“Thảm họa” mang tên sách giả, sách lậu (Bài cuối): Tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính

VHO- “Thẳng thắn nhìn nhận, chế tài xử lý hành vi xuất bản sách giả, sách lậu còn thiếu và yếu, nhất là việc lợi dụng sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới để gian lận thương mại. Do đó trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung rà soát lại hành lang pháp lý; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Luật Xuất bản; đồng thời tiếp tục kiến nghị cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện các quy định để theo kịp tình hình thực tế...”.

“Thảm họa” mang tên sách giả, sách lậu (Bài cuối): Tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính - Anh 1

 Đó là ý kiến của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) Nguyễn Nguyên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cũng cho biết, việc đẩy lùi vấn nạn sách lậu, sách giả là câu chuyện “không của riêng ai”, rất cần sự chung tay từ phía các cơ quan quản lý, tác giả, NXB và người tiêu dùng.

Không thể mãi cam chịu

Dù nhức nhối lâu nay, nhưng thực tế, các đơn vị phát hành, NXB đang “cắn răng cam chịu” trước nạn sách giả ngang nhiên tung hoành. Nguyên nhân là vì quy trình xử lý vi phạm bản quyền rất phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết pháp lý cả ở người bị hại lẫn cơ quan áp dụng pháp luật. Vì thế, có hiện tượng thay vì tìm cách “truy cùng, diệt tận” xuất bản phẩm lậu, các tổ chức, người làm xuất bản lại loay hoay với bài toán kinh tế, tìm các nguồn khác để bù đắp khoản chi phí bị thất thoát. Hệ quả là sách giả, sách lậu cứ thế lộng hành như “chốn không người”.

Ông Nguyễn Nguyên cho rằng, sẽ khó có thể “bịt vết nứt của cốc nước” nếu vẫn còn đối tượng chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng đi ăn cắp chất xám, hớt tay trên những người làm xuất bản chân chính. Nạn in sách giả, phát hành lậu đã kéo dài gần 30 năm, và nay với sự xuất hiện của các yếu tố mới về thương mại điện tử, tình hình lại càng trở nên phức tạp. Các cơ quan quản lý xuất bản Trung ương, địa phương cũng cố gắng nhiều nhưng kết quả rất hạn chế, như “muối bỏ bể” và chưa có giải pháp căn cơ để ngăn chặn vấn đề này.

Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đặc biệt nhấn mạnh, các tác giả, chủ sở hữu tác quyền là người chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề từ vấn nạn sách lậu, sách giả. Vì thế, việc lập vi bằng, giấy tờ pháp lý liên quan chứng minh đó là sản phẩm của mình sẽ giúp các tổ chức, cá nhân có đầy đủ cơ sở pháp lý đấu tranh với các hành vi vi phạm bản quyền. “Trên một phương diện nhất định, tôi cho rằng, nếu chúng ta chỉ duy trì cách tiếp cận cũ, cách làm cũ sẽ rất khó phát huy hiệu quả, khi mà thực tế nhìn vào nguồn nhân lực và kinh phí dành cho hoạt động chống in lậu của các cơ quan quản lý xuất bản cả ở Trung ương và địa phương, sẽ thấy rất khó tạo ra bước đột phá”, ông Nguyễn Nguyên thẳng thắn nhìn nhận.

“Thảm họa” mang tên sách giả, sách lậu (Bài cuối): Tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính - Anh 2

Cần có những quy định bắt buộc học sinh, sinh viên sử dụng SGK, học liệu có bản quyền

Trách nhiệm không của riêng ai

Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho rằng: “Muốn ngăn chặn nạn sách lậu, sách giả thì phải triển khai nhiều giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn; cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan quản lý xuất bản, cơ quan bảo vệ pháp luật và đặc biệt là sự chung tay của chính các NXB và tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Cần có cách nghĩ mới, cách làm đột phá với vấn đề này mới mang lại hiệu quả. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính, cụ thể là: Quản lý - Kinh tế - Kỹ thuật - Tuyên truyền.

Đối với nhóm giải pháp về mặt quản lý, hoàn thiện hành lang pháp lý vẫn là tiền đề nhưng không chỉ tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xuất bản mà còn phải quan tâm đến việc hoàn thiện các quy định về thương mại điện tử, logistics… bởi chính những lỗ hổng tại đây đang được các đối tượng xấu lợi dụng để có hành vi gian lận.

Trong xử lý vi phạm cũng không nên chỉ chú trọng vào giải pháp hành chính mà phải khai thác hết các cơ chế xử lý khác như hình sự hay dân sự. Tất nhiên, để triển khai được các cơ chế này, không chỉ là sự nỗ lực cơ quan bảo vệ pháp luật mà cần sự sẵn sàng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, NXB, cũng như hình thành các thiết chế hỗ trợ phù hợp, chẳng hạn như Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm sách, nơi có thể thay mặt tác giả, chủ sở hữu bảo vệ bản quyền.

Về nhóm giải pháp kinh tế, bản chất của hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm là vì lợi nhuận, do đó cách thức hữu hiệu nhất trong điều kiện thương mại điện tử nở rộ là chặn dòng tiền bất hợp pháp đổ về. Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tài chính, ngân hàng để có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dòng tiền phi pháp này, nếu không những “món hời” tiếp tục rơi vào túi kẻ vi phạm, và như vậy sẽ rất khó ngăn chặn được hành vi in lậu, làm giả sách.

Nhóm giải pháp kỹ thuật không chỉ cần đa dạng mà còn phải được triển khai đồng bộ. Chẳng hạn giải pháp dán tem hiện được nhiều đơn vị áp dụng, có những cuốn sách dán 3-4 con tem chống giả, nhưng thực tế sản phẩm “dỏm” vẫn tràn lan. Câu chuyện chính là ở chỗ, việc sử dụng con tem đó chưa hiệu quả, vì chỉ có một số ít NXB có riêng con tem, còn lại là tùy thuộc vào đối tác liên kết. Nếu mỗi cuốn sách đều có tem của NXB; mỗi NXB lại có riêng tem của mình và thực hiện đăng ký mẫu mã tem với cơ quan quản lý để kiểm soát được số lượng sách phát hành thì sẽ rất thuận lợi cho công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Cuối cùng là giải pháp tăng cường tuyên truyền và giáo dục pháp luật. “Chủ động được hiểu không chỉ từ các cơ quan báo chí mà còn từ chính tác giả, người làm sách, NXB. Trước các vụ việc vi phạm, phía bị hại chủ động cung cấp thông tin cho báo chí cũng như khai thác triệt để các kênh thông tin để “vạch mặt, chỉ tên” những đối tượng, hành vi vi phạm, từ đó không chỉ ngăn chặn mà còn có tác dụng phòng ngừa. Hiện Cục Xuất bản, In và Phát hành đã lập kênh kết nối giữa NXB với các cơ quan báo chí. Tôi mong các NXB ý thức khai thác hiệu quả kênh này”, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Giáo dục pháp luật cũng cần có cái nhìn thực tiễn hơn. Theo ông Nguyên: “Hiện nay, giáo dục pháp luật không nên chỉ dừng lại ở các đối tượng như NXB, đối tác liên kết, cơ sở in, đơn vị phát hành sách mà nên mở rộng, đặc biệt chú ý đến giáo dục pháp luật cho chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, những người bị xâm hại bản quyền. Họ cần nắm vững quyền của mình và khai thác hiệu quả các quy định pháp luật về bảo vệ bản quyền. Chẳng hạn, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17 hướng dẫn thi hành có quy định rất mới về việc buộc các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm bản quyền tác giả. Nếu nắm vững và khai thác hiệu quả quy định này, chúng ta sẽ có thêm công cụ để đấu tranh, ngăn chặn sách lậu, sách giả. Tới đây, Cục sẽ phối hợp với Cục bản quyền Bộ VHTTDL mở các khóa bồi dưỡng và cung cấp kiến thức pháp luật cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm để họ có thể chủ động bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình”.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng nêu cao vai trò của nhà trường trong giáo dục nhận thức về chống vấn nạn sách lậu, sách giả. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo đã có quy định bắt buộc học sinh, sinh viên phải sử dụng SGK, học liệu có bản quyền. “Thế nhưng, câu chuyện ở đây là làm gì để thế hệ trẻ chủ động nói không với sách giả mà không phải nhắc đến đến hai chữ “quy định”. Chúng tôi mong muốn các nhà trường, song song với việc thành lập thư viện số, thư viện điện tử, thì cần có những cam kết mạnh mẽ và chế tài nghiêm khắc để mọi học sinh, sinh viên nói không với sách lậu, sách giả. Sự chung tay của cả cộng đồng không chỉ góp phần lành mạnh hóa hoạt động xuất bản, mà còn thể hiện lối sống văn minh, biết trân trọng những giá trị tinh thần đích thực của nhân loại”, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh. 

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17 hướng dẫn thi hành có quy định rất mới về việc buộc các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm bản quyền tác giả. Nếu nắm vững và khai thác hiệu quả quy định này, chúng ta sẽ có thêm công cụ để đấu tranh, ngăn chặn sách lậu, sách giả. Tới đây, Cục sẽ phối hợp với Cục bản quyền Bộ VHTTDL mở các khóa bồi dưỡng và cung cấp kiến thức pháp luật cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm để họ có thể chủ động bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình.

(Ông NGUYỄN NGUYÊN, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành)

THANH NGỌC - ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc