Ùn tắc giao thông những ngày cận Tết ở Hà Nội: Vẫn mãi điệp khúc “không vội được đâu”

VHO - Những ngày giáp Tết cổ truyền, tình trạng ùn tắc giao thông đã xảy ra tại nhiều tuyến đường, phố ở Hà Nội. Cảnh tắc đường khiến người dân khổ sở, còn cảnh sát giao thông (CSGT) phải căng mình phân luồng, điều tiết giao thông.

Ùn tắc giao thông những ngày cận Tết ở Hà Nội: Vẫn mãi điệp khúc “không vội được đâu” - Anh 1

 Người và phương tiện “đông đặc” trên đường Nguyễn Trãi - Hà Nội. Ảnh chụp 14h ngày 30.1 Ảnh: TR. HUẤN

Những ngày gần đây, rất nhiều tuyến đường ở Hà Nội lâm vào cảnh ùn tắc, lượng phương tiện gia tăng đột biến so với những ngày trước đó khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Ngã Tư Sở, Giải Phóng, nút giao đường 70 - Viện K Tân Triều, cầu Định Công, cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương, Tố Hữu - Lê Văn Lương… là những khu vực thường xuyên được điểm tên cảnh báo bởi ùn tắc.

Nhiều nơi đều vượt xa thiết kế ban đầu

Chị Thanh Xuân (Hoàng Mai, Hà Nội), hằng ngày đi qua khu vực cầu Định Công xuống khu đô thị mới Thanh Hà cho biết, nhiều năm nay, tuyến đường đi lại của chị mất không ít thời gian, công sức bởi phải đi qua 2 “điểm đen” là cầu Định Công và nút giao đường 70 - Viện K Tân Triều. Quãng đường chỉ khoảng 7-8 km nhưng lấy đi của chị hàng giờ, thậm chí nhiều giờ đồng hồ. Trong khi đó, anh Quang Hưng sống tại một chung cư trên đường Tố Hữu cho biết, sai lầm lớn nhất là mua nhà ở khu vực này. Anh Hưng cho hay, đi xe máy thì phải bon chen, luồn lách lên vỉa hè, còn đi ô tô thì nhích từng mét. Dòng xe cộ đông đúc, chen chúc không chỉ trong giờ cao điểm khiến CSGT trực ở những điểm nóng này luôn phải vất vả phân luồng.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, riêng phương tiện có đăng ký là trên 8 triệu xe; trong đó hơn 1,1 triệu là ô tô, 6,7 triệu xe máy và khoảng hơn 200.000 các loại xe đạp điện, xe đạp. Ngoài ra, còn chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác lưu thông trên địa bàn. Dân số Hà Nội hiện nay xấp xỉ 10 triệu người, bao gồm người dân của các tỉnh khác đến sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn. “Điều này cho thấy số lượng phương tiện cũng như mật độ người sinh sống, làm việc, tham gia giao thông trên địa bàn thành phố là rất lớn”, ông Bảo đánh giá. Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, về hạ tầng giao thông, tỉ lệ đất dành cho giao thông hiện nay mới có 12,13% mà theo quy hoạch thì ít nhất phải đạt 20 - 26%; giao thông tĩnh hiện nay chưa đạt đến 1% và theo quy hoạch là phải đạt từ 3 - 4%. Do vậy, một loạt các tuyến đường, các nút giao thông, các cây cầu chịu mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn; có những tuyến vượt quá tám lần so với thiết kế. Như đường vành đai 3 trên cao hoặc cầu Thanh Trì, lưu lượng vượt 8,1 lần, cầu Chương Dương vượt gấp 8 lần, tuyến đường Nguyễn Trãi vượt từ 3,3 - 5,6 lần, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đường Tố Hữu, đường Lê Văn Lương vượt từ 1,1 - 1,7 lần, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, lưu lượng của người dân Thủ đô và các tỉnh, thành khác đang đổ về sẽ dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố còn tiếp tục diễn biến phức tạp và ùn tắc hơn. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, tuân thủ pháp luật còn hạn chế. Ý thức người tham gia giao thông được coi là một phần của nguyên nhân khiến giao thông tại Hà Nội chưa được cải thiện. Ngoài nguyên nhân về hạ tầng, mật độ phương tiện thì trên địa bàn thành phố cũng đang triển khai rất nhiều công trình trọng điểm dẫn đến phải rào chắn thi công gây thu hẹp mặt đất. Một số tuyến điển hình như đường Âu Cơ, đường Nguyễn Xiển…

Ùn tắc giao thông những ngày cận Tết ở Hà Nội: Vẫn mãi điệp khúc “không vội được đâu” - Anh 2

Những ngày cận Tết cổ truyền, cảnh ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội là nỗi ám ảnh của người dân

Vẫn chưa hiệu quả

Theo ông Trần Hữu Bảo, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành, kế hoạch, chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, 6 nhóm giải pháp chủ yếu là đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường vận tải hành khách công cộng để hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và tăng cường công tác tổ chức giao thông khoa học, hợp lý để phát huy hiệu quả của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông để linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một trong những giải pháp rất quan trọng là tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân để giao thông Thủ đô đi lại thuận tiện hơn. Song song với đó, thành phố cũng chỉ đạo các lực lượng tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để hướng dẫn, tạo thói quen đi lại cho người dân. Về giải pháp trước mắt, Sở GTVT cùng với Công an TP Hà Nội đã thành lập 4 tổ công tác thường xuyên giám sát tình trạng giao thông và họp vào thứ 5 hằng tuần để giải quyết các bức xúc. Nếu có bất kỳ thông tin phản ánh liên quan đến sự cố, ví dụ như sự cố đèn tín hiệu là có người xử lý ngay. Cùng với đó, liên ngành công an thành phố, Sở GTVT qua rà soát có 234 điểm có mật độ giao thông lớn cần thiết phải bố trí lực lượng để hướng dẫn điều hành giao thông và đã được bố trí lực lượng của thanh tra giao thông, CSGT, lực lượng của các quận, huyện, thị xã.

“Chúng tôi cũng đã báo cáo UBND thành phố ban hành quy chế phối hợp giữa các lực lượng bao gồm có thanh tra giao thông, công an TP, các lực lượng của các quận, huyện, thị xã, lực lượng của Hội cựu chiến binh, phụ nữ vào cuộc. Và khi quy chế này được ban hành, khi có bất kỳ sự cố hoặc điểm ùn tắc giao thông thì đều được thông tin và và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, chúng tôi đã ứng dụng phần mềm mô phỏng tổ chức giao thông, các phần mềm đo đếm lưu lượng để tổ chức mô phỏng, tổ chức các nút giao thông trên địa bàn thành phố nhằm tối ưu khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông hiện có”, ông Bảo cho hay. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, về công tác phòng, chống ùn tắc trên địa bàn Thủ đô, ngoài việc phối hợp với Sở GTVT, đã ban hành phương án 04 chống ùn tắc, và xác định hơn 200 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc và bố trí trên 3.000 cán bộ, chiến sĩ, người dân tình nguyện tại đây vào sáng, chiều và các giờ cao điểm. Do đó tình hình ùn tắc cũng được cải thiện, chỉ có thời tiết mưa, gió hoặc tai nạn giao thông mới dẫn đến ùn tắc cục bộ.

Năm 2022, Hà Nội có 35 điểm ùn tắc, ngành GTVT xử lý được 8 điểm nhưng phát sinh 10 điểm. Trong năm 2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 37 điểm ùn tắc giao thông, tính đến ngày 15.12.2023, Hà Nội đã xử lý 15 điểm ùn tắc giao thông, nhưng trên địa bàn lại phát sinh thêm 11 điểm ùn tắc mới trong năm 2023. Có nghĩa là xóa chỗ này thì tắc chỗ khác cho thấy sự lúng túng trong việc xóa điểm ùn tắc giao thông. Và năm nào cũng vậy, các cấp, ngành của Hà Nội lại ban hành các kế hoạch, trong đó có mục tiêu xử lý ùn tắc, quyết tâm hạn chế không để ùn tắc quá 30 phút, xóa các điểm đen giao thông... Đầu tháng 1.2024, UBND TP Hà Nội cũng mới ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Trong đó, tập trung giải quyết 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài quá 30 phút, kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới và các điểm đen tai nạn giao thông.

Người dân Hà Nội nhiều năm nay dường như đã “quen” với nội dung của kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông của TP Hà Nội với các mục tiêu như trên. Bởi, thực tế trên đường phố Hà Nội, tình trạng gia tăng các điểm ùn tắc giao thông khiến người dân vất vả, mệt mỏi. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội khoảng từ 1-1,2 tỉ USD/ năm. Đó còn chưa kể đến tình trạng ùn tắc giao thông sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân… Đã đến lúc cần một giải pháp đột phá, hành động đột phá về hạ tầng giao thông, giải pháp phương tiện giao thông công cộng, về điều hành giao thông thông minh dựa theo công nghệ.

 Về hạ tầng giao thông, tỉ lệ đất dành cho giao thông hiện nay mới có 12,13% mà theo quy hoạch thì ít nhất phải đạt 20 - 26%; giao thông tĩnh hiện nay chưa đạt đến 1% và theo quy hoạch phải đạt từ 3 - 4%. Do vậy, một loạt các tuyến đường, các nút giao thông, các cây cầu chịu mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn; có những tuyến là vượt quá tám lần so với thiết kế. Như đường vành đai 3 trên cao hoặc cầu Thanh Trì, lưu lượng vượt 8,1 lần, cầu Chương Dương vượt gấp 8 lần, tuyến đường Nguyễn Trãi vượt từ 3,3 - 5,6 lần, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đường Tố Hữu, đường Lê Văn Lương vượt từ 1,1 - 1,7 lần, đặc biệt vào giờ cao điểm.

QUẢNG XƯƠNG - QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc