Triển khai Luật Điện ảnh khu vực phía Nam: Đề nghị nâng tỉ suất chiếu phim Việt
VHO- Tỉ lệ suất chiếu phim Việt; phim sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; quy định mức xử phạt… là những nội dung được quan tâm tại Hội nghị - hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, và đóng góp ý kiến xây dựng một số dự thảo liên quan tại khu vực phía Nam do Bộ VHTTDL tổ chức vào chiều qua 22.9, tại TP.HCM. Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị - hội thảo, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành giới thiệu và tóm tắt một số nội dung cơ bản của Luật Điện ảnh năm 2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023). Theo ông Thành, Luật Điện ảnh năm 2022 đã kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều và quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009. Luật Điện ảnh năm 2022 có những điểm mới đáng chú ý.
Về khái niệm (Điều 3): Luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh”, “Phân loại phim”, “Phim Việt Nam”, “Trường quay” và “Địa điểm chiếu phim công cộng”. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm “Phim” đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những hình ảnh động, loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh xác định là phim và không được xác định là phim. Luật mới cũng quy định chi tiết, cụ thể những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật, đồng thời bỏ một số hành vi quy định không rõ ràng, khó xác định ra khỏi nội dung bị cấm. Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đây là nội dung không mới, so với Luật năm 2006, Luật Điện ảnh năm 2022 đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao tính khả thi.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị
Ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đã tóm tắt nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm cũng tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Đây là hai Nghị định quan trọng, quy định cụ thể một số điều khoản và mức xử phạt các hành vi vi phạm, để Luật Điện ảnh năm 2022 đi vào đời sống, góp phần phát triển điện ảnh trong thời gian tới.
Hội nghị - hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu thảo luận tập trung vào các nội dung: Tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ chiếu cho trẻ em trong hệ thống rạp; Điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Phim sử dụng ngân sách nhà nước; Quy định mức xử phạt… Theo đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng mức xử phạt hiện tại vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ quan tâm về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh: “Tôi băn khoăn đơn vị nào sẽ quản lý Quỹ và cách quản lý, sử dụng như thế nào thì trong Luật chưa nói rõ. Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị định 38, có những điều càng cụ thể thì càng bó hẹp, thiếu tính khái quát, e là sẽ khó quy định hành vi vi phạm. Ngoài ra, các mức xử phạt 5-10 triệu đồng ở thời điểm hiện tại thì có tính răn đe, nhưng thời gian tới sẽ là quá nhẹ”. Tương tự, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cũng đề xuất Ban soạn thảo cần cân nhắc mức phạt trong dự thảo. Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, bà Thúy thống nhất với các quy định, tuy nhiên, bà đề xuất mỗi năm cần có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về điều hành Quỹ này.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tiếp nhận các ý kiến và trực tiếp trả lời những thắc mắc của đại biểu
Bà Trịnh Lê Minh Hằng, TGĐ Cty Skyline Media cho biết, các nhà làm phim rất quan tâm tới việc thành lập Quỹ điện ảnh. “Tôi đề xuất là Bộ cần truyền thông mạnh mẽ để các nhà làm phim hiểu rằng Quỹ dành cho tất cả mọi người. Hằng năm cần có quy định thời gian để các nhà làm phim gửi đề cương ứng cử, công bố các dự án ứng cử, dự án được chọn và mức kinh phí Quỹ đầu tư…”.
Về đề nghị trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 21), đại diện một đơn vị bày tỏ lo lắng và cho rằng hiện các cụm rạp tốn khá nhiều chi phí cho quá trình phục hồi sau đại dịch, nên xin chưa đóng góp vào Quỹ.
Để tạo điều kiện cho phim Việt “phủ sóng”, Khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị định nêu: “Tỉ lệ suất chiếu phim truyện Việt Nam bảo đảm đạt ít nhất 25% tổng số suất chiếu trong năm. Phim truyện Việt Nam được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ”. Với quy định này, hầu hết các đại biểu cho rằng cần nâng cao tỷ lệ hơn. Đạo diễn, nhà sản xuất Trinh Hoan đưa ra con số: “Tỉ lệ phim Việt chiếu 25% là tương đương 1.500 suất/ngày. Hiện chúng ta có khoảng 30-40 phim/năm, như vậy, mỗi phim chiếu từ 1-1,5 tuần, chiếm tỉ lệ khoảng 33%. Tôi thấy nếu mỗi ngày phim Việt chiếu dưới 2.000 suất thì khó có khả năng lấy lại vốn”.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói: “Sau đây, Bộ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến tại khu vực phía Bắc, rồi tổng kết, hoàn chỉnh để dự thảo Nghị định phản ánh đúng những ý kiến đã góp ý, xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn và sát hơn với thực tế phát triển của đời sống xã hội”.
Để tạo điều kiện cho phim Việt “phủ sóng”, Khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị định nêu: “Tỉ lệ suất chiếu phim truyện Việt Nam bảo đảm đạt ít nhất 25% tổng số suất chiếu trong năm. Phim truyện Việt Nam được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ”. Với quy định này, hầu hết các đại biểu cho rằng cần nâng cao tỷ lệ hơn. Đạo diễn, nhà sản xuất Trinh Hoan đưa ra con số: “Tỉ lệ phim Việt chiếu 25% là tương đương 1.500 suất/ngày. Hiện chúng ta có khoảng 30-40 phim/ năm, như vậy, mỗi phim chiếu từ 1-1,5 tuần, chiếm tỉ lệ khoảng 33%. Tôi thấy nếu mỗi ngày phim Việt chiếu dưới 2.000 suất thì khó có khả năng lấy lại vốn”. |
THÙY TRANG