Văn học với hồn cốt dân tộc, căn cốt văn hóa
VHO- Văn học từ xưa vốn là một bộ phận quan trọng thuộc về văn hóa, vừa là chủ thể lại vừa là khách thể, bản lề để xây dựng, hình thành văn hóa. Bởi bản chất cốt lõi của văn học là dung dưỡng phẩm chất tâm hồn con người. Từ tâm hồn một người, nhiều người mà hình thành xu hướng thời đại, tâm hồn dân tộc.
Và đây là mấu chốt để tạo nên gương mặt một dân tộc. Không phải hôm nay mới tỏ ra vấn đề này, ca dao tục ngữ xưa, cả những câu chuyện dân gian truyền miệng, cổ tích đều chủ mục vào việc giáo dục con người trong một cộng đồng, một sắc tộc. Những vấn đề từ lối sống, nếp sống đều chú trọng tìm ra, xây dựng nhằm định hình con người Việt. Văn học ngày nay vẫn chú trọng nội dung này. Văn học luôn đề cao cái thiện, phê phán cái ác. Những mâu thuẫn cần giải quyết để xã hội hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu của thời đại chính là xây dựng hồn cốt căn bản nhất thuộc về “tính người”, mối quan hệ trong cộng đồng, vấn đề căn cốt nhất thuộc về văn hóa. Nhất là khi cơ chế thị trường làm đảo lộn nhiều giá trị, các giá trị ngoại lai không phù hợp với văn hóa dân tộc thì trách nhiệm văn học càng nặng nề hơn.
Những hoạt động xã hội khác liên quan tới văn hóa đều bị chi phối từ vấn đề cốt tử này: Thuộc tính người. Vì thế văn học có một vị trí tối quan trọng trong việc chấn hưng văn hóa, giữ gìn cái cao đẹp, nét đẹp tử tế, mang hồn cốt của dân tộc. Từ sau Đại hội X của Hội Nhà văn Việt Nam đến nay, BCH mới của Hội đã có nhiều nỗ lực nhằm hoàn chỉnh các bộ máy - ban, ngành trong tổ chức của Hội, củng cố theo xu hướng tinh và chuyên nghiệp có chất lượng. Bước đầu khích lệ được lực lượng văn học trẻ có tính kế thừa và phát triển đáp ứng xu hướng đổi mới của văn học trong tình hình mới của xã hội. Số lượng và chất lượng các tác phẩm tăng lên rõ rệt, đặc biệt văn học mạng, các hình thức phát triển văn học đại chúng cũng phát triển tự do hơn, dân chủ hơn. Các nhà văn đủ lứa tuổi đã được quyền nói, được quyền viết cho nhiều thể tài và cũng như việc chống tiêu cực của Đảng đang tiến hành, biên độ văn học đề cập không có vùng cấm kị. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta gặt hái được những giá trị lớn lao có kích cỡ thế giới. Bởi văn học luôn là sản phẩm trí tuệ có tính cá nhân. Sự tự thân của tâm hồn là nhận thức của mỗi con người. Do vậy, những tác động khác chỉ mang tính xúc tác.
Về mặt chiến lược, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa việc đầu tư có trọng điểm cho sáng tác văn học. Hoạch định kế hoạch đầu tư cho văn học bao gồm từ việc chế độ nhuận bút, hỗ trợ in ấn, xuất bản, phát hành, tổ chức trại viết nhằm tạo ra những tác phẩm dài hơi có giá trị. Thứ nữa, phải chấn chỉnh các giải thưởng văn học sao cho khách quan, công bằng để trao trúng những tác phẩm văn học đích thực có giá trị. Cùng với đó phải đầu tư vật chất, tài chính cho việc dịch các tác phẩm đương đại quảng bá ra thế giới. Tổ chức quỹ dịch hằng năm, đặt hàng cho các dịch giả dịch các tác phẩm văn học tiếng Việt đã được thời gian và công chúng trong nước đón nhận để góp phần quảng bá hình ảnh con người và đất nước Việt Nam.
Văn học luôn là căn cốt trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa. Thúc đẩy văn học phát triển chính là góp phần chấn hưng văn hóa; bảo vệ cái hay, cái đẹp đã có của văn hóa dân tộc cũng như lan toả văn hóa tới các vùng giao thoa văn minh tốt đẹp của nhân loại.
Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ