Đưa Bắc Ninh thành trung tâm công nghiệp, đổi mới sáng tạo của vùng Thủ đô mở rộng
VHO - Đây là nội dung phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị Gặp mặt doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, diễn ra ngày 12.5 tại thành phố Bắc Ninh.
Đến dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nghị quyết 57-NQ/TW của chính Chính phủ; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW tỉnh Bắc Ninh; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo Sở, Ban ngành Trung ưng và tỉnh Bắc Ninh, các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức sự kiện trên và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng lưu ý, thế giới đang trải qua giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng, chuỗi giá trị toàn cầu đang được định hình lại, trong đó các doanh nghiệp FDI đang dịch chuyển theo xu hướng mới. Đó là đầu tư vào chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, vào các ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế mới như năng lượng tái tạo...
Do đó, để Bắc Ninh tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong trong phát triển kinh tế-xã hội, thu hút FDI, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang để định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh mới (sau hợp nhất) trở thành cực tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước.
Đồng thời, định hình mô hình phát triển kinh tế tri thức - công nghệ cao - dịch vụ hiện đại, gắn với tầm nhìn đến năm 2045, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ tri thức và đổi mới sáng tạo của vùng Thủ đô mở rộng.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục quan tâm phát triển nền công nghiệp xanh, sạch, hiện đại, dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ động đề xuất và thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển các mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, hình thành hệ sinh thái công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết từ nhà máy đến phòng thí nghiệm, từ doanh nghiệp tới giảng đường...
Đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Bắc Ninh, Phó Thủ tướng đề nghị đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu - phát triển (R&D), chuẩn hóa quản trị, phát triển thương hiệu và thực hành đạo đức kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp FDI; tích cực tham gia vào quá trình phản biện; nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định quan điểm nhất quán của tỉnh là: Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, phải trở thành lực lượng chủ công trong đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng công nghệ cao, và trong kiến tạo giá trị bền vững.
Theo ông Vương Quốc Tuấn, trong những năm qua, Bắc Ninh đã không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, bình đẳng và an toàn.
Các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiếp cận tài chính, đào tạo nhân lực công nghệ cao đã bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp tỉnh.
Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào R&D, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số, công nghệ sinh học, tự động hoá…
Tham gia hội nghị, các doanh nghiệp đã trao đổi về mong muốn về đơn giản hóa thủ tục hành chính; các góc nhìn về công nghệ cao và các bước đi của doanh nghiệp như cam kết về chất lượng, hoàn thiện về hệ thống quản lý; phát triển nhân lực, chuyển đổi số, AI, nguồn vốn và kỳ vọng của doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển...

Trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Bắc Ninh thực hiện trao giấy chứng nhận đầu tư cho 7 doanh nghiệp tiêu biểu, trong đó 3 nhà đầu tư trong nước đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 4.182 tỷ đồng (tương đương 167 triệu USD).
Tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD; Cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng vốn đầu cho 2 doanh nghiệp với tổng số vốn tăng thêm 639,1 triệu USD.
Như vậy, tổng số vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm 2025 đến nay đạt 2,4 tỉ USD.
Cũng tại hội nghị, 5 Ban Liên lạc các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh cũng được ra mắt. Đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng một hệ sinh thái khoa học - công nghệ toàn diện, nơi các doanh nghiệp được kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành cùng nhau trong hành trình đổi mới và phát triển.
Lũy kế đến năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 24.877 doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 430.450,85 tỉ đồng và 6.610 đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đứng thứ 6 toàn quốc). Trong đó có 19.777 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn 387.727 tỉ đồng và 6.253 đơn vị trực thuộc.
Tỉ lệ số doanh nghiệp trên số đầu người dân của tỉnh đạt 1,6% (tương đương 16 doanh nghiệp/1000 dân).
Trong 5 năm trở lại đây, với mức tăng doanh nghiệp trung bình hằng năm khoảng 10-15%, phản ánh sự thu hút mạnh mẽ đầu tư và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh của tỉnh.