Băn khoăn mỹ thuật trẻ liệu có… già?
VHO - Điều băn khoăn “mỹ thuật trẻ đang dần già đi” một lần nữa được đặt ra tại Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024. BCĐ, BTC Festival nhấn mạnh: Luôn khuyến khích những phong cách sáng tạo mới mẻ, trẻ trung, đặc biệt là các tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật đương đại như trình diễn, sắp đặt, video art…
Lễ phát động Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 vừa được Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Tạ Quang Đông - Trưởng BCĐ Festival.
Khuyến khích các loại hình nghệ thuật đương đại
Sự kiện được Bộ VHTTDL giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện. Dự kiến, triển lãm các tác phẩm xuất sắc tham dự Festival sẽ khai mạc vào tháng 12.2024 tại Hà Nội.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh cho biết, đây là “sân chơi” thiết thực dành cho các nghệ sĩ trẻ, tạo điều kiện giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, công bố, phổ biến tác phẩm và phản ánh trung thực quá trình lao động nghệ thuật, thể hiện cách nhìn riêng về đời sống đương đại, quan điểm sáng tác của các nghệ sĩ trẻ nước nhà.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Festival Mỹ thuật trẻ là hoạt động được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Sân chơi nghệ thuật này khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ trẻ nói riêng. Sự kiện là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật quan trọng của năm 2024, nhằm tổng kết quá trình lao động sáng tạo của các tác giả, tôn vinh những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu, xuất sắc được sáng tác trong thời gian từ năm 2022-2024. “Đây cũng là hoạt động văn hóa đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, hưởng thụ mỹ thuật ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phản ánh những khó khăn, thuận lợi trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ trẻ Việt Nam”, Thứ trưởng khẳng định.
Bộ VHTTDL luôn khuyến khích các nghệ sĩ trẻ sáng tác đủ loại hình, từ đó nuôi dưỡng được tinh thần sáng tạo của người nghệ sĩ. Các loại hình trình diễn, sắp đặt, video art… trên thế giới không còn xa lạ, nhưng ở ta thì vẫn chưa được thực hành thường xuyên, phổ biến. Vì thế, Bộ VHTTDL mong muốn thông qua các sân chơi như Festival Mỹ thuật trẻ để đẩy mạnh nghệ thuật đương đại, góp phần đưa thị trường mỹ thuật Việt Nam hoạt động sôi nổi hơn, hội nhập quốc tế rõ nét hơn.
(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)
Cũng theo Thứ trưởng, chất trẻ và sự sáng tạo trong tác phẩm là định hướng khuyến khích các nghệ sĩ tham gia Festival. “Những loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art… hiện đang phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ trẻ. BCĐ, BTC Festival cũng mong muốn sẽ có nhiều tác phẩm ở các loại hình này tham gia kỳ Festival để mang đến diện mạo mới mẻ hơn, trẻ trung hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bước sang mùa thứ 7, Festival Mỹ thuật trẻ dần định hình thương hiệu là sân chơi nghệ thuật được đông đảo các nghệ sĩ trẻ trong nước đón chờ. Diện mạo đa sắc, phong phú về loại hình và phong cách sáng tác luôn tạo sức thu hút đối với cả nghệ sĩ và công chúng. Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ, để Festival có sức lan tỏa rộng rãi, thực sự trở thành một sân chơi hấp dẫn, cần có sự tích cực tham gia của các nghệ sĩ, cơ quan báo chí, truyền hình, những người yêu thích mỹ thuật trong cả nước.
Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, đối tượng tham gia Festival là các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ từ 18-35 tuổi, công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam sống ở nước ngoài. Tác phẩm tham dự có đề tài sáng tác tự do; khuyến khích tác phẩm có tính nhân văn, phản ánh tích cực đời sống xã hội đương đại; sáng tác về các nhân vật và sự kiện lịch sử của đất nước. Mỗi tác giả được gửi tham gia 3 tác phẩm hoặc bộ tác phẩm, được sáng tác mới trong 2 năm 2022-2024, chưa gửi tham gia các sự kiện mỹ thuật có quy mô toàn quốc do Bộ VHTTDL tổ chức.
Mong chờ những “đôi mắt” trẻ
Câu chuyện “trẻ - già” trong góc nhìn, cách khai thác đề tài, phong cách sáng tác… trong các tác phẩm dự Festival Mỹ thuật trẻ năm nay tiếp tục được đề cập. Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, những loại hình mỹ thuật đương đại được BTC khuyến khích các nghệ sĩ tham gia cũng nhằm kêu gọi tư duy đổi mới, trẻ trung, bứt phá. Mong muốn Festival có nhiều nét mới thì trước hết sự đổi mới phải đến từ chính các nghệ sĩ trẻ.
Nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng nhận định, ở một vài triển lãm gắn mác “trẻ” gần đây, công chúng vẫn chưa tìm thấy nhiều chất trẻ, sự sôi nổi và bứt phá trong cả cách nhìn và cách thể hiện tác phẩm. Đồng quan điểm mong muốn Festival năm nay sẽ có nhiều tác phẩm sắp đặt, trình diễn, video art… với chất lượng nghệ thuật cao, cách nhìn mới mẻ, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật kêu gọi các nghệ sĩ hãy mạnh dạn thoát khỏi “vùng an toàn”, đừng tư duy và thể hiện tác phẩm kiểu… nửa trẻ nửa già. “Festival Mỹ thuật trẻ thì hãy mang đến cảm xúc trẻ cho người xem. Trẻ cả trong suy nghĩ và cách thể hiện. Chẳng hạn như họa sĩ trẻ vẽ về chủ đề chiến tranh cách mạng hay đề tài đương đại thì cũng đều cần có cách thể hiện khác với các thế hệ họa sĩ gạo cội, lão thành đi trước…”, bà Mai Thị Ngọc Oanh nhấn mạnh.
Sở dĩ có băn khoăn này là bởi, một trong những vấn đề được giới chuyên môn nhìn thấy, đặt ra trong các kỳ Festival Mỹ thuật trẻ gần đây là sự thưa vắng chất trẻ. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từng lưu ý: “Điều khiến giới nghề rất băn khoăn, đó là dường như những người trẻ bước trên sân chơi này đang khá “già”. Họ kể những câu chuyện cũ, việc xưa và có vẻ chưa tìm được lối thoát cho những câu chuyện mới và trẻ trung hơn…”.
Các loại hình nghệ thuật đương đại sau một thời gian ngắn rộn ràng thì gần đây đang dần lắng xuống. Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Ngô Tuấn Phong cho biết, ở Festival Mỹ thuật trẻ năm 2022, loại hình sắp đặt có 1-2 tác phẩm, video art cũng chỉ 2 tác phẩm. “Nghệ sĩ không mặn mà với các loại hình đương đại này bởi nhiều lý do. Một trong những điều thấy rõ là không có thị trường dành cho video art, trình diễn, sắp đặt… Điều này khiến đội ngũ sáng tạo không thể mãi dành nhiều thời gian, tâm sức để theo đuổi”, ông Phong nói.