Vấn đề bạn đọc quan tâm: Từ hôm nay sẽ tăng mức đóng BHXH bắt buộc

VH- Theo quy định của Luật BHXH 2014, bắt đầu từ hôm nay (1.1.2018), lương tháng làm căn cứ đóng BHXH sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng mức đóng nhằm đảm bảo tiền lương hưu sau này của người lao động tăng lên .

Vấn đề bạn đọc quan tâm: Từ hôm nay sẽ tăng mức đóng BHXH bắt buộc - Anh 1

Mức đóng BHXH của người lao động tăng bắt đầu từ ngày 1.1.2018

Trước đó, năm 2017, mức đóng BHXH được căn cứ theo mức lương + các khoản phụ cấp. Nhưng từ 1.1.2018, mức đóng BHXH sẽ được bổ sung thêm một khoản căn cứ là “các khoản thu nhập bổ sung”, nghĩa là gồm 3 khoản: Mức lương + phụ cấp + các khoản thu nhập bổ sung. “Chính sách này nhằm giúp tránh trường hợp người lao động khi đi làm có thể có thu nhập tốt, nhưng khi nghỉ hưu thì mức lương hưu thấp, do mức đóng BHXH của chúng ta thấp”, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Quân nói.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quân, cách tính mới không có nghĩa là mức đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập (tức là mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) mà chỉ những khoản thu nhập bổ sung ổn định như phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ, chức danh phụ cấp xăng xe, điện thoại, những loại phụ cấp đặc thù được ghi trong hợp đồng lao động… Còn những thu nhập không được tính vào đóng BHXH là những khoản thu nhập có tính chất phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, công việc, hoàn thành nhiệm vụ… thưởng, lương năng suất… có tính chất phụ. Do đó, về cơ bản, mức đóng BHXH của doanh nghiệp từ 1.1.2018 không tăng nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có sự thay đổi gì; chủ yếu tác động trong các đơn vị ngoài doanh nghiệp.

Mặc dù đa số các doanh nghiệp không có biến động lớn trong mức đóng BHXH, tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý, có thể xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty “biến” tiền lương thành phụ cấp có tính chất không ổn định thì cần phải xem xét. Ngoài ra, để đối phó với việc thay đổi chính sách, sẽ có một số chủ sử dụng lao động thay đổi nội dung hợp đồng nhằm chuyển những khoản thu nhập ổn định thành thu nhập không ổn định. “Về việc này sẽ rất khó kiểm soát, vì chưa có một quy định rõ ràng. Do đó hiện nay chỉ có thể trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp”, ông Đỗ Đức Thọ, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) nhận định.

Hiện nay, các doanh nghiệp và bản thân người lao động đều cho rằng mức đóng BHXH có tỷ lệ cao ở mức 22%, trong đó 14% là chủ sử dụng lao động đóng, 8% là người lao động đóng. Nhưng mức đóng trên nền rất thấp, các doanh nghiệp đóng trên tiền lương tối thiểu nên rõ ràng tiền lương hưu sau này khi làm căn cứ hưởng lương hưu lại thấp. Theo số liệu của Bộ LĐ,TB&XH, mức đóng BHXH bình quân hiện nay chỉ 4,3 triệu đồng/ tháng/người, cao hơn một chút so với lương tối thiểu là 3,940 triệu đồng; nếu khi về hưu thì được hưởng 75% tức mức lương hưu chỉ khoảng 3,2 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập khi đi làm của người lao động có thể lên tới 10 triệu đồng/tháng.

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, nhóm lương hưu từ 30 triệu/ tháng đến hơn 100 triệu đồng chỉ có 24 người; nhóm lương hưu từ 23-30 triệu/tháng là có 57 người, nhóm từ 17,25 triệu đến dưới 23 triệu/tháng là 150 người, lương hưu bằng 10 lần lương cơ sở (13 triệu/tháng) ước tính có 600 người. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, mức lương hưu cao lại chủ yếu nằm ở thành phần lãnh đạo, giám đốc, người lao động trong khu vực lực lượng vũ trang, còn lại người lao động ở khu vực doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thì mức lương hưu vẫn thấp, khó đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu. “Do đó phải làm sao đóng trên tiền lương thực, thu nhập để khi hôm nay chúng ta đang làm việc thì có thể tích cho mai sau, khi về già, sẽ có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn”, ông Bùi Sỹ Lợi nói. 

Hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện

Cũng từ ngày 1.1.2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu. Định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

N.HÀ

Bổ sung một số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc

Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Những quy định này bắt đầu được áp dụng từ ngày 1.1.2018. Tuy nhiên, chính sách mới này cũng đang vấp phải một số vướng mắc khi đi vào thực tế, chẳng hạn doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng với người lao động trong vòng 29 ngày; hoặc một số lao động nước ngoài đã đóng BHXH tại nước của mình, nếu đóng thêm tại Việt Nam thì sẽ phải đóng BHXH hai lần… T.GIANG

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc