Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

"Nóng" chuyện kiểm duyệt phim: Tự kiểm, tiền kiểm hay hậu kiểm?

Thứ Hai 20/07/2020 | 10:45 GMT+7

VHO- Tới đây sẽ tiến thêm một bước nữa là chỉ hậu kiểm. Tuy nhiên, với quy định hậu kiểm, một số NSX lại tỏ ra băn khoăn, nếu có rủi ro khi phim ra rạp mà phải tạm ngưng thì sẽ gây thiệt hại về kinh tế, sau là dư luận xã hội. Do vậy nên đưa vào tiền kiểm (kiểm duyệt trước khi phát hành như hiện nay) cho an toàn...

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ với các nhà làm phim tại tọa đàm

 Đó là vấn đề rất được quan tâm tại buổi Tọa đàm trao đổi với các nhà sản xuất phim khu vực phía Nam về hoạt động điện ảnh hiện nay, do Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức.

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, khu vực phía Nam trong những năm qua đã trở thành trung tâm sản xuất phim truyện lớn nhất cả nước, với gần 40 đầu phim/năm, đây là nỗ lực rất lớn của các nhà đầu tư, nhà sản xuất (NSX) và đội ngũ làm nghề. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo vẫn còn một số giới hạn, vướng mắc về quan niệm, nhìn nhận của xã hội và các quy định trong quản lý cần phải nghiên cứu, điều chỉnh và “giải phóng” để kích thích sức sáng tạo, tạo thêm nguồn lực về tinh thần và vật chất cho công tác sản xuất phim, phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp điện ảnh và xu thế hội nhập toàn cầu.

“Chùn tay” vì sợ kiểm duyệt?

Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, hiện nay các NSX phim quan tâm hai vấn đề: Một là việc thẩm định, duyệt kịch bản phim truyện điện ảnh có yếu tố nước ngoài; hai là vấn đề thẩm định cấp phép phổ biến (hay còn gọi là kiểm duyệt) phim nước ngoài phát hành tại Việt Nam và phim Việt Nam sản xuất trong nước tham dự liên hoan phim quốc tế. Trong đó, câu chuyện cần làm rõ là trường hợp nào phải trình kịch bản cho Cục Điện ảnh thẩm định khi hợp tác, liên doanh với nước ngoài. Theo Cục Điện ảnh, việc hợp tác, liên doanh có một trong ba đối tượng là NSX, đạo diễn hoặc biên kịch là người nước ngoài thì phải gửi đến thẩm định, còn những thành phần khác như diễn viên, quay phim... thì không cần. Câu hỏi đặt ra nữa là công tác kiểm duyệt phim trước khi phát hành phổ biến sẽ theo hình thức nào? Nên tiền kiểm như hiện nay hay theo hình thức hậu kiểm?

NSX Nguyễn Thế Phong, Công ty CP sản xuất phim Hoan Khuê cho rằng: “Đối với phim thương mại thì đơn vị quan trọng nhất là NSX, họ có thể sa thải đạo diễn hoặc đổi biên kịch, nghĩa là kịch bản hoàn toàn theo ý của họ. Do vậy, tôi nghĩ rằng cơ quan quản lý chỉ cần “nắm chặt” NSX, tuy nhiên trong một vài trường hợp thì đôi khi đạo diễn “lớn” hơn NSX, nhưng ở cả hai trường hợp này thì biên kịch đều không phải là yếu tố quyết định. Còn theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim Giải phóng: “Dù thuộc hãng phim Nhà nước nhưng tôi cũng rất quan tâm phim tư nhân, đặc biệt là công tác kiểm duyệt. Theo tôi, Cục Điện ảnh nên có những kiến nghị mang tính mở rộng hơn để các nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo, cần có những quy định cụ thể nhưng thoáng để nghệ sĩ không bị “bó tay bó chân”. Chẳng hạn nhạy cảm thì nhạy cảm tới đâu, bạo lực thì tới mức nào là tối đa? Hiện nay các phim về đề tài chiến tranh còn quá nghiêm túc, chưa thể hiện hết được ý đồ của tác giả”.

NSX Mai Thế Hiệp, Công ty TNHH Fortune Projects chia sẻ, nói về kiểm duyệt, cần cụ thể về những vấn đề không được xuất hiện trong màn ảnh, tránh chung chung sẽ khó cho anh em đạo diễn. “Tôi và nhiều đạo diễn luôn chùn tay không dám làm nhiều thứ vì sợ kiểm duyệt. Trong khi nước ngoài họ không bị ràng buộc nên được sáng tạo theo đúng tư duy của họ. Bản thân chúng tôi cũng thấy mơ hồ, không biết yếu tố nào sẽ bị kiểm duyệt, yếu tố nào thì không nên thường có xu hướng “cắt phéng” đi cho an toàn”, ông Hiệp tâm tư.

 Mt s ý kiến cho rng cn điu chnh theo hướng m thoáng trong các phân cnh nhy cm để kích thích sc sáng to, nht là phim đề tài v chiến tranh. Cnh trong phim Truyn thuyết v Quán Tiên

“Tôi không tin họ có thể tự kiểm duyệt”

Trong khi đó, NSX, đạo diễn Ngô Quang Hải, Công ty TNHH Vimax phân tích, rõ ràng với mặt bằng phát triển hiện nay thì thị trường đang đi nhanh hơn đào tạo và chúng ta đang thiếu hụt rất nhiều thứ. Phim làm ra muốn tiếp cận thị trường thì cần hài hòa về chính trị cũng như kiểm duyệt. “Suy nghĩ của tôi là nhà làm phim trước tiên phải là nhà văn hóa, đứng trên quan điểm dân tộc. Đam mê là một chuyện, còn sự hiểu biết lại là vấn đề khác. Vì vậy, tôi nghĩ rằng vẫn nên giữ nguyên quy định như hiện nay. Phim ảnh là loại hình nghệ thuật có tính truyền bá cực mạnh, vì thế tôi không tin các NSX, các đạo diễn có thể tự kiểm duyệt được. Bởi các bạn không thể nào thông tỏ được hết mọi quan điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Do vậy, cần phải có một cơ quan Nhà nước để kiểm duyệt”, đạo diễn Chuyện của Pao nhấn mạnh và nói thêm, “Chúng ta ngồi đây nhưng xã hội đang biến động rất nhanh, chúng ta cần update hằng ngày, hằng giờ, nghiên cứu những xu hướng tiêu dùng mới, vì điện ảnh cũng chính là văn hóa tiêu dùng. Ngay cả công tác kiểm duyệt, nếu dễ dãi cho qua đi nữa cũng không thể “thoát” khỏi an ninh mạng. Do vậy, chúng ta cần cởi mở hơn, nhưng nếu không có cái nhìn tổng quát thì tự mình đi vào bụi rậm, bởi nếu hậu quả xảy ra, chúng ta sẽ không thể lường hết được và lúc đó không chỉ đơn giản là mất tiền...”.

Đồng tình với quan điểm này, NSX Dung Bình Dương cho rằng, Cục Điện ảnh nên quản lý việc sản xuất phim chặt chẽ hơn bằng cách xiết chặt khâu xét duyệt kịch bản trước khi cho bấm máy để tránh tình trạng nhiều NSX cứ nghĩ là đăng ký quyền tác giả kịch bản xong là được sản xuất phim. Trong khi đó, có không ít trường hợp NSX bỏ tiền ra làm xong thì lại không được duyệt phổ biến, hoặc khi đang phát hành lại bị yêu cầu dừng giống trường hợp phim Vợ Ba… Liên quan đến ý kiến cho rằng do quy định của cơ quan quản lý còn “gò bó” dẫn đến phim Việt quá “nghiêm túc”, không thu hút khán giả, NSX Dung Bình Dương nêu quan điểm: “Phim rất cần yếu tố nghệ thuật. Tôi bảo lưu vấn đề thuần phong mỹ tục trong phim Việt. Bằng chứng là Cua lại vợ bầu, Em chưa 18, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,… thắng lớn ở phòng vé nhưng không hề có yếu tố nhạy cảm, câu khách. Do vậy, chúng ta không nên lúc nào cũng muốn “thoát rào”, dùng “nude” để câu khách, quan trọng nhất vẫn là chất lượng nghệ thuật và cách làm phim”.

Hướng đến quy định vừa mở, vừa cụ thể

Theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, hiện nay Cục Điện ảnh chỉ thẩm định kịch bản với hai loại phim: Phim đặt hàng của Nhà nước và phim hợp tác, liên doanh với nước ngoài mà trong thành phần làm phim có NSX, đạo diễn hoặc biên kịch là người nước ngoài. Còn lại các dự án phim khác thì Cục tôn trọng kịch bản, chỉ thẩm định và cấp phép khi phát hành phổ biến, nghĩa là Cục chỉ kiểm soát đầu ra trước khi phát hành. Sắp tới đây sẽ hướng tới một bước nữa là chỉ hậu kiểm, nhưng nếu muốn hậu kiểm thì cần xây dựng những điều khoản cụ thể để các nhà làm phim biết mà thực hiện cho đúng. Tuy nhiên, với quy định hậu kiểm, nghĩa là từ khi xây dựng kịch bản đến phát hành không phải qua khâu kiểm duyệt, nhưng đến khi công chiếu ở rạp, phim có vấn đề thì cơ quan thanh tra sẽ vào cuộc xử lý. Với quy định như vậy, một số NSX cũng băn khoăn sẽ có rủi ro, vì khi phim ra rạp mà có vấn đề thì phải tạm ngưng, trước mắt là thiệt hại về kinh tế, sau là dư luận xã hội. Do vậy, nên đưa vào tiền kiểm (kiểm duyệt trước khi phát hành như hiện nay) cho an toàn.

“Tôi đồng cảm và chia sẻ với các nhà làm phim. Nếu quy định quá chặt sẽ tác động không tốt đến tâm lý sáng tạo. Cục sẽ tiếp thu để có thay đổi, điều gì cấm hay cho phép thì phải rõ ràng và cụ thể… Tôi đã đề nghị trong hội đồng kiểm duyệt, chỉ có phim Nhà nước đặt hàng thì làm nghiêm các quy định, còn phim thị trường bên ngoài thì sẽ nhìn góc độ cởi mở hơn để phát triển thị trường điện ảnh”, Cục trưởng bày tỏ và nhấn mạnh, với cách kiểm duyệt như vậy, chúng ta suy nghĩ cách làm khác, sáng tạo hơn biết đâu lại hay hơn, nghệ thuật hơn để xử lý tình huống không chạm vào quy định nhưng vẫn thể hiện được ý đồ? Không nên phân biệt phim nghệ thuật và phim thị trường, bởi thị trường cũng cần nghệ thuật và nghệ thuật cũng rất cần khán giả. Đừng tự ám ảnh cho là khán giả không hiểu ý đồ mình mà cứ phải thể hiện trần trụi hết cả ra. 

 ... Tôi nghĩ rằng vẫn nên giữ nguyên quy định như hiện nay. Phim ảnh là loại hình nghệ thuật có tính truyền bá cực mạnh, vì thế tôi không tin các NSX, các đạo diễn có thể tự kiểm duyệt được. Bởi các bạn không thể nào thông tỏ được hết mọi quan điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Do vậy, cần phải có một cơ quan Nhà nước để kiểm duyệt.

(NSX, Đạo diễn NGÔ QUANG HẢI)

 

 Phim rất cần yếu tố nghệ thuật. Tôi bảo lưu vấn đề thuần phong mỹ tục trong phim Việt. Bằng chứng là Cua lại vợ bầu, Em chưa 18, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,… thắng lớn ở phòng vé nhưng không hề có yếu tố nhạy cảm, câu khách. Do vậy, chúng ta không nên lúc nào cũng muốn “thoát rào”, dùng “nude” để câu khách, quan trọng nhất vẫn là chất lượng nghệ thuật và cách làm phim.

(NSX DUNG BÌNH DƯƠNG)

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top