Khoảng trống trong quản lý người tâm thần

VH- Mặc dù đã có quy định về quản lý người tâm thần tại địa phương nhưng hiện nay quy trình quản lý còn gặp nhiều khó khăn. ​

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do gia đình, người bệnh chưa phối hợp, sợ mang tiếng. Điều này dẫn đến việc ngày càng có nhiều vụ án gây chết người do chính người tâm thần gây ra.

Khoảng trống trong quản lý người tâm thần - Anh 1

 Chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) Ảnh: N. Khanh

Hàng loạt vụ người tâm thần giết người nghiêm trọng

Trưa 26.11.2017, Hoàng Nhất Giang (sinh năm 1989, ngụ quận 11, TP.HCM) có tiền sử mắc bệnh tâm thần đã lao vào giết chết bé trai 8 tuổi ngay cạnh nơi làm việc. Giang khai lúc nằm ngủ trong chốt trực nghe tiếng bé K chửi mình. Vừa tỉnh giấc lại thấy bé K đang đi mua đồ bên tiệm tạp hóa nên Giang đã lấy dao sát hại cháu K.

Được biết, Giang bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2005 và được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Qua thời gian điều trị, Giang ổn định nên được cho về nhà tiếp tục điều trị. Khoảng năm 2013, Giang được vào làm nhân viên bảo vệ của tổ dân phố 2, phường 5, quận 11 và vẫn phải uống thuốc điều trị bệnh tâm thần.

Trước đó, ngày 12.6.2017 vụ án người mẹ trẻ - Nguyễn Thu Tr bị trầm cảm nặng tới mức giết chết cậu con trai mới được 33 ngày tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) cũng gây chấn động. Sau sinh Tr có biểu hiện của trầm cảm, tâm lý không ổn định nhưng vì không được gia đình phát hiện và đưa điều trị nên đã gây ra hậu quả đáng tiếc.

Khó quản lý đối tượng tâm thần

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người. Trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 300 ngàn người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy…

“Theo thống kê của Bộ LĐ,TB&XH thì mới chỉ có 15-20% đối tượng tâm thần được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình. Nguyên nhân khiến bệnh nhân chưa được chăm sóc, quản lý là do nhiều tỉnh, thành phố vẫn thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần, chưa có trung tâm chăm sóc người bệnh. Đa phần việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông vào gia đình người bệnh. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này cũng đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng”, ông Hồi nói.

Về mặt tâm lý của cộng đồng xã hội, chúng ta thường tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng, còn trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng. Song có không ít những bệnh tâm thần phân liệt tuy có biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng lúc lên cơn hoặc bị tác động mạnh những hoang tưởng ảo giác chi phối, xui khiến người bệnh thực hiện hành vi phạm pháp, gây án. Vì vậy, đa phần các vụ án giết người do người tâm thần gây ra kể trên đều ở đối tượng này.

Còn BS.ThS Vũ Công Nguyên, Phó viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển thì cho rằng muốn quản lý người tâm thần sống trong cộng đồng cần có sự phối hợp của bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương, Phòng LĐ,TB&XH. Khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo cáo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh hành vi của người bệnh. Thực hiện cấp thuốc cho họ nếu họ trong diện điều trị ngoại trú, nếu bệnh nặng thì phải chuyển lên cơ sở y tế cao hơn. Riêng với những người mới có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, rối nhiễu tâm trí thì bản thân người bệnh cần phải ngay lập tức đi khám sàng lọc để điều trị kịp thời. 

 Hiện tại có 200.000 đối tượng là người tâm thần nặng được hưởng trợ cấp hằng tháng, 13.000 đối tượng thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc được tiếp nhận, chăm sóc phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, đối tượng còn được hưởng các chế độ trợ giúp xã hội khác như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế; trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề; hỗ trợ chi phí mai táng tại cộng đồng.

(Số liệu từ Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ,TB&XH)

Hoàng Phương

 

 

Ý kiến bạn đọc