Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Văn học dân gian thời… Covid

Chủ Nhật 22/01/2023 | 08:00 GMT+7

VHO- Nhớ lại đầu năm 2020, đại dịch Covid tràn đến, lập tức văn học dân gian (tạm gọi là văn học dân gian thời Covid) ào ạt xuất hiện. So với những giai đoạn trước đó, văn học dân gian thời Covid có những nét rất khác biệt.

 Truyện cổ tích “Cây khế” thời Covid

Bùng nổ với những đặc điểm rất riêng 
Mang tính thời sự cao, với chủ âm là cảm hứng khẳng định ngợi ca, dường như chúng chỉ  tập trung vào vấn đề chống dịch - một giai đoạn lịch sử đặc biệt với những biến động rất bất ngờ:
- Bao người đang sống yên lành
  Bỗng đùng một cái hóa thành ep không (F0)
- Ngày xưa sợ nhất sấm to
  Bây giờ sợ nhất người ho cạnh mình
- Người đâu gặp gỡ làm chi
  Người mà dương tính cách ly cả phường
 (Ca dao)
- Phát xít như con covid
- Không đeo khẩu trang cả làng tẩy chay
(Thành ngữ, tục ngữ)
Những truyện cười như: Corona giống gì, Hành khách nào được cứu thoát, Nhầm vợ, Nói sau lưng, Tin thầy, Kén chồng thời Covid, Giấy thông hành, Nhuộm tóc, Mưa Ngâu tháng Tám, Tấm Cám thời đại dịch, Test Covid 19... Những bài vè, những biến tấu của các thể loại (nhại)  như nhại Hịch (Hịch toàn quốc kháng dịch Covid-19), nhại Lý lịch (Lý lịch trích ngang của Em Vy), nhại dân ca Quan họ (Bài Còn duyên), nhại  thần chú, nhại bài khấn trong nghi lễ thờ cúng, nhại hề chèo... đều chỉ phản ánh công cuộc chống dịch:
Loa, loa, loa loa
Chiềng làng chiềng chạ
Thượng hạ Tây Đông
Phụ nữ đàn ông
Đồng lòng chống dịch...
Sở dĩ văn học dân gian thời Covid phát triển mạnh mẽ  nguyên nhân sâu xa là vì người Việt Nam vốn năng động sáng tạo, cái khó ló cái khôn.
Đại dịch Covid đến bất ngờ với sức tàn phá kinh hoàng đã làm cuộc sống thay đổi rất lớn, đồng thời cũng làm nảy sinh nhiều đề tài mới lạ. Suốt nhiều tháng toàn dân triệt để thực hiện giãn cách xã hội, mọi người ở nhà, rảnh rỗi và bức xúc ai cũng có nhu cầu giao lưu, chia sẻ, nhất là giới trí thức. Vì thế họ đã tích cực tham gia sân chơi văn hóa dân gian rất  dân chủ tối ưu, tối giản, tiện ích, hình thức ngắn gọn, hài hước, nội dung gần gũi, thiết thực. Nhờ lực lượng trí thức hùng hậu này, văn học dân gian đã có cơ hội phát triển đột biến cả về số lượng và chất lượng, chất trí tuệ, chất hài, chất thời sự được tăng cường. Giỏi về công nghệ hiện đại họ giúp văn học dân gian phát tán rất nhanh. Không những thế, họ còn biết cải biên những tác phẩm trong kho tàng văn hóa truyền thống (dân gian và bác học) để tạo ra những tác phẩm rất thời sự, nhưng vẫn rất trí tuệ:
- Khắp nơi con cháu ba kỳ
Đứa thì F1, đứa thì F0
-  Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Đã mắc covid đừng liều về quê 
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, truyện cười Mưa ngâu tháng tám được gợi ý từ truyện dân gian Ngưu Lang Chức Nữ. Truyện Tấm Cám thời mắc dịch có nguồn gốc từ truyện dân gian cùng tên. Kén rể thời Covid lấy ý tưởng từ truyện Sơn Tinh Thủy Tinh. 
Đóng góp tích cực và hiệu quả của văn học dân gian thời Covid
Có thể nói, văn học dân gian chính là một kênh truyền thông thiết thực, hấp dẫn với những đóng góp độc đáo và hiệu quả cho công cuộc chống dịch Covid.
Thứ nhất, áp sát cuộc sống, những tác phẩm văn học dân gian đã phản ánh một cách vô cùng sinh động bức tranh toàn cảnh xã hội, phản ánh những khó khăn, tâm trạng buồn vui của con người Việt Nam thời Covid: 
- Nghe tiếng ho lo hơn nghe tiếng súng
- Chẳng mong sung sướng cao sang
  Chỉ mong cuộc sống bình an mỗi ngày
- Ngày xưa mong ước đủ điều
Bây giờ chỉ ước hai liều vắc xin
Được gọi đi tiêm là một niềm hạnh phúc... 
Đồng thời văn học dân gian cũng cho thấy sự nhanh nhạy, tài ứng phó, cách tư duy, bản lĩnh, kinh nghiệm ứng xử của một dân tộc luôn phải đối diện với chiến tranh và thiên tai, dịch bệnh:
- Tiếng hát át tiếng ho
- Chống giặc thì phải xông pha
 Chống dịch thì phải ngồi nhà nhớ không
Thứ hai, văn học dân gian thời Covid góp phần tuyên truyền, phản ánh kịp thời nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; chuyển tải những kịch bản, kinh nghiệm, biện pháp phòng chống dịch 5 K đầy hiệu quả của ngành Y tế tới mọi tầng lớp nhân dân: 
- Yêu Tổ quốc yêu đồng bào
 Đang ở chỗ nào ngồi nguyên chỗ đó
- Hỡi quốc dân hỡi đồng bào
 Yêu nước xin chớ đi vào đi ra
 Yêu nước xin hãy ở nhà
 Khẩu trang sát khuẩn nhắc ta nhắc mình
- Hai tuần chống dịch cách ly
 Không việc khẩn cấp không đi ra đường
 Đổi thay nhịp sống ngày thường
 Diệt dịch - diệt giặc, chiến trường mọi nơi
 Thủ tướng hiệu triệu vừa rồi
 Toàn dân chống dịch người người tuân theo
 Thứ ba,  Văn học dân gian kêu gọi toàn dân đoàn kết chung tay chống dịch kịp thời ngợi ca, cổ vũ, động viên những tấm gương không quản hy sinh  hết lòng vì  dân phục vụ:
- Thương Chính phủ thương ngành Y
 Thương người lính chống Covid đêm ngày
 Chúng ta cố gắng chung tay 
 Chớ quên phòng dịch ở ngay trong nhà
- Hoan hô nghệ sĩ Quyền Linh
 Tuyến đầu chống dịch hy sinh ngại gì
- Hoan hô chiến sĩ Quân y
  Lên đường chiến đấu nguyện vì nhân dân
  Để toàn dân thấy được sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid, không được chủ quan, dân gian có truyện cười Tấm Cám thời đại dịch.
 Để biểu dương thành tích chống dịch và động viện toàn dân lạc quan, tin tưởng vào ngày chiến thắng, dân gian có truyện: Hành khách nào thoát được tử thần  hóm hỉnh và sâu sắc:
 “Giữa mùa dịch Covid, Trên biển có một con tàu chở hành khách nhiều nước, trong đó có nhiều người đang bị Covid. Trong lúc nguy cơ, hành khách hoảng sợ  kêu cứu. Thần Biển hiện lên và nói: 
 “Nếu kẻ nào ném vật gì đó xuống biển mà ta không thể tìm thấy thì kẻ đó sẽ được sống“.
 Hành khách người Ý ném chiếc kim xuống biển. Thần nhanh chóng tìm thấy. 
 Hành khách người Mỹ ném xuống biển sợi tóc. Thần cũng tìm thấy ngay. 
 Hành khách người Trung Quốc ném tay không. Thần Biển phát hiện phạm luật.
 Hành khách người Việt bình tĩnh ném một vật khá to hình tròn xuống nước. Thần Biển lặn xuống mò mãi, mò mãi vẫn không thấy, bèn hỏi:
- Mày vừa ném gì vậy?
- Tôi ném viên C sủi.
- Siêu quá! Tao chịu mày! 
 Thế là như đã hứa, hành khách người Việt được cứu thoát”.
 Thứ tư, bằng  hình thức vui nhộn, hài hước, văn học dân gian đã thẳng thắn phê phán, chỉ ra những mặt hạn chế thiếu sót của các cá nhân và tập thể  trong   quá trình chống dịch (các truyện cười Kén rể thời Covid, Giấy thông hành, Nhuộm tóc... Nhưng cũng có khi phê phán theo kiểu khôi hài, tếu táo, vui vẻ : 
- Đứa nào muốn trốn cách ly
 Bà cho một phát hết đi, hết bò
- Đã xấu lại xa/Đã Corona lại còn tinh tướng
 Mang tính giải trí cao, những tiếng cười đầy cảm thông nhiều khi đã trở thành một liệu pháp tinh thần,  giúp con người giảm stress, giảm bớt áp lực, tạo sự cân  bằng cho cuộc sống:
 F0 là ai?
 F0 là ta
 Hắt hơi mấy cái ta là F0
 May ta đã được tiêm phòng
 Vacxin bốn mũi nên không việc gì
 Phản ánh những vấn đề xảy ra trong hai năm dịch bệnh, văn học dân gian thời Covid mang những nét đặc sắc, độc đáo rất riêng. Ghi lại hiện thực Việt Nam trong  một thời kỳ lịch sử đặc biệt một đi không trở lại, những tác phẩm  quý báu ấy  đã và sẽ góp phần giúp cho kho tàng văn học dân gian của dân tộc chúng ta ngày càng phong phú, đa dạng và thêm phần hấp dẫn. 

PGS.TS TRẦN THỊ TRÂM

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top