Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Kiên quyết xử lý hành vi lợi dụng di sản để trục lợi

Thứ Sáu 09/12/2022 | 10:43 GMT+7

VHO- Báo cáo của Cục Di sản văn hóa tại Hội nghị - Hội thảo Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022) cho biết, sẽ kiên quyết xử lý đối với các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền; cố tình thay đổi hình thức diễn xướng và những việc làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và toàn xã hội…

 Th trưng Hoàng Đo Cương d và phát biu ch đo ti Hi ngh, Hi thảo

 Hội nghị - Hội thảo do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên vừa tổ chức tại Hưng Yên. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Vẫn xảy ra hiện tượng phản cảm, sai lệch bản chất di sản

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức Hội nghị - Hội thảo đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017 - 2022) để xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO (giai đoạn 2023-2028).

Lãnh đạo Bộ nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, việc thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản như: Tổ chức hầu đồng không đúng không gian tâm linh, ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình du lịch hay ca nhạc đường phố; sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng… Bên cạnh đó, có những tổ chức, cá nhân lợi dụng danh hiệu của di sản để tổ chức các liên hoan, hội nghị, hội thảo, trình diễn di sản và kêu gọi sự đóng góp không dựa trên sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể di sản cho các sự kiện này, cũng như việc trao tặng các giấy khen, giấy chứng nhận một cách tuỳ tiện. Điều này đã gây ra những xung đột trong cộng đồng chủ thể thực hành di sản và làm suy giảm giá trị, tính thiêng của di sản.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị các nghệ nhân, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố có di sản, các nhà nghiên cứu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình hành động quốc gia, những vấn đề trong quản lý di sản, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản đối với những vấn đề liên quan đến thực hành và cộng đồng chủ thể thực hành di sản, thu hút sự tham gia của nghệ nhân, cộng đồng chủ thể di sản vào quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đúng theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO và ở các giai đoạn tiếp theo.

Báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2017-2022, Cục Di sản văn hóa cho biết, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố có di sản đã nhanh chóng xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, đề án, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về di sản này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là vấn đề thực hành không đúng nguyên tắc, không đúng không gian; danh hiệu và các hoạt động giao lưu trình diễn tín ngưỡng ồ ạt, tuỳ tiện. “Xuất hiện một số tổ chức tham gia vào các hoạt động liên quan tới di sản nhưng nặng về tính hình thức, không vì di sản, huy động đóng góp của các thanh đồng vào việc tổ chức thực hành di sản hoặc đóng góp để được tham gia các sự kiện liên quan mang nặng tính thương mại…”, Cục Di sản văn hóa cho biết.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Cục Di sản văn hóa khẳng định sẽ luôn đồng hành với các địa phương có di sản và cộng đồng chủ thể thực hành di sản, kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền; cố tình thay đổi hình thức diễn xướng và các yếu tố liên quan; lợi dụng niềm tin vào Tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân để tuyên truyền và cổ xúy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và toàn xã hội.

 Những năm qua, nhiều nghệ nhân thực hành di sản luôn chú trọng gìn giữ những chuẩn mực giá trị truyền thống trong thực hành

Những nhận thức sai lầm cần khắc phục kịp thời

Nhiều ý kiến được các chuyên gia, nghệ nhân thực hành di sản trình bày và gửi đến Hội nghị - Hội thảo. Nhấn mạnh vai trò của các tổ chức hội trong việc tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể qua trường hợp di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, nhằm thực hiện cam kết của quốc gia với UNESCO, cùng với các cơ quan quản lý thuộc Bộ VHTTDL, các cơ quan của các tỉnh, thành phố trực thuộc còn có đông đảo các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức và cá nhân liên quan trên địa bàn cả nước. Những hội này như một cánh tay nối dài của Nhà nước trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

“Vai trò của các tổ chức hội trong việc tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể nói chung, trường hợp Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng sẽ ngày càng được coi trọng. Điều đó hướng đến việc khai thác các giá trị văn hóa của tín ngưỡng này cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, không bị trần tục hóa và thương mại hóa một cách thô thiển, kệch cỡm...”, GS.TS Lê Hồng Lý nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý, muốn như vậy, các hội phải cùng với sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội để phát huy tốt nhất những giá trị của di sản này. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là tín ngưỡng cho người dân, mà còn như một sản phẩm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, sau 6 năm được vinh danh, bước đầu di sản này đã khẳng định sức sống bền vững và có sự lan toả mạnh mẽ thông qua nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ông Bài cho rằng, đang có xu hướng “cao trào mở phủ, hầu đồng”, cho nên không tránh khỏi những mặt hạn chế và cần có biện pháp khắc phục kịp thời. Không ít người mới “thử đồng” hoặc thực hành tín ngưỡng được hai, ba năm, chưa đủ uy tín trước cộng đồng bản hội đã “tự phong là đồng thầy”. Sai lầm hơn nữa, nhiều vị lại coi việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một nghề, lợi dụng lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân, tức là “thương mại hóa” di sản, làm sai lệch giá trị của di sản.

Ông Bài cũng lưu ý việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang có chiều hướng khó kiểm soát, diễn ra ở hầu khắp các vùng miền của đất nước, cá biệt do thiếu hiểu biết một số người, trong đó có cả thanh đồng Đạo Mẫu đã tự biến một số đền, miếu, am thờ và những thiết chế thờ các vị nhân thần - anh hùng dân tộc có công với dân với nước thành thờ Tứ phủ. Điều nguy hiểm là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không được diễn ra tại không gian văn hóa linh thiêng vốn gắn chặt với Đạo Mẫu; mặt khác còn góp phần làm sai lệch bản chất cũng như giá trị văn hóa của các tín ngưỡng tôn giáo khác. Hiện tượng cần sớm chấn chỉnh nữa là việc các cá nhân, tổ chức phi chính phủ lợi dụng việc xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức diễn đàn trao tặng các “danh hiệu”, giấy khen, giải thưởng, chứng chỉ không đúng chức năng để huy động nguồn lực, kể cả kinh phí từ các bản hội và các thanh đồng gây rối loạn, bức xúc và hiểu lầm lớn trong cộng đồng.

“Những bất cập, hạn chế trong bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được UNESCO vinh danh do nhiều địa phương chưa chủ động và tích cực triển khai “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, ông Bài nhận định. Đồng thời, ông nhấn mạnh, từ thực trạng nói trên đặt ra yêu cầu phải tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước để huy động các nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội cho việc bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị của di sản. 

 Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, việc thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản như: Tổ chức hầu đồng không đúng không gian tâm linh, ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình du lịch hay ca nhạc đường phố; sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng.

Có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng…

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

 

PHƯƠNG MAI

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top