Hành trình đi tìm đá quý “máu của mẹ đất” của chàng trai trẻ
VHO- “Sở hữu hơn 500 loại đá quý khác nhau, khát vọng lưu giữ và truyền nghề cho thế hệ trẻ mai sau”, đó là “lý lịch” của chàng trai 35 tuổi đời nhưng có 20 năm sưu tầm đá quý. Người dân ở xóm Lưới (Bến Đình - TP Vũng Tàu) gọi anh là “nghệ nhân đá quí”, còn đồng nghiệp gọi anh là người có “bước chân Asin”.
Anh Nguyễn Phúc Dũng giới thiệu viên đá saphia trắng có độ tuổi trên một trăm năm
Nghe người dân Bến Đình ngợi ca một chàng trai 35 tuổi đời nhưng có thâm niên 20 năm lăn lộn với niềm đam mê sưu tầm đá quý và khát vọng truyền lại nghề cho thế hệ trẻ, trong đầu tôi tự hỏi: “Anh ấy là ai? 35 tuổi đời 20 năm lưu truyền đá quý phải chăng phải có niềm đam mê địa chất từ máu thịt?”. Được một người bạn dẫn đường, tôi tìm đến nhà chàng trai Nguyễn Phúc Dũng, một căn nhà nhỏ cuối hẻm sâu của xóm Lưới Bến Đình.
Bảo tàng đá quý mini giữa phố đông người
Đón tôi bằng nụ cười hiền, Dũng bảo: “Nhà tôi còn chật chội lắm. Anh nhìn trước mặt kìa, toàn ghe thuyền, lưới chèo của bà con. Ước mơ của tôi sẽ xây một căn nhà khang trang hơn. Và đó sẽ là bảo tàng chứa hàng ngàn loại đá thiên nhiên đá quý khác nhau. Chỗ ở của tôi hiện nay quá chật. Các bạn trẻ đến học phải ngồi chen trong những góc nhà”. Leo lên bậc thang gỗ nhỏ góc căn phòng chừng 20 mét vuông, trước mắt tôi là một hệ thống giá, kệ làm bằng gỗ với hàng trăm loại hộp đựng đá thiên nhiên khác nhau được trưng bày theo chủng loại và giá trị riêng biệt. Ô này đựng đá thiên nhiên đem về từ Lục Yên (Yên Bái), chỗ kia trưng bày “lô” đá quý màu hồng nhạt; góc kệ bên kia xếp hàng trăm viên đá màu rêu xanh biển được cắt gọt các góc cạnh khác nhau. “Đây được gọi là bảo tàng mini chuyên trưng bày về đá thiên nhiên các loại. Tôi đang lưu giữ khoảng trên 500 loại đá khác nhau. Giá trị của mỗi viên đá từ vài trăm, đến cả tỉ đồng tùy theo độ tuổi, độ sắc và giá trị sử dụng của mỗi loại đá. Đá quý có nhiều công dụng nhưng chủ yếu là khử độc trong sinh hoạt hằng ngày. Càng có độ tinh khiết, càng giá trị. Nhìn những viên đá có cạnh sắc bén, ai cũng nghĩ đã được mài dũa, nhưng không phải thế, nó hoàn toàn do thiên nhiên tạo ra. Khi tìm được nó ẩn trong lòng đất, nó đã có sẵn góc cạnh như thế”, Dũng cho hay.
“Sao không xây một cái phòng lớn hơn để trưng bày hết các loại đá quý này, nếu có thể xây một bảo tàng mini để trưng bày, sưu tầm và giới thiệu cho những người yêu thích”? tôi hỏi. Chỉ tay về những viên đá quý đang còn nguyên trong hộp chưa có chỗ trưng bày, Dũng chia sẻ: “Với hơn 500 loại đá quý đang có thì chỗ trưng bày của tôi hiện nay quá tải. Hàng trăm loại đá quý khác đang nằm nguyên trong hộp mà chưa có chỗ để trưng bày. Ước mơ của tôi là có một căn phòng rộng hơn. Tôi sẽ thiết kế bảo tàng mini chuyên về đá quý. Tôi có niềm đam mê sưu tầm chứ ít khi bán. Tiền sưu tầm đá quý từ nghề đi biển. Khát vọng lớn nhất của tôi là truyền lại cho thế hệ trẻ niềm đam mê nghề đá quý. Tôi không muốn những viên đá quí tôi tìm kiếm được nó trở thành “thương mại” hoặc “vuột” ra nước ngoài. Tôi muốn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Chỉ đơn giản là tôi không muốn nó mất đi”.
Có nhiều bạn trẻ đến “bảo tàng mini” của anh Dũng để học tập nghề lưu truyền đá quý
Tìm “máu của mẹ đất” giữa rừng sâu
Nếu so với những người yêu nghề đá quý ở Việt Nam thì Nguyễn Phúc Dũng chỉ là một trong nhiều thanh niên có tuổi nghề và niềm đam mê yêu địa chất. Nhưng nếu tìm người có “máu” sưu tầm đá quý hiện nay ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chắc Dũng là “tấm thẻ số 1”. Dẫu đang có trong tay hơn 500 chủng loại đá quý khác nhau, nhưng chưa bao giờ Dũng có ý định dừng lại, hoặc bỏ nghề sưu tầm đá quý.
Để có bộ sưu tập ấy, 20 năm qua, Dũng đã đặt chân đến nhiều miền đất khắp mọi miền Tổ quốc và đi nhiều nước trên thế giới. Ở trong nước, dải núi Lục Yên là nơi Dũng “cư ngụ” nhiều ngày để tìm “máu của mẹ đất”. Miền trung du Nha Trang (Khánh Hòa) là “quê hương thứ hai” mà Dũng hay lui tới để tìm niềm đam mê từ lòng núi đá. Mỗi cuộc hành trình là mỗi chuyến đi gian khổ, có khi kiệt sức vì gặp mưa lớn hoặc lạc giữa rừng sâu. “Nhưng vì trong tim tôi luôn khát vọng cháy bỏng đi tìm tòi những viên đá ẩn sâu trong lòng đất, nên cứ thúc giục bước chân đi. Đi cho thỏa chí. Ít nhất cũng còn những người như tôi đam mê nghề đá quý để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Mỗi lần tìm được một viên đá dù giá trị chẳng đắt tiền, nhưng trong lòng tôi luôn dâng lên niềm vui. Có một viên đá mới, trong “bảo tàng” của tôi có thêm một chủng loại, và các bạn trẻ cũng có thêm niềm vui vì biết thêm một loại “máu của mẹ đất”.
“Máu của mẹ đất nghĩa là sao?”, tôi thắc mắc. “Là nhựa của một vật thể nào đó được tạo ra giữa lòng đất. Nhựa đó lưu tồn trong lòng đá, hoặc đất hàng triệu năm, thậm chí hàng trăm triệu năm. Cũng có thể nó được sinh ra trong lòng thân cây mục nát. Những loại đó càng có giá trị về lịch sử và giá trị sử dụng trong lĩnh vực phong thủy”, Dũng nói. Trong nhiều chuyến hành trình đi tìm “máu của mẹ đất”, có một lần anh “suýt chết” giữa rừng vì gặp trời mưa. Sau chặng đường hơn 3 giờ vượt “cạn” giữa rừng sâu, lúc anh dừng bước ăn cơm nắm để lại sức cũng là lúc trời đổ mưa. “Mưa rừng rất ghê gớm. Nước chảy như muốn trôi người. Tôi ngồi co ro trong gốc cây. Bỗng nhiên nghe tiếng ầm ầm trên đầu. Ngẩng lên thì thấy đúng cây mình ngồi chao đảo. Tôi chạy ra khỏi gốc cây chừng 10 mét thì thình lình gốc cây gãy ngang. Cũng chính từ lòng đất gần gốc cây này, tôi tìm thấy một viên đá saphia hồng. Cầm viên đá tôi trào nước mắt. Đêm đó tôi ngủ dưới mưa rừng, ăn cơm nắm chan nước mưa rừng. Sáng ra, tôi tìm đường ra được khỏi rừng cũng là lúc muốn ngất xỉu”, Dũng hồi tưởng lại.
Tôi hỏi tại sao người trẻ như Dũng lại có khát vọng truyền nghề cho lớp trẻ, khi nghề này không “hót” và cũng chẳng có thu nhập đều đặn, trong khi người trẻ lại không mấy “mặn mà?”. Dũng bảo, ai chọn nghề này phải có duyên và niềm đam mê cháy bỏng. Nghề đá kén người chứ không như những nghề khác. Bên cạnh niềm đam mê, phải am tường về địa chất. Nói về đá quí thì người trong nghề phải nói đến Lục Yên hoặc Quỳ Châu (Nghệ An). “Tôi có khát vọng truyền lại nghề sưu tầm đá quý cho lớp trẻ vì tôi muốn các bạn trẻ lưu truyền giữ lại phần hồn cốt của dân tộc. Việt Nam có rất nhiều khoáng sản quý hiếm như đá đỏ Quỳ Châu, đá hồng ngọc Lục Yên. Nếu không truyền lại cho lớp trẻ hiểu biết giá trị lưu truyền đá quý của dân tộc, một ngày nào đó đá quý của Việt Nam sẽ bị “chảy” ra nước ngoài. Những viên đá quý của Việt Nam nó như gia bảo, hồn cốt văn hóa của đất nước. Làm nghề này không khó nhọc, nhưng phải có khát vọng đam mê”.
MẠNH TUẤN