Đĩa than trở lại: Không chỉ là hoài niệm
VHO - Xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, từ những năm đầu của thế kỷ XX, đĩa than trải qua chặng đường dài với nhiều thăng trầm. Sau giai đoạn dường như rơi vào quên lãng, đĩa than đã trở lại cùng với sự phục hồi về thị trường và sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ cũng như nhu cầu của giới mộ điệu…
Đĩa than đầu tiên “Mùa thu cho em” của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn Ảnh: ITN
Thăng trầm một thuở
Là một trong những phương tiện ghi âm khởi đầu của lịch sử âm nhạc, đĩa than ra đời vào cuối những năm 1880 trên thế giới. Tại Việt Nam, thể loại này cũng xuất hiện sau đó ít lâu. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Jason Gibbs, người từng dành hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, các công ty quốc tế đã kinh doanh máy quay và đĩa hát từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Họ sản xuất thêm nhiều đĩa hát mang bản sắc địa phương để kích thích người yêu nhạc Việt mua máy quay đĩa. Không lâu sau đó, họ vươn tới các thị trường xa xôi như châu Á.
Qua kết quả nghiên cứu mới đây, TS Jason Gibbs nhận định: Xứ Đông Dương từng có máy quay đĩa gramophone từ trước năm 1905. Cửa hàng tổng hợp J.L.Simon ở 85 rue du Commerce, Hải Phòng (phố Lý Thường Kiệt ngày nay) quảng cáo: “Máy quay đĩa - vật sáng chế tuyệt vời nhất của thế kỷ”…
Tìm trên các tờ báo từ những năm 1910-1930, TS Jason Gibbs thấy rằng, các hãng như Pathé Frères, A. Messner, Lyrophon, Odéon… đã có nhiều bài giới thiệu về máy quay đĩa và đĩa hát để thu hút công chúng. Về đĩa hát, bên cạnh số ít nhạc phương Tây, có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như Cải lương, Vọng cổ, Chèo, Hát bội, Tuồng, Ca Huế, Ca nhạc tài tử, Ả đào, Chầu văn… đã được các hãng thu âm nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghe nhạc bản xứ.
Ngoài tư liệu ít ỏi trên các tờ báo, từ danh bạ, danh mục và những “tư liệu sống”, nhà nghiên cứu người Mỹ đã có thông tin sâu hơn về công nghiệp đĩa 78 vòng ở Việt Nam - loại đĩa hát thịnh hành trong thập niên 1930-1950. Qua đó cho thấy, Việt Nam đã có hàng trăm đĩa nhạc nội địa thời gian này, song hiện đã tản mát và thiếu phương tiện nghe được. Những nguyên nhân được TS Gibbs kể ra là thông tin, tư liệu đĩa không được lưu trữ, ảnh hưởng của chiến tranh, tác động của khí hậu, việc tái chế cũng làm cho đĩa than thời kỳ trước mai một…
Đĩa than tại Việt Nam sau đó còn tồn tại trong thời gian khá dài. Vào những thập niên 50-80 của thế kỷ XX, thú chơi đĩa than rất phổ biến, cho tới khi xuất hiện đĩa CD và công nghệ ghi âm kỹ thuật số. Tuy nhiên, sau một giai đoạn vắng bóng, dường như loại hình này đã trở lại với thú vui hoài niệm và nhu cầu thưởng thức âm nhạc chất lượng cao.
Sức hút trở lại
Trên thế giới những năm gần đây, doanh số bán đĩa than có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, thậm chí năm 2022, lần đầu tiên tại Mỹ sau 35 năm, lượng album đĩa than bán ra đã vượt cả đĩa CD. Đó là minh chứng sống động nhất cho sự trở lại của đĩa than trên thị trường âm nhạc. Ở Việt Nam, đĩa than cũng đã khởi sắc với sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ và giới mộ điệu.
Mới đây, vào cuối tháng 12.2023, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã cho ra mắt đĩa than đầu tiên Mùa thu cho em gồm 6 bản nhạc, được chuyển soạn từ các ca khúc trữ tình nổi tiếng của ba nhạc sĩ Lam Phương, Vũ Thành An và Ngô Thụy Miên. Các bản nhạc được thu âm với tiếng kèn tinh tế của Trần Mạnh Tuấn, tiếng đàn piano điêu luyện của Vũ Trọng Hiếu và nghệ sĩ đàn contrabass người Canada Chris Jennings.
Trước đó, nhạc sĩ Đức Trí cũng phát hành album đĩa than Như chưa bắt đầu - Đức Trí và những tình khúc một thời do chính anh biên tập, thực hiện, với sự tham gia của năm ca sĩ: Lê Hiếu, Uyên Linh, Lân Nhã, Nguyên Hà, Hà My. Đây là album định dạng đĩa than thứ hai của anh, sau Nỗi yêu bé dại với tiếng hát Thùy Chi, được phát hành hơn một năm trước. Dù đĩa than là một thị trường ngách, ở Việt Nam thời điểm hiện tại, nó không dành cho số đông đại chúng, mà chỉ những người thực sự yêu thích và có sự tỉ mỉ, kỹ càng trong thưởng thức nghệ thuật mới chủ tâm kiếm tìm. Tuy nhiên, nhạc sĩ Đức Trí cho biết: “Hơn 10 đĩa than tôi thực hiện, có những đĩa doanh thu thấp hơn một chút chứ không bị lỗ và chúng tôi có tiền tái đầu tư. Theo thời gian, đã có một tầng lớp khán giả mới hình thành với nhiều đòi hỏi cao về chất lượng âm thanh, âm nhạc và cả hình thức sản phẩm”.
Cùng thời điểm, ca sĩ Quỳnh Anh, giải Nhì dòng nhạc Dân gian cuộc thi Sao Mai 2019 đã ra mắt album vol2 với tên gọi Thanh Tùng, gồm các tác phẩm quen thuộc của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Đặc biệt, ngoài phát hành dưới định dạng CD và Digital, album được phát hành dưới định dạng đĩa than để phục vụ công chúng yêu nhạc…
Với dự án Live studio session, nữ ca sĩ Phạm Thu Hà là người tiên phong thực hiện sản phẩm âm nhạc công nghệ thu âm đĩa than trực tiếp tại Việt Nam với toàn bộ ê kíp là người Việt. Tuy quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, nhưng Phạm Thu Hà vẫn quyết tâm làm với tinh thần cống hiến, bởi “đĩa than giống như một di sản để đời, cầm đĩa than lúc nào người ta cũng có sự nâng niu, trân trọng”.
Theo đạo diễn Tuấn Nam, dàn nhạc tại Live studio session như một dàn giao hưởng thu nhỏ. “Khác với những dự án thông thường chỉ tôn vinh ca sĩ, Phạm Thu Hà mong muốn cho công chúng thấy vẻ đẹp của dòng nhạc giao hưởng, sự lao động nghệ thuật của những nhạc công tham dự chương trình. Vì thế, chúng tôi không thực hiện một chương trình biểu diễn xong rồi để trôi vào quên lãng, mà ghi âm, quay hình và lưu giữ lại bằng đĩa than. Khi thực hiện, cả dàn nhạc, nhà quay phim, kỹ sư âm thanh, kỹ sư hình ảnh đều phải tập trung rất cao độ vào công việc”, đạo diễn Tuấn Nam nói.
Trước đó, nhiều ca sĩ như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Dũng, Vũ Thắng Lợi… cũng đã có tác phẩm trên đĩa than. Có thể thấy, ngày càng nhiều sản phẩm đĩa than được phát hành ở Việt Nam, hướng tới nhiều tầng lớp khán giả với lứa tuổi khác nhau; số lượng người sử dụng đĩa than cũng đang nhiều dần lên. Dù đây là phân khúc kén khán giả, khó trở thành một xu hướng đại chúng, tuy nhiên, không thể phủ nhận ngày càng được nghệ sĩ và công chúng quan tâm hơn, bởi niềm đam mê âm nhạc cổ điển và chất lượng âm thanh đặc biệt của loại đĩa này.
MINH HÀ