Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023: Cần thêm bệ phóng cho tài năng nghệ thuật

VHO - Sau 8 ngày diễn ra sôi nổi, Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023 đã khép lại vào tối 30.9 tại Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) với 7 giải nhất, 14 giải nhì được trao cho những gương mặt xứng đáng. Thế nhưng, sau khoảnh khắc rực cháy với nghề, không chỉ thí sinh dự thi mà BTC, Hội đồng giám khảo cũng không giấu được những nỗi niềm trăn trở, khi Cải lương đang dần không còn là lựa chọn của khán giả…

Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023: Cần thêm bệ phóng cho tài năng nghệ thuật - Anh 1

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều trao Giải Nhất cho các diễn viên xuất sắc

Niềm vui chưa trọn vẹn

Cuộc thi do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu đồng tổ chức, với sự tham gia của 60 thí sinh đến từ 23 đơn vị, nhà hát, có thể coi là lực lượng nòng cốt, nguồn nhân lực chất lượng cao của sân khấu Cải lương cả nước.

Trên sân khấu Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc lần này xuất hiện nhiều giọng ca đẹp, từ sáng vang, trầm ấm, hào sảng đến ngọt ngào, mùi mẫn và được xử lý trong các điệu Bắc, Xuân, Ai, Oán, các bài và đặc biệt cách nói lối dẫn vào Vọng cổ điêu luyện rất ấn tượng. Điều này thể hiện rõ ở những diễn viên được trao giải, đặc biệt là 7 diễn viên đoạt giải nhất: Phạm Hải Đăng (Nhà hát Cao Văn Lầu), Lê Thị Hồng Giang (Nhà hát Tây Đô); Nguyễn Văn Khởi (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Phạm Thị Ngọc (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Trần Phương Trang (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai), Đỗ Thị Kim Oanh (Đoàn Cải lương Hải Phòng), Quách Thị Diễm Ngọc (Công ty TNHH-TCBD Song Việt).

Đánh giá về trình độ của các diễn viên tham gia, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, đạo diễn Ca Lê Hồng nhận định: “Điều quan trọng và tiên quyết quyết định sự thành công của nghệ sĩ, diễn viên dự thi chính là nhờ chọn được trích đoạn hay và phù hợp với khả năng của từng người. Có không ít giọng ca đẹp nhưng khi đổ Vọng cổ lại không giữ được cao độ, tập trung quá sức vào ca dẫn đến khi lên cao bị chênh, sai nhịp...”.

Đồng quan điểm với đạo diễn Ca Lê Hồng, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH SKĐA TP.HCM, thành viên Ban Giám khảo cho biết: “Chúng tôi cảm thấy tiếc cho một số diễn viên có giọng ca hay nhưng lựa chọn vai diễn không phù hợp, chưa có sự nghiên cứu sâu nên thể hiện không đúng với hình tượng nhân vật hoặc phân bổ bài ca không hợp lý dẫn tới thất bại. Có những diễn viên hiện đang là nòng cốt của nhiều sân khấu, nhưng trích đoạn mà họ lựa chọn lại xây dựng quá đơn giản, chỉ như một ca cảnh nên không có đất diễn để bộc lộ tài năng”.

Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023: Cần thêm bệ phóng cho tài năng nghệ thuật - Anh 2

 Nghệ sĩ Lê Thị Hồng Giang (Nhà hát Tây Đô) vai Xê Đa trong trích đoạn “Nàng Xê Đa”, giải Nhất Cuộc thi

Cần năng lực để quản lý “tài năng”?

NSƯT Lê Nguyên Đạt bày tỏ, những cuộc thi tài năng như này không chỉ là cuộc tranh tài của diễn viên mà còn là cuộc tranh tài của chính những nhà lãnh đạo, quản lý các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc đầu tư cho diễn viên đi thi thể hiện rõ khuynh hướng, cách làm của mỗi đơn vị. Sự “chông chênh” trong một số vai diễn và trích đoạn phản ánh cách định hướng chưa thật chuẩn của những người “cầm quân”.

Được tổ chức ở cấp quy mô toàn quốc, các cuộc thi tài năng không chỉ nhằm phát hiện nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ lao động sáng tạo nghệ thuật mà còn được kỳ vọng là bệ phóng để giúp các tài năng được tỏa sáng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những bệ phóng này chưa phát huy hiệu quả được như mong muốn. Chủ tịch Hội đồng giám khảo Ca Lê Hồng bày tỏ sự lo lắng khi sau cuộc thi, các diễn viên được vinh danh không có chế độ đãi ngộ cần thiết để nuôi dưỡng và phát huy tài năng. “Sân khấu Cải lương hiện đang mất dần khán giả. Nhà hát không dựng vở mới nhiều, không thường xuyên đỏ đèn, vì vậy cơ hội để diễn viên được làm nghề ngày càng hiếm hoi. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến các tài năng sau khi được vinh danh trở về không có cơ hội đứng trên sân khấu của nhà hát, mà phải chạy show hát lẻ ở các quán ăn, nhà hàng hoặc đi đóng phim, tham gia game show, sự kiện...”, đạo diễn Ca Lê Hồng trăn trở.

Để tài năng có bệ phóng thì phải giải được bài toán kéo khán giả trở lại với sân khấu Cải lương. Theo Chủ tịch Hội đồng giám khảo, vai trò của người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật vô cùng quan trọng. “Cơ chế thị trường cực kỳ khắc nghiệt, các nhà quản lý cần phải có cách làm mới ngay từ việc xây dựng các vở diễn hấp dẫn cho tới quảng bá, tiếp thị… Ngay cả Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang muốn đỏ đèn liên tục cũng không hề đơn giản. Có vở diễn hay, có đội ngũ nghệ sĩ tài năng, hùng hậu nhưng không biết cách tổ chức hiệu quả thì cũng sẽ chẳng ai biết mà đến xem”, đạo diễn Ca Lê Hồng nhận định.

Tại lễ Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương khẳng định: “Từ thực tế Cuộc thi, về phía Cục nghệ thuật biểu diễn, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ VHTTDL sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách để cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên của loại hình nghệ thuật Cải lương nói riêng và lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung... Thông qua Cuộc thi này, đề nghị Sở VHTTDL, Sở VH&TT các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật tiếp tục chú trọng và tăng cường đầu tư hơn nữa nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng nghệ thuật Cải lương, nhất là các tài năng trẻ”.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023 được tổ chức là sự nỗ lực của những người có trách nhiệm trong việc vực dậy sự phát triển của sân khấu truyền thống. Trong bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác, thực trạng Cải lương đã và đang có quá nhiều khó khăn, đòi hỏi các ngành, các cấp, giới làm nghề phải khẩn trương tìm ra những giải pháp thiết thực và phù hợp. Các địa phương nên khuyến khích mở các câu lạc bộ để tạo nguồn nhân lực bổ sung cho lực lượng làm nghề chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng tác phẩm đặt hàng để phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa để phát triển nghệ thuật Cải lương. Có vai diễn, có tác phẩm đặt hàng, nghệ sĩ tài năng mới có cơ hội được tỏa sáng. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc