Phục dựng lịch sử nghệ thuật qua câu chuyện cuộc đời

VHO- Tập hợp những câu chuyện, tư liệu qua nhiều thời kỳ, không ít cuốn sách về chân dung các văn nghệ sĩ thành danh đã đến với công chúng trong thời gian gần đây, mang tới cách nhìn khá toàn diện không chỉ về cuộc đời, sự nghiệp mà còn là chuyện “bếp núc” gắn với quá trình sáng tạo tác phẩm, tư tưởng nghệ thuật của từng văn nghệ sĩ.

Phục dựng lịch sử nghệ thuật qua câu chuyện cuộc đời - Anh 1

Nhiều cuốn sách về chân dung các nghệ sĩ đã được ra mắt công chúng Ảnh: ITN

Khám phá chân dung họa sĩ Đông Dương

Cuốn sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương vừa được Omega Plus và NXB Mỹ thuật ra mắt, là tâm huyết mà họa sĩ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cha mình - cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, một người Việt Nam được đào tạo và thành danh bởi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ XX. Theo dòng chảy thời gian cùng những thăng trầm trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội, tác giả đã khắc họa không chỉ khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc ở giai đoạn nước nhà có nhiều biến đổi, mà còn nêu bật được những đóng góp của ông cho đất nước, bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng.

Được đào tạo về hội họa, nhưng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc lại vận dụng kiến thức và tài năng vào kỹ thuật vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta và gặt hái được những thành công với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa Sách Hoa Xuân, báo Tri Tân… Sự nghiệp của ông gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống của người dân nước nhà bằng những ý tưởng và đóng góp từ chính tài năng của mình.

Cuốn sách như một chuyến đi trải nghiệm dành cho độc giả để khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Sống, đi, chiêm nghiệm và vẽ, hành trình ấy của ông cứ miệt mài, không ngừng nghỉ để đạt đến đỉnh cao là “thiền họa”. Tác giả Trịnh Lữ chia sẻ: “Lòng chung thủy với cái Đẹp, cái Thật và cái Thiện của hội họa đã nuôi dưỡng và chỉ lối cho ông qua mọi thăng trầm của cuộc đời, cuối cùng đã đưa ông về “nhà”, về với niềm an ủi chỉ có được trong ngôi nhà của chính mình. Cuốn sách mong muốn giúp ông tiếp tục lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi ấy - niềm an ủi của cái đẹp. Đồng thời, chia sẻ niềm tin của ông rằng hội họa là một nghề làm đẹp cuộc sống, mắt nhìn, tay vẽ với ý thức hòa nhập vào cái tự nhiên của muôn vật - một lối “thiền” định giản dị ai cũng có thể theo được.

Về quá trình thực hiện tác phẩm, tác giả chia sẻ: “Chúng tôi đã gắng sức kiệm lời riêng khi tổ chức nội dung và hình thức sách này để cuộc đời, sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc được phục dựng từ những tư liệu xác thực và tác phẩm của chính ông”.

Tiếp cận với một giai đoạn lịch sử nghệ thuật Việt Nam

Gần đây, rất nhiều cuốn sách chân dung nghệ sĩ trong các lĩnh vực đã được giới thiệu tới công chúng. Cuối năm 2022, Thời thanh xuân của Tân Nhạc Ái Quốc đã được nhà văn Nguyễn Trương Quý ra mắt, đưa tới không khí thấm đẫm âm nhạc của Hà Nội một thời. Với tư liệu, sự kiện dày dặn, được xử lý khai thác ở nhiều góc độ, tác giả đã mang tới những góc nhìn và khơi gợi những suy tư mới về buổi đầu của tân nhạc Việt Nam gắn với sự khởi sinh của chủ nghĩa dân tộc đầu thế kỷ XX. Trong cuốn du khảo này, người đọc sẽ được gặp lại nhiều nhân vật quan trọng trong đời sống văn nghệ Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX như Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Mỹ Ca, Trần Văn Khê, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Thế Lữ…

Trước đó, góp phần phục dựng lịch sử nhạc Jazz tại Việt Nam, cuốn sách Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội của TS Stan BH Tan-TangBau, tác giả chuyên nghiên cứu về các câu chuyện văn hóa, đã được ra mắt. Tác phẩm kể về lịch sử ra đời của nhạc Jazz ở Việt Nam qua câu chuyện đời của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Một lượng lớn những câu chuyện trong cuốn sách được tác giả Stan tập hợp lại vào năm 2009 và từ năm 2012-2016. Trong quá trình thực hiện dự án này, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã chuyển cho Stan tất cả những bài báo, tạp chí, tài liệu cũ và các kỷ vật ông còn giữ được trong những năm tháng của cuộc đời âm nhạc. Bằng cách đặt câu chuyện cá nhân của một nhạc sĩ ở trung tâm, cuốn sách đã thuật lại sống động câu chuyện hình thành và phát triển nhạc Jazz tại Việt Nam.

Cùng với đó, không ít cuốn sách tự truyện, hồi ký của các nghệ sĩ cũng đã đến với công chúng. Có thể kể tới tập truyện ký Những thước phim trong suốt của tác giả Nguyễn Hữu Tuấn, người đứng sau những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam: Thị xã trong tầm tay, Thương nhớ đồng quê, Hy vọng cuối cùng, Bến không chồng, Lạc lối... Trong cuốn sách này vẫn là những hình ảnh, những người, những cảnh, hiện lên như một bộ phim quay chậm về ký ức, chỉ có khác ở chỗ chất liệu bằng con chữ. Hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... của đạo diễn, tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng cũng được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Cuốn hồi ký gồm những câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng từ năm 1945 cho tới bước ngoặt trở thành nữ đạo diễn và ghi tên mình vào lịch sử phim tài liệu Việt Nam, với các tác phẩm Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979)…

Ngoài những cuốn sách được viết theo dạng hồi ký, tự truyện, còn có một số cuốn được hình thành từ tập hợp các bài viết của người thân, bạn bè, nhà nghiên cứu, hay được biên soạn dựa trên các di cảo, tư liệu, bản ghi của người thân chép lại theo lời kể của nhân vật chính... Có thể thấy, mỗi cuốn sách đều mang tới một câu chuyện riêng về các nghệ sĩ và dấu ấn của họ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Từ đó, giúp người đọc hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật, và thông qua đó, có thể tiếp cận với một giai đoạn lịch sử nghệ thuật Việt Nam. 

 TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc