Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

19 Tháng Ba 2024

Trầm lắng thị trường việc làm bán thời gian

Thứ Hai 05/06/2023 | 10:55 GMT+7

VHO- Dịp hè thường là mùa thời vụ việc làm dành cho HSSV “nở rộ”. Nhưng năm nay, thị trường này trầm lắng hẳn so với mọi năm, cùng với đó, số lao động tìm được việc làm cũng có xu hướng giảm.

 Các bạn trẻ tìm hiểu doanh nghiệp tuyển dụng tại phiên giao dịch

 Chị Nguyễn Hồng Hải (phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội) đến với phiên giao dịch việc làm quận Đống Đa từ sáng sớm với mong muốn tìm được công việc làm tạp vụ hoặc phụ bếp. Chị cho biết, hiện chị cũng đã làm phụ bếp ở một quán ăn với mức lương 7 triệu/tháng. Nhưng quán chỉ làm đến 3h chiều, nên chị muốn tìm thêm công việc phù hợp với khoảng thời gian từ chiều đến tối. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu các nhu cầu tuyển dụng tại phiên giao dịch, chị không tìm được việc làm như mong muốn.

Còn bạn Tô Quang Hiệp (SV năm cuối trường Đại học Thương mại) lại có mong muốn làm nhân viên kinh doanh và đã ứng tuyển Công ty CP Tập đoàn Phú Thái. “Điều kiện doanh nghiệp đưa ra phù hợp với SV ĐH mới ra trường như em, sau thời gian thử việc, em sẽ được hưởng đóng BHXH và các chế độ phụ cấp của Công ty”. Trong khi đó, em gái của Hiệp là Tô Lan Hương muốn tìm việc làm bán thời gian để phù hợp với việc học tập năm nhất ở trường Đại học Thương mại, nhưng bạn đã “trắng tay” ra về vì không tìm được công việc như ý.

Tại phiên giao dịch việc làm quận Đống Đa, có 35 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh với 2.670 chỉ tiêu; trong đó nhu cầu tuyển sinh là 967 chỉ tiêu và nhu cầu tuyển dụng, XKLĐ là 1.703 chỉ tiêu. Phiên giao dịch có sự tham gia của một số Doanh nghiệp, nhãn hàng uy tín như Công ty CP nhân lực hàng không Tasseco, Công ty TNHH Phúc Hưng Thịnh, Công ty CP Giao hàng tiết kiệm, Công ty CP quản lý và khai thác tòa nhà VNPT, Công ty CP Intekcom, Công ty CP tập đoàn Phú Thái… Chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng các ngành nghề: Trưởng phòng marketing, kế toán - thu ngân, bán hàng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên phát triển thị trường, nhân viên hành chính, lễ tân… cùng quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm tìm kiếm công việc phù hợp, các bạn học viên, SV chuẩn bị ra trường, bộ đội xuất ngũ, quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động…

Theo phân tích, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp - Cử nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ 40,3%; nhu cầu tuyển dụng lao động lao động có trình độ CĐ - ĐH chiếm tỷ lệ 30,6%; thấp nhất là nhu cầu lao động phổ thông 29,1%. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội cho biết, nhu cầu tuyển dụng tại phiên giao dịch phù hợp với khu vực quận Đống Đa - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề chuyên môn kỹ thuật.

Cũng theo ông Vũ Quang Thành, hằng năm, vào dịp hè là mùa của việc làm thời vụ, việc làm part time cho HSSV. Các năm trước khi dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu tuyển dụng công việc bán thời gian khá sôi động. Cùng thời điểm năm 2022, nhu cầu này đã tăng trở lại do kinh tế trong nước phục hồi. Tuy nhiên, năm nay mảng việc làm này có dấu hiệu trầm lắng hơn. Trung tâm sẽ kết nối với doanh nghiệp, đánh giá nhu cầu tuyển dụng, sau đó mới nắm bắt nhu cầu của người lao động để tổ chức phiên giao dịch tập trung cho việc làm thời vụ. “Thị trường việc làm còn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế trong nước và bối cảnh kinh tế thế giới. Trung tâm đã xây dựng nhiều kịch bản, phân tích dự báo thị trường lao động, cho thấy lượng việc làm tại Hà Nội có sụt giảm, người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng, nhưng vẫn trong biên độ 10-15%, chưa phải là quá lớn như ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, các cấp quản lý vẫn cần có những chiến lược để triển khai hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm để tăng cường kết nối cung cầu trong lao động”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch Vụ việc làm Hà Nội nói.

Theo Sở LĐ,TB&XH, 5 tháng đầu năm 2023, TP Hà Nội giải quyết việc làm mới cho 85.784/162.000 lao động, đạt 52,9% kế hoạch giao trong năm. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 98 phiên giao dịch việc làm với 2.847 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, đơn vị là 49.523 người, đã có 20.074 người lao động được phỏng vấn và 6.808 người lao động được tuyển dụng tại phiên.

“Số lao động được tạo việc làm mới trong 5 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm so với năm 2022 do sự tác động từ tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước “phi mã”… dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn. Cùng với giải quyết việc làm cho người lao động, Sở LĐ,TB&XH Hà Nội đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 30.374 trường hợp với số tiền 855 tỉ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 29.818 người; hỗ trợ học nghề cho 487 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 2,1 tỉ đồng”, ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho hay. 

NGUYÊN KHANG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top