Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Giữ nghề là giữ văn hóa

Thứ Tư 25/09/2019 | 11:30 GMT+7

VHO- Không chỉ được biết đến ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, nghệ nhân Lâm Liếp (sinh năm 1948) còn là niềm tự hào của cộng đồng người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, Ông là Nghệ nhân ưu tú đang nắm giữ tri thức dân gian về nghề thủ công truyền thống đan lát. Những sản phẩm do ông làm ra, dù đơn giản chỉ để dùng hằng ngày nhưng đòi hỏi tay nghề của người đan bằng sự kỳ công, khéo léo.

Nghệ nn ưu tú Lâm Liếp bên chiếc xe quạt lúa do ông chế tác làm hiện vật trưng bày

Tre, trúc như người bạn tri kỷ

Theo nghệ nhân Lâm Liếp, không ai biết chính xác nghề đan lát này có từ bao giờ, ông chỉ biết ngay từ khi còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình đan. Hình ảnh cây tre, cây trúc đã gắn bó với cuộc đời ông như người bạn tri kỷ và cũng chính từ đó đã giúp ông lấy vợ, dựng nhà, mưu sinh cuộc sống cho đến ngày hôm nay.

Không ngơi tay chuốt từng sợi tre, nghệ nhân Lâm Liếp chậm rãi kể với chúng tôi, trước đây đời sống của người dân xã Phú Tân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, những vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày hầu như đều do chính tay họ làm lấy. Bản thân ông, ngay từ nhỏ với tính siêng năng và chịu khó quan sát, được sự chỉ bảo của gia đình, nên sau một thời gian ngắn đã có thể nắm vững kỹ thuật đan và tự đan cho mình những vật dụng cần thiết.

Theo truyền thống của người Khmer, con trai đến tuổi phải đi tu để trả hiếu cho cha mẹ, nên ông cũng xuất gia vào chùa rèn chữ, học kinh. Trong suốt 7 năm tu tập ở đây, ngoài việc làm tròn bổn phận của người con Phật, thời gian rảnh, ông chẻ tre đan lát để không quên nghề truyền thống của gia đình và cũng để tạo ra những vật dụng tiện nghi cho cuộc sống. Sau khi ông mãn tu, hoàn tục về với gia đình, đất nước lại đang cần những thanh niên trai tráng như ông, thế là con tim khao khát cống hiến của chàng trai Lâm Liếp lại hối thúc lên đường, tham gia cách mạng. “Chớp mắt, vậy mà mấy chục năm, tui chỉ trở lại với nghề đan lát bắt đầu từ năm 1989 đến nay”, ông nói.

Những chiếc nan tre, thanh trúc vàng óng, tươi xanh được chẻ, vót tinh tươm, qua bàn tay của ông, vợ ông và người con rể mỗi người mỗi công đoạn đã biến những nguyên liệu thô cứng ấy thành ra hàng loạt nông cụ như rổ, rá, giỏ, thúng, nia, nom, sàng, gào, cần xé, xà ngôm, xà neang, chiếc lờ, chiếc lọp… vừa đẹp mắt, tiện dụng và gần gũi mà người dân vùng Khmer Nam Bộ dùng để bắt cá tôm, đựng nông sản và hàng loạt công việc đồng áng khác. Ngừng tay một lát, ông chậm rãi nói, ngày nay những vật dụng này đều đã được sản xuất công nghiệp hàng loạt bằng chất liệu hiện đại, nên người ta ít khi sử dụng các nông cụ truyền thống bằng đan lát này, vì vậy mà ngày trước có nhiều người theo nghề rồi cũng bỏ vì công việc nặng nhọc mà thu nhập không đủ sống. Nghệ nhân Lâm Liếp tâm sự rằng, nghề đan lát là nghề truyền thống của gia đình, giữ lại nghề là giữ lại văn hóa, cội nguồn của tổ tiên. Vậy nên, cho dù đan lát không đủ nuôi sống gia đình, phải kiếm thêm từ các công việc khác, thì ông vẫn miệt mài gìn giữ nghề xưa.

Tâm huyết với từng sản phẩm

Sau những câu chuyện chia sẻ đầy ắp tâm tư, quay lại chuyện nghề đan lát hiện tại, nghệ nhân Lâm Liếp phấn khởi khoe, tuy phần lớn người dân không còn sử dụng các vật dụng đan lát cho nhu cầu mưu sinh hằng ngày như xưa kia, nhưng ngày nay nhiều người lại ưa chuộng để làm sản phẩm trang trí, quà lưu niệm du lịch, đặc biệt là dụng cụ học tập… do vậy mà công việc đan lát của ông dường như không rảnh rỗi. Hôm chúng tôi đến thăm, ông đang vót nan chuẩn bị đan một quả địa cầu thật lớn. Đây là mô hình được thực hiện theo “đơn đặt hàng” của các thầy cô giáo ở trường THCS, dùng làm giáo cụ trực quan cho học sinh học về môn địa lý.

Nghệ nhân Lâm Liếp cho biết tính đến nay ông đã làm ra hàng ngàn sản phẩm thủ công bằng tre trúc, đủ loại kích cỡ, chủng loại, hầu hết là những nông cụ của đồng bào Khmer Nam Bộ. Nhiều sản phẩm của ông đang được trưng bày ở các hội chợ, triển lãm, tái hiện trong các bảo tàng, nhà truyền thống… Nhờ tay nghề khéo léo hàng chục năm kinh nghiệm, cùng quá trình gắn bó với vùng quê từ thuở nhỏ, nên chỉ cần nhìn qua sản phẩm, ông có thể chế tác được ngay theo “đơn hàng”. Nghệ nhân tiết lộ thêm, “Có người đặt tui làm xe đạp nước, nông cụ này nghe nói chỉ phổ biến ở tỉnh Trà Vinh, chắc tui phải tranh thủ qua đó một chuyến xem thế nào mới về làm được”. Ông còn tự mày mò, tìm hiểu kỹ thuật mang tính đặc thù để chế tác nên những xe quạt lúa, ghe Ngo, xuồng ba lá, cày, bừa, trục (mô hình nhỏ), nọc cấy, vòng gặt,…

Ông cho hay, năm 2019, Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ kinh phí để ông dựng nên một ngôi nhà lá nhỏ - ngay trước ngôi nhà ông đang sinh sống ở xã Phú Tân, để trưng bày những hiện vật là các nông cụ gắn liền với đời sống đồng bào Khmer Nam Bộ, do chính ông đan lát, chế tác nên. Công trình nhà trưng bày với hàng chục nông cụ các loại đang được nghệ nhân Lâm Liếp gấp rút hoàn thiện trong năm nay. “Đây là công trình do ngành văn hóa đặt hàng nhưng đồng thời cũng là ước vọng của tui, qua các nông cụ này, thế hệ người trẻ ngày nay có thể hình dung được đời sống lao động của ông cha thuở trước bằng tri thức dân gian, gợi nhớ về hình ảnh ngày xưa của người nông dân tảo tần khuya sớm. Bên cạnh đó, mong muốn được lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc, khuyến khích đồng bào sử dụng các sản phẩm đan lát bền rẻ mà thân thiện với môi trường ”, Nghệ nhân ưu tú Lâm Liếp tâm sự. 

 THÁI HÒA - THÙY TRANG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top