải nghiệm, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ mới nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của người học hướng đến nâng cao hiệu quả của đào tạo. Điều này bắt đầu từ việc rà soát - thiết kế chương trình đào tạo, trong đó có việc xem xét yếu tố công nghệ có tác động tích cực đến các yếu tố quyết định hiệu quả của việc dạy và học: quá trình trình tiếp thu kiến thức, nội dung môn học, phương pháp giảng dạy, và việc phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học”. 

Từ góc nhìn của các nhà khoa học và các tổ chức công nghệ hàng đầu, câu chuyện chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã được các chuyên gia trao đổi với nhiều góc nhìn khác nhau, nhằm chia sẻ cơ hội cập nhật xu hướng phát triển của thế giới, tiếp cận những giá trị đột phá mà công nghệ mang lại. Đối với sinh viên khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ, các nội dung ứng dụng công nghệ trên đa nền tảng đã cổ vũ đam mê nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số trong học tập, sáng tạo cho các bạn.

Với điểm chạm nóng bỏng nhất hiện nay về công nghệ - Trí tuệ nhân tạo (AI), sự kiện đem đến nội dung tọa đàm “Cơ hội và thách thức của ứng dụng AI trong trong giáo dục", cung cấp cái nhìn đa chiều về ứng dụng AI trong giáo dục, xây dựng tài nguyên số, học thuật số trên nền tảng công nghệ thống nhất phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức. Đặc biệt, điều này trở nên quan trọng trong bối cảnh xây dựng xã hội học tập suốt đời, trong đó công nghệ AI có tiềm năng tối ưu hóa trải nghiệm giáo dục.

Theo các chuyên gia, sự kiện “Công nghệ và giáo dục” còn là dịp để các nhà đào tạo cùng nhìn lại tiềm năng mà công nghệ có thể thúc đẩy giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, và vạch ra bước đi trong những năm tới. 

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc