Sức hút nhịp điệu rẻo cao

VHO- Thời gian gần đây, các ca khúc mang âm hưởng, chất liệu miền núi đã tạo nên luồng gió mới cho làng nhạc Việt cũng như có được chỗ đứng vững vàng trong lòng khán giả. Bằng việc khéo léo kết hợp các yếu tố dân tộc với âm nhạc hiện đại, các ca khúc đã trở nên “bắt tai” hơn, hút người nghe hơn và đặc biệt góp phần không nhỏ vào việc quảng bá văn hóa, du lịch, đưa nét đẹp bản sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ…

Sức hút nhịp điệu rẻo cao - Anh 1

 À lôi” được yêu thích bởi sự kết hợp độc đáo giữa rap hiện đại và nền nhạc dân tộc

 Phô diễn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào

Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự giao thoa văn hóa từ nhiều phía đã khiến cho một số thành tố bản sắc văn hóa DTTS có nguy cơ mai một. Chính vì thế, việc kết hợp các yếu tố truyền thống vào âm nhạc hiện đại là hướng đi độc đáo và mới mẻ, không chỉ khiến nhạc Việt trở nên đa dạng hơn mà còn góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn, quảng bá văn hóa DTTS đến với đông đảo khán giả trong và ngoài nước.

Mới đây, ca khúc À lôi gây “bão” trong làng nhạc Việt khi chỉ sau 2 tuần phát hành, ca khúc đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem trên YouTube và hàng chục triệu lượt nghe trên các nền tảng khác. Sự kết hợp giữa Double2T và producer Masew đã tạo nên “cơn lốc” thống trị “top trending”, và đến nay ca khúc đã chính thức cán mốc 30 triệu lượt view. Trong À lôi, Double2T đã mang đến những từ ngữ đặc trưng văn hóa của vùng Tây Bắc, Đông Bắc; gây tò mò và ấn tượng với khán giả nhất chính là câu cảm thán, thể hiện sự bất ngờ “à lôi!” của đồng bào dân tộc Tày. Không dừng ở đó, tất cả các ca khúc của Double2T đều mang âm hưởng nhạc dân gian, miền núi; nói về lý do, nam rapper chia sẻ: “Thông qua âm nhạc, mình mong muốn kết nối khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, để người miền xuôi hiểu thêm về phong tục tập quán cũng như cuộc sống của người vùng cao. Đặc biệt, cũng từ âm nhạc, mình hy vọng có thể góp phần “cõng” điện lên thắp sáng những bản làng”.

Trước thành công của À lôi, thị trường nhạc Việt cũng ghi dấu nhiều ca khúc sử dụng chất liệu văn hóa DTTS, tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Có thể kể đến hàng loạt tác phẩm khiến khán giả “đứng ngồi không yên”, thậm chí là lan tỏa mạnh mẽ trên trường quốc tế, như: Gieo quẻ, Để Mị nói cho mà nghe, See tình (Hoàng Thùy Linh), Chân ái (Orange, Châu Đăng Khoa), Người ơi người ở đừng về (Đức Phúc), Thị Mầu (Hòa Minzy), Nam quốc sơn hà (Erik, Phương Mỹ Chi)… Rõ ràng, không chỉ góp phần lan tỏa nhạc Việt, mà độ phủ sóng của các ca khúc này cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thu hẹp khoảng cách vùng miền, quảng bá hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp cũng như nét văn hóa đặc trưng của đồng bào.

Hay mới đây nhất, nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, ca sĩ Hà Myo đã cho ra mắt MV Cô giáo về bản với mong muốn được chia sẻ những hình ảnh thực tế về sự khó khăn của đội ngũ giáo viên khi làm việc tại vùng sâu, vùng xa. Ca khúc giữ nguyên sắc màu của vùng núi Tây Bắc với những giai điệu sáo đặc trưng được nghệ sĩ Ngọc Anh thổi hồn vào bản nhạc, kết hợp với âm thanh của suối, của núi rừng, gợi cho bài nhạc không gian quen thuộc nơi rẻo cao. Đặc biệt, để tiếp cận được nhiều người trẻ, ca khúc còn kết hợp với những yếu tố hiện đại, tươi trẻ và năng động. “Qua MV, mình cùng ê kíp mong muốn quảng bá, lan tỏa vẻ đẹp của Sơn La, để nơi đây sẽ có thêm nhiều du khách tham quan hơn trong thời gian tới. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con, để các em nhỏ không còn phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn”, nữ ca sĩ chia sẻ thêm.

Sức hút nhịp điệu rẻo cao - Anh 2

 Hình ảnh trong MV “Cô giáo về bản”

Làm sao cho khéo?

Có thể thấy, sự đa dạng, phong phú trong bản sắc các DTTS chính là “mảnh đất màu mỡ” để các NSX âm nhạc thỏa sức tìm tòi, sáng tạo. Dù mỗi người mỗi cách tiếp cận, từ khía cạnh giai điệu, dân vũ, văn hóa, trang phục, không gian thực cảnh, đề tài văn học khác nhau… nhưng thông qua lăng kính sáng tạo, các tác phẩm mang âm hưởng vùng núi đã trở nên cực kỳ hấp dẫn cả phần nghe lẫn phần nhìn. Đây chính là tín hiệu tích cực, không chỉ tạo sự đột phá cho âm nhạc với sự pha trộn vừa truyền thống vừa hiện đại, mà còn mang bản sắc Việt hòa nhập cùng âm nhạc thế giới. Đặc biệt, chính những ca khúc này đã góp phần củng cố khối đoàn kết giữa 54 dân tộc anh em.

Theo Ths Chu Phạm Minh Hằng, giảng viên Khoa Văn hóa DTTS, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, sự thành công của À lôi đã cho thấy sức hút của chất liệu văn hóa, nghệ thuật dân gian. “Sáng tạo truyền thống của người trẻ hiện nay đã rất thành công, không chỉ về mặt giải trí mà còn tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong việc quảng bá, giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc. Rõ ràng, những ca khúc như À lôi không chỉ làm tốt về mặt nghe nhìn, mà thông qua đó, công chúng sẽ muốn tìm hiểu sâu hơn về các dân tộc trên dải đất hình chữ S, về văn hóa vùng cao, thấy yêu hơn quê hương Việt Nam, từ đó thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội phát triển”, Ths Chu Phạm Minh Hằng chia sẻ.

Trên thực tiễn, kho tàng văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vẫn còn rất rộng lớn để các nghệ sĩ thỏa sức “vùng vẫy”. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cách khai thác, sử dụng sao cho khéo léo để tạo ra những sản phẩm tươi mới của thời đại, gần gũi và thu hút khán giả trẻ trước làn sóng tấn công mạnh mẽ của văn hóa nước ngoài, để ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm mang dấu ấn bản sắc dân tộc vươn xa ra thế giới, có chỗ đứng riêng trong dòng chảy âm nhạc nhiều màu sắc. 

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc