Phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM: Phải lấy lại niềm tin của hành khách

VHO-Nhà chờ nhếch nhác, hạ tầng bến bãi yếu kém, xe ôm, hàng rong tụ tập đeo bám, chèo kéo khách, an ninh, an toàn chưa được đảm bảo... là những bất cập đang còn tồn tại trong hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) ở TP.HCM hiện nay. Mặc dù đã có nhiều biện pháp được đưa ra, tuy nhiên hành khách vẫn có nhiều băn khoăn, lo lắng khi sử dụng dịch vụ.

Phát triển vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM: Phải lấy lại niềm tin của hành khách - Anh 1

Nhiều nhà chờ và xe buýt tại TP.HCM rất khang trang nhưng vẫn vắng khách

 Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Nguyễn Đức Trị thì thời gian qua, ngành VTHKCC đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút thêm hành khách sử dụng. Cụ thể như: nghiên cứu, tổ chức khai thác các loại hình xe buýt mới như buýt điện, buýt sông, buýt phục vụ khách du lịch nhằm phục vụ nhu cầu đi lại đa dạng của người dân; đầu tư phương tiện mới, cải tạo kết cấu hạ tầng cho xe buýt, nghiên cứu áp dụng phương pháp trợ giá mới phù hợp hơn để tạo động lực nâng cao sản lượng, chất lượng dịch vụ; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe… Cùng với đó, Trung tâm đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý, điều hành.

Ngoài ra, trong năm 2018, 21 tuyến xe buýt điểm với nhiều tiêu chí mới về chất lượng, nhằm tạo sự hài lòng hơn cho người dân khi sử dụng xe buýt đã được triển khai. Qua thống kê, sản lượng các tuyến buýt điểm tăng trung bình khoảng 10%. Mặc dù vậy, việc nâng cao chất lượng dịch vụ vẫn còn rất nhiều khó khăn, từ nhà chờ bến bãi đến việc mật độ phương tiện cá nhân tăng cao, xe buýt phải hoạt động chung với các loại phương tiện khác nên lịch trình không đảm bảo, hành khách chưa yên tâm khi sử dụng xe buýt…

Đây cũng là những khó khăn mà ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 15 chỉ ra: Có nhà chờ, trạm dừng là nơi tụ tập của các xe ôm công nghệ sẵn sàng lôi kéo hành khách khi chờ xe buýt, buôn bán hàng rong chiếm dụng nên gây cảnh nhếch nhác, làm cho hành khách ngán ngại, nhất là các em học sinh, sinh viên, khách du lịch đến TP. Một số bến bãi hiện nay cũng chưa đầu tư kịp trạm nạp khí CNG cung cấp cho xe buýt mới nên một số tuyến lái xe phải đi nạp nhiên liệu xa, rất mất thời gian, công sức. Về hiệu quả đầu tư xe buýt mới hoạt động đến nay đều bị lỗ do các chi phí tăng cao. Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tạo, các đơn vị VTHKCC mà nòng cốt là các HTX, Liên hiệp HTX quyết tâm gắn bó với nghề xe buýt, đã mạnh dạn tham gia các dự án đầu tư thay đổi phương tiện xe buýt mới thân thiện với môi trường, nâng cao công tác quản trị HTX, thay đổi cung cách phục vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ để khuyến khích người dân tham gia xe buýt nhiều hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên, có nhiều phản ánh về việc chậm giải ngân tiền trợ giá, nên đời sống các xã viên HTX xe buýt, tài xế gặp rất nhiều khó khăn, từ đó cũng ảnh hưởng đến thái độ, chất lượng phục vụ. Nói về việc này, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT) cho biết, bộ đơn giá chi phí vận chuyển xe buýt mới đang trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt trong khi bộ định mức đơn giá đang thực hiện hiện nay được ban hành từ năm 2012 nên đã không còn phù hợp, một số hạng mục chi phí đã tăng khá cao. Ông Đỗ Ngọc Hải còn chia sẻ: “Kinh phí trợ giá cho xe buýt thì năm 2018 Sở GTVT đã tham mưu cho UBND TP ban hành bộ đơn giá mới. Sau khi UBND TP ban hành, chúng tôi sẽ áp dụng ngay cho 2019 để bổ sung kinh phí và cơ bản đảm bảo chi phí để các đơn vị hoạt động ổn định”.

Trong bối cảnh mà xe buýt vẫn đóng vai trò chủ lực của giao thông công cộng thì rõ ràng, để có thể đạt mục tiêu đến năm 2020 VTHKCC chiếm 15-20% nhu cầu đi lại của người dân, ngành GTVT TP cần kết hợp nhiều giải pháp khác nhau cả trước mắt và lâu dài, đồng thời sử dụng hiệu quả số tiền trợ giá xe buýt. Ông Nguyễn Đức Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP cho biết: “Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp đột phá như: Thí điểm triển khai làn đường ưu tiên vào giờ cao điểm trên các trục đường chính, có lượng hành khách đi xe buýt cao để đảm bảo thời gian hành trình cho xe buýt, giúp hành khách sử dụng xe buýt được đúng giờ, đồng thời tổ chức bãi giữ xe cá nhân miễn phí cho hành khách sử dụng xe buýt tại các cửa ngõ TP và tổ chức xe đạp công cộng, xe mini buýt để hành khách đi đến nơi cần đến sau khi sử dụng xe buýt”.

TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP đề nghị tiếp tục phát huy, duy trì giá vé xe buýt như hiện nay, tiện nghi trên xe và tiếp tục cải thiện thái độ tài xế, tiếp viên; đồng thời chú ý nhiều hơn đến vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh cho hành khách; dọn vệ sinh tại trạm cũng như vệ sinh trên xe thường xuyên. Về giải pháp lâu dài, ông Dư Phước Tân cho rằng: “Theo tôi, với sự tiện lợi và đi lại nhanh chóng, tốn rất ít thời gian đi lại khi sử dụng xe máy, dẫn đến việc người dân rất khó để chuyển sang sử dụng phương tiện đi lại khác như xe buýt, thực tế chưa tiện lợi và tốn nhiều thời gian hơn. Bên cạnh phát triển luồng tuyến, trạm dừng xe buýt cũng như tăng chuyến vận hành để hành khách không chờ đợi lâu, đồng thời với việc phát triển các loại hình VTHKCC khác (như Metro, Stramway, BRT, buýt thủy…). Do vậy, để góp phần giảm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường do xả thải của xe cá nhân, tất cả chúng ta đều phải chấp nhận hy sinh lợi ích một phần của mình khi sử dụng xe cá nhân quá tiện lợi như hiện nay, cùng tham gia sử dụng xe buýt và phương tiện VTHKCC khác”.

Việc khắc phục những yếu kém, mở rộng mạng lưới xe buýt là những yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đáp ứng sự phát triển của TP. Vì vậy cần phải cải tiến mạnh mẽ về hoạt động xe buýt, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như nhiều vấn đề khác. Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP nhấn mạnh: “Chúng tôi nghiêm túc tiếp thu, cùng lãnh đạo TP nghiên cứu đưa ra các giải pháp hiệu quả, sát thực tế. Chúng ta cần nâng chất lượng phục vụ, điều chỉnh luồng tuyến… và giải quyết dứt điểm việc nợ tiền trợ giá của các HTX”.

Theo kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 của TP.HCM, chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại của VTHKCC đô thị năm 2018 là 9,6%, năm 2019 là 11,2% và năm 2020 là 15%. Ngành GTVT TP đã và đang nỗ lực cho mục tiêu này, nhưng phải nhìn nhận rằng, việc lấy lại niềm tin của người dân với xe buýt, sử dụng xe buýt nhiều hơn không phải một sớm một chiều. Và ngành GTVT cũng rất cần sự chia sẻ, đồng hành của người dân để hệ thống VTHKCC bằng xe buýt sẽ phát huy hiệu quả cao hơn nữa. 

LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc