Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son

VHO- Tại lễ công bố kết quả đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo qua ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo- Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa 2017- 2020” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 25.3, nhiều phát hiện mới được công bố đã mang đến những bất ngờ. Ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời vang bóng tiếp tục được làm sống dậy bởi những khám phá quan trọng của khảo cổ học trong những năm 2017-2020.

Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son - Anh 1

Lễ công bố kết quả đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo qua ấn phẩm  “Văn hóa Óc Eo- Những phát hiện mới khảo cổ học tại  di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa 2017- 2020” 

Các nhà khoa học khẳng định, đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hoá của nhân loại.

Công trình "nhiều cái nhất”

PGS.TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, Óc Eo- Ba Thê được xem là khu di tích khảo cổ học nổi tiếng và quan trọng nhất, là nơi tập trung một quần thể di tích khảo cổ học dày đặc và phong phú nhất ở Nam Bộ.

Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son - Anh 2

Lễ công bố có sự tham gia của nhiều nhà khoa học tên tuổi

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo- Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”. PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhận định, đây là đề án khoa học có quy mô lớn, do ba đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam gồm Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện. Nhiệm vụ chính là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo-Ba Thê (An Giang) và di tích Nền Chùa (Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, đặc biệt nhằm phục vụ việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa là Di sản văn hóa thế giới.

Sau gần 4 năm thực hiện, kết quả khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Óc Eo- Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa  (Kiên Giang) đã phát hiện được nhiều loại hình di tích  quan trọng như kiến trúc đền tháp, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch,đá cùng nhiều loại hình di tích cư trú, sinh hoạt, sản xuất thủ công. Đặc biệt, cuộc khai quật này đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.

Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son - Anh 3

Cảnh khai quật tại di tích Gò Giồng Cát (Khu A)

PGS.TS. Bùi Nhật Quang cho biết: “Kết quả khai quật cho thấy nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ. Bên cạnh đó, kết quả khai quật tại núi Ba Thê cũng phát hiện một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có quy mô lớn, đưa lại một bức tranh sinh động về trung tâm tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam và đời sống sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử”.

Tự hào bởi đây là công trình khảo cổ hội tụ "nhiều cái nhất", ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nêu rõ: Đây là công trình đồ sộ nhất, phát hiện nhiều di vật nhất (khoảng gần ba triệu di vật, hiện vật), phát hiện nhiều cái mới nhất, huy động nhiều nhà khoa học khảo cổ nhất. Chủ trương lập hồ sơ UNESCO được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Chính phủ và sự chung tay của Bộ, ngành và các tỉnh thành có di tích An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.

Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son - Anh 4

Cảnh khai quật tại Khu Di tích Óc Eo

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành khẳng định, những phát hiện mới quan trọng từ kết quả thực hiện Đề án Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học Văn hóa Óc Eo đã góp phần làm sáng rõ hơn tính chất, chức năng, niên đại và vai trò của khu di tích Óc Eo- Ba Thê trong lịch sử Vương quốc Phù Nam. Trong đó, thành tựu quan trọng nhất của Đề án là đã minh chứng và làm sáng rõ những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo- Ba Thê trong lịch sử.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, những ký ức vàng son của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam một thời vang bóng tiếp tục được làm sống dậy bởi những khám phá quan trọng của khảo cổ học trong những năm 2017-2020. “Từ đây, Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa không chỉ được biết đến là một phức hợp đô thị cổ, có vai trò rất quan trọng trong lịch sử vương quốc Phù Nam- một vương quốc hình thành trên nền tảng văn hóa bản địa đặc sắc mà nó còn có mối quan hệ giao thương rộng mở với nhiều vương quốc cổ Đông Nam Á và cả các quốc gia ở Nam Á, Tây Nam Á, Đông Bắc Á… thông qua con đường hải thương quốc tế”, ông Trí cho hay.

Hội đủ tiêu chí về Di sản văn hóa của nhân loại

PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh thêm,  đô thị cổ Óc Eo- Ba Thê, Nền Chùa là một đô thị độc đáo, tạo nên những bước phát triển vượt ra khỏi giới hạn không gian, đưa vùng đất đầm lầy trở thành một đô thị sầm uất và nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ sau Công nguyên.”Khu di tích quốc gia đặc biệt này hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản văn hóa của nhân loại”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành khẳng định.

Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son - Anh 5

Toàn cảnh khu di tích khảo cổ học Nền Chùa, Kiên Giang

Ấn phẩm hiện đại và công phu "Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020" là sự ghi nhận những thành quả nghiên cứu chung của Đề án, ghi nhận những đóng góp quan trọng và thiết thực của Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam hào hứng, kể từ năm 1944 đến nay, bất cứ ai quan tâm nghiên cứu lịch sử-văn hóa Việt Nam cả trong và ngoài nước không ai không biết tới văn hóa Óc Eo thế kỷ 1-7 ở Nam Bộ, trong đó có công trình nổi tiếng của Louis Mallerer công bố 1959-1963 Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông. Nhưng, để hiểu diện mạo đích thực của nền văn hóa này thật khó khăn, bởi có rất ít công bố khoa học với các mô tả chuẩn và các phụ lục chuẩn. “Nói như vậy để thấy rằng giới Khảo cổ học Việt Nam rất hoan nghênh công trình “Văn hóa Óc Eo- Những phát hiện mới về Khảo cổ học tại di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa năm 2017- 2020” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son - Anh 6

Đồ trang sức, đá quý được tìm thấy với số lượng lớn

PGS.TS. Tống Trung Tín phân tích một loạt phát hiện quan trọng ở di tích Óc Eo -Ba Thê và Nền Chùa giai đoạn 2017-2020. Các nhà khoa học phát hiện một địa tầng văn hóa dày dặn, niên đại trải dài liên tục từ trước Công nguyên đến thế kỷ 10-11; một hệ thống di tích phong phú trải theo các thời kỳ lịch sử văn hóa bao gồm các dấu tích: tường bao, nhiều nền móng kiến trúc đền miếu, dấu tích kiến trúc nhà sàn bị đổ sập, đường đi lối lại, giếng nước, đường nước, dấu tích các lung lớn, lung nhỏ. Ông Tín cũng đánh giá cao ở hệ thống di vật phong phú với nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau: vật liệu kiến trúc gạch, ngói, đá, gỗ, đồ gốm Óc Eo, đồ đồng, vàng, trang sức thủy tinh, đồ thờ…

“Chúng ta có thể hình dung rõ hơn rất nhiều quá trình phát triển, hưng thịnh và suy tàn của Văn hóa Óc Eo. Đó là một diện mạo của một thành thị cổ, bóng dáng của một cảng thị cổ Quốc tế, một khu vực kinh tế-văn hóa lớn vào bậc nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thế kỷ 1-7. Chúng ta bước đầu hình dung được cụ thể hơn diện mạo của Khu Di sản với một trung tâm lớn Ba Thê-Óc Eo kết nối với nhiều trung tâm vệ tinh, một thành thị có các trung tâm Phật giáo, Ấn Độ giáo, thành thị có giao thương kết nối sôi động cùng Trung bộ, Bắc bộ của Việt Nam và xa hơn như với Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Cận Đông, La Mã…”, PGS.TS. Tống Trung Tín nhận định.

Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son - Anh 7

Bảo vật quốc gia: Nhẫn vàng hình bò Nandin

Trong những phát hiện mới về văn hóa Óc Eo, ông Tín hứng thú với phát hiện hệ thống di vật phong phú với nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã tiếp cận những giải pháp công nghệ hiện đại và tăng cường nghiên cứu so sánh giúp người đọc bước đầu nhận ra được nhiều vấn đề về di tích, di vật mà trước đây nhìn chung con rất lờ mờ. “Tôi đặc biệt hứng thú với các bức ảnh giới thiệu các vết tích nhà sàn và việc các nhà nghiên cứu cố gắng bước đầu tái hiện hình thái kiến trúc nhà sàn của văn hóa Óc Eo. Điều đó cho phép hình dung đời sống xưa của cư dân Óc Eo cùng môi trường sống cụ thể của họ. Đây chính là việc minh chứng sinh động cho tiêu chí năm, tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản nếu như trong thời gian tới Việt Nam xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới về văn hóa Óc Eo tại Ba Thê- Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo, sống dậy những ký ức vàng son - Anh 8

Ấn phẩm  “Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”

Nhận xét về ấn phẩm "Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020", PGS.TS Đặng Văn Thắng, Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là cuốn sách rất có giá trị, tư liệu cực kỳ phong phú và khoa học, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam của nhân dân và các nhà khoa học, góp phần khẳng định chủ quyền phần đất phía Nam của Việt Nam. Cuốn sách còn là những tư liệu quý cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Khu di tích văn hóa Óc Eo- Ba Thê vào Di sản văn hóa thế giới.

PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, kết quả nghiên cứu và những nhận định khoa học này của Đề án văn hóa Óc Eo là những bằng chứng và tư liệu xác thực làm cơ sở xây dựng hồ sơ di sản trình lên UNESCO, đặc biệt là phù hợp với tiêu chí số 2 của UNESCO. Có thể thấy, vào những thế kỷ đầu Công nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử, một hệ thống kinh tế thế giới được thiết lập thông qua một số tuyến thương mại Châu Á nối Trung Quốc, Đông Nam Á qua Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… Trong hệ thống đó, Óc Eo-Ba Thê nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển nhất Đông Nam Á, nối liền giao thương giữa phương Tây và phương Đông.

PHƯƠNG ANH, ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH cung cấp

Ý kiến bạn đọc