Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023: Bồi dưỡng thế hệ diễn viên Cải lương kế thừa

VHO - Diễn ra từ ngày 23 - 30.9 tại Nhà hát Cao Văn Lầu, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023 đã thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ và sự quan tâm của giới mộ điệu. Sự kiện do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đồng tổ chức.

Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023: Bồi dưỡng thế hệ diễn viên Cải lương kế thừa - Anh 1

 Ban Tổ chức tặng hoa đại diện các đơn vị tham gia cuộc thi

Cơ hội khẳng định dấu ấn cá nhân

Phát biểu tại Lễ khai mạc (tối 23.9), ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Cuộc thi nhằm phát hiện và tôn vinh tài năng nghệ thuật Cải lương; kịp thời ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật; qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá đúng thực trạng và đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật Cải lương phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội. Cuộc thi cũng nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các đơn vị tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng lực lượng kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật Cải lương phục vụ nhân dân.

Cuộc thi thu hút sự tham gia của 60 thí sinh (độ tuổi từ 18-45) đến từ 24 đơn vị, nhà hát trên cả nước. Các nghệ sĩ đều ý thức tham gia cuộc thi là trách nhiệm với nghề chứ không nghĩ đến việc sẽ gặt hái huy chương. Ngay sau tối khai mạc, lần lượt các diễn viên của Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Đoàn Cải lương Long An, Công ty TNHH Tổ chức sự kiện và đào tạo năng khiếu Bảo Sơn, Nhà hát NTTT Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội VHNT Cần Thơ (Hội SK Cần Thơ), Liên hiệp các Hội VHNT Bạc Liêu (Hội SK tỉnh Bạc Liêu), Trung tâm Văn hóa Tiền Giang đã trình diễn phần dự thi tài năng của mình.

Thông tin về số lượng thí sinh, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó phòng Nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn, thành viên Ban tổ chức cho biết, năm nay số thí sinh đăng ký tham dự khá đông. Việc lựa chọn các trích đoạn mà trước đó nhiều nghệ sĩ “gạo cội” đã biểu diễn thành công cũng tạo nên sức hấp dẫn cho cuộc thi và đòi hỏi các thí sinh phải không ngừng nỗ lực trong tập luyện, sáng tạo để có thể khẳng định dấu ấn riêng của mình.

Lần đầu tiên tham dự một cuộc thi nghề nghiệp, diễn viên Nguyễn Mạnh Việt Anh (Nhà hát Cải lương Việt Nam) chia sẻ: “Trước khi đến Bạc Liêu, em khá lo lắng vì đây là lần đầu được thử sức ở một sân chơi chuyên nghiệp tầm cỡ quốc gia, trong khi kinh nghiệm biểu diễn của em chưa có nhiều. Những ngày qua, các thầy cô trong Nhà hát đã chỉ bảo cho em rất tận tình, chu đáo nên em tự thấy mình đã trưởng thành và tự tin hơn. TS Triệu Trung Kiên là đạo diễn dàn dựng cho em tiết mục dự thi, NSƯT Dạ Ngọc Hương giúp em chỉnh sửa từng lời ca, động tác. Em rất xúc động và tự hứa sẽ nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin tưởng của Ban Giám đốc và các thầy cô đối với mình”.

Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023: Bồi dưỡng thế hệ diễn viên Cải lương kế thừa - Anh 2

 Một trích đoạn tham dự cuộc thi

Mừng vì tình yêu của nghệ sĩ trẻ dành cho Cải lương

NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH SKĐA TP.HCM, thành viên Ban Giám khảo của Cuộc thi tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023 nhận định: “Tôi mừng khi cuộc thi thu hút tới 60 thí sinh đến từ mọi miền đất nước như Hà Nội, Thanh Hóa, miền Đông - Tây Nam Bộ… với 24 đơn vị trong và ngoài công lập. Sự kiện đã tạo nên không khí sôi nổi ngay trong dịp kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam 2023, làm cho ngày hội nghề nghiệp càng thêm ý nghĩa. Đề tài các trích đoạn dự thi đa dạng, bao gồm cả lịch sử, cách mạng, hiện đại, truyền thuyết và có cả các danh nhân văn hóa… Tôi có thể khẳng định, những diễn viên tham gia cuộc thi lần này chính là lực lượng kế thừa đầy sinh lực cho sân khấu Cải lương hôm nay và mai sau”.

Nằm trong Ban giám khảo, NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết, ông và các thành viên đều rất hào hứng khi thưởng thức tiết mục, trích đoạn dự thi của các thí sinh. Qua từng vai diễn nhuần nhuyễn, lời ca tiếng đàn ngọt ngào, các thí sinh đã thực sự thăng hoa và vượt lên chính mình. “Lớp diễn viên hôm nay chính là gạch nối thế hệ, đại diện cho văn hóa dân tộc thời đại mới. Họ không chỉ là người giữ lửa nghề mà còn có trách nhiệm làm cho Cải lương luôn đẹp và văn minh để song hành cùng thời đại. Cuộc thi rồi sẽ đi qua với những bài học quý dành cho mỗi người tham dự, để từ đó càng thêm trân trọng, giữ gìn và làm nghề một cách tử tế. Việc quan trọng và lớn lao hơn là khi trở về với đơn vị, họ lại là những con ong chăm chỉ, tận hiến niềm đam mê và nhiệt huyết của mình cho sân khấu Cải lương”, NSƯT Lê Nguyên Đạt khẳng định.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly khẳng định: “Cuộc thi được tổ chức là sự nỗ lực của những người có trách nhiệm trong việc vực dậy sự phát triển của sân khấu Cải lương. Trong bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác, thực trạng Cải lương đã và đang có quá nhiều trăn trở, đòi hỏi các ngành, các cấp, giới nghề phải khẩn trương tìm ra những giải pháp thiết thực và phù hợp. Các địa phương nên khuyến khích mở các câu lạc bộ Cải lương để tạo nguồn nhân lực bổ sung cho lực lượng làm nghề chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tác phẩm đặt hàng để phục vụ quần chúng nhân dân, thu hút nguồn hỗ trợ đầu tư xã hội hóa để phát triển nghệ thuật Cải lương. Có vai diễn, có tác phẩm đặt hàng, nghệ sĩ tài năng mới có cơ hội được toả sáng”.

Chia sẻ với Văn Hóa, đại diện các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ tham gia đều khẳng định sự cần thiết và hữu ích của cuộc thi trong việc phát hiện, tôn vinh tài năng nghệ thuật Cải lương, đồng thời đây là sân chơi lành mạnh để nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. 

 

 Trong khuôn khổ Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023, mỗi thí sinh dự thi 1 tiểu phẩm, trích đoạn có thời lượng không quá 25 phút; trường hợp 2 thí sinh cùng dự thi một tiểu phẩm, trích đoạn thì thời lượng không quá 35 phút. Không diễn lại vai diễn mà mình đã đoạt giải trong tiểu phẩm, trích đoạn tại các cuộc thi và vở diễn trong liên hoan Cải lương trước đây do Bộ VHTTDL tổ chức. Thí sinh phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật Cải lương. Khuyến khích vai diễn trong tiểu phẩm, trích đoạn sáng tác mới, có sự sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn .

 HIỀN LƯƠNG; ảnh: THÙY DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc