Kiều bào xúc động khi được xem kịch về Bác Hồ

VHO - Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp cùng với Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Lào tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ kiều bào tại Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và tỉnh Udon Thani (Thái Lan). Chuyến đi dài 11 ngày của đoàn công tác gồm 34 nghệ sĩ, cán bộ đã vượt qua hành trình hơn 2.700 km để mang nghệ thuật kịch nói Việt Nam đến với khán giả.

Kiều bào xúc động khi được xem kịch về Bác Hồ - Anh 1

Đêm biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát tại Viêng Chăn, Lào

'Đặc biệt trong chuyến đi, tại Thủ đô Viêng Chăn,Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào phối hợp Nhà hát Kịch Việt Nam, các đơn vị liên quan phía Lào tổ chức giao lưu văn nghệ ca ngợi tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào. Tham dự sự kiện, có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cùng đông đảo cán bộ, học sinh, sinh viên người Lào và bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống tại thủ đô Viêng Chăn.

Tại buổi giao lưu, các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam cùng với những nghệ sĩ đến từ Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Lào đã trình diễn những tiết mục ca, múa, nhạc ca ngợi vẻ đẹp đất nước, con người hai nước, ca ngợi tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.

Kiều bào xúc động khi được xem kịch về Bác Hồ - Anh 2

Tiết mục biểu diễn giao lưu của nghệ sĩ Lào

Điểm nhấn gây ấn tượng sâu sắc trong chuyến lưu diễn lần này đó là vở kịch nói Đôi mắt sáng của tác giả Thiên Ân, được đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh dàn dựng lấy bối cảnh vào ngày cuối đêm giao thừa Xuân Bính Thân năm 1956 tại Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội để lại ấn tượng sâu sắc. Ở đó có những câu chuyện của những chiến sĩ, đồng chí thương binh bị hỏng mắt do chiến đấu bảo vệ nền hoà bình của dân tộc Việt Nam. Các anh thương binh nghĩ mình mất đi đôi mắt coi như là đã mất đi tất cả và cảm thấy rất tuyệt vọng, chán nản. Cũng vào đêm đó, Bác Hồ đến thăm trường trò chuyện với thương binh và Người đã nói “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, sau năm 1956, các thương binh của trường đã dấy lên phong trào Ngọn cờ tiến vào lao động sản xuất, học tập và các hoạt động xã hội. Vở kịch ngợi ca tình người, tình đồng chí, đồng đội của những người lính, trong đó có những giọt nước mắt, những nụ cười và sau cùng là tình yêu thương, những tình cảm đầy tính nhân văn còn đọng lại. Tất cả đều đầy lòng nhân ái, vị tha và trên tất cả là đức hy sinh cùng tính nhân văn và cao cả của con người Việt Nam.

Kiều bào xúc động khi được xem kịch về Bác Hồ - Anh 3

Khán giả tại Thái Lan chúc mừng các nghệ sĩ sau đêm biểu diễn

Vở diễn đã nhận được nhiều tình cảm, xúc động, yêu mến của người xem, trong đó có cả những người dân Lào từng tham gia học tập tại Việt Nam và những thế hệ trẻ là những học sinh. Bà Soudala Chanthavithong, người dân Lào từng có nhiều năm sang Việt Nam học tập, cho biết rất vinh dự và tự hào khi được tới xem buổi biểu diễn văn nghệ, đồng thời mong muốn, các thế hệ ngày nay sẽ tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp để các thế hệ con cháu mai sau noi gương, cùng nhau chung tay bảo vệ gìn giữ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn nữa.

Đến thưởng thức chương trình nghệ thuật, Em Nguyễn Thị Ly - học sinh Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du chia sẻ: “Em cảm thấy rất xúc động vì đây là một vở kịch hay và rất ý nghĩa. Qua vở kịch, em nhận ra bài học là dù bản thân mình như thế nào thì luôn phải tiến lên, bước tiếp và không nên gục ngã. Em mong muốn những thế hệ hôm nay nên cùng nhau hướng về những mục tiêu lớn hơn để giúp xây dựng đất nước cũng như vun đắp cho tình hữu nghị của hai đất nước ngày càng thân thiết và bền chặt hơn.”

Kiều bào xúc động khi được xem kịch về Bác Hồ - Anh 4

 Chương trình thu hút đông đảo bà con Việt kiều

Diễn viên Lê Quang Đạo thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ đáng kính của nước Việt Nam cho biết trong lần giao lưu văn hóa này, anh muốn truyền lửa đến các thế hệ trẻ của Việt Nam và Lào cùng những thông điệp tốt đẹp, đó là hãy làm việc thật tốt, cống hiến thật tốt để thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Lào ngày một khăng khít hơn, ngày một bền chặt hơn và tốt đẹp hơn. 

Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá về tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh và những nét đẹp về con người của hai đất nước Việt Nam - Lào, từ đó góp phần vun đắp và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại,  tình hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Kiều Minh Hiếu cho biết trước khi sang Lào biểu diễn, Nhà hát Kịch Việt Nam đã xây dựng và chọn lựa các chương trình nghệ thuật chất lượng để đem đến cho khán giả Việt Nam và Lào các tiết mục hay và hấp dẫn; đồng thời cũng để truyền tải hình ảnh Bác Hồ, những giá trị nhân văn và nghị lực sống đến người dân hai nước để từ đó họ không ngừng cố gắng vươn lên trong học tập, lao động  và vun đắp, gắn kết cho mối tình keo sơn hai nước Việt Nam - Lào.

Kiều bào xúc động khi được xem kịch về Bác Hồ - Anh 5

Khán giả trẻ với các nghệ sĩ

Đêm diễn ngày 01.11 tại Xiêng Khoảng là đêm diễn cuối cùng trong chuỗi 4 đêm diễn tại Lào và Thái Lan của Nhà hát Kịch Việt Nam. Tại nơi đây, trên một ngọn đồi cao, tượng đài liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam sừng sững giữa bầu trời, thể hiện sự gắn bó giữa bộ đội Việt Nam và bộ đội Pa – thét Lào trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Đoàn công tác Nhà hát Kịch Việt Nam còn được tham quan Cánh đồng chum – nơi chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt với những hố bom vẫn tồn tại đến ngày nay. 

Chuyến lưu diễn không chỉ thành công ở góc độ biểu diễn mà còn là một chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa đối với cán bộ, nghệ sĩ trong đoàn công tác lần này. 

TÙNG LINH

Ý kiến bạn đọc