Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Lý luận, phê bình văn học: Người trẻ “dấn thân”và khẳng định vị thế

Thứ Sáu 20/08/2021 | 10:05 GMT+7

VHO- Lâu nay, lực lượng trẻ viết lý luận, phê bình văn học luôn được cho là thiếu và yếu, tuy nhiên cùng với sự khởi sắc, trẻ hóa của tác giả sáng tác văn chương, gần đây số lượng người trẻ dấn thân vào lĩnh vực “khó nhằn” này đang ngày càng mạnh lên, đóng góp đáng kể vào việc nhận diện, thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật.

Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu công bố giải thưởng Tác giả trẻ, trong đó có hạng mục Lý luận - Phê bình

Khái niệm “người trẻ” trong lĩnh vực lý luận phê bình chỉ là cách gọi tương đối, dựa theo tiêu chí độ tuổi. Nhiều người trong nghề cho rằng, đội ngũ phê bình trẻ là những người dưới 35 tuổi. Với cách phân chia như vậy, trong nhiều kỳ cuộc, lực lượng này đã hoàn toàn thiếu vắng.

Có những hạt nhân đáng nể, chuyên môn tốt

Theo PGS. TS Phùng Gia Thế, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II, lâu nay lực lượng lý luận phê bình hiếm khi được nhìn nhận là đông và mạnh mà thường bị đánh giá là mỏng, yếu. Đặc biệt là phê bình văn học trẻ. Nhìn công bằng trong thực tế đời sống văn học hiện nay, đội ngũ phê bình trẻ có thưa mỏng, nhưng nói là yếu thì không hẳn. Ông Thế cho rằng: “Nhiều tác phẩm của người viết phê bình trẻ có chất lượng chuyên môn tốt, thể hiện tinh thần nghiêm túc, sự say mê, có tác phẩm thể hiện sự tinh tế, sắc sảo, tài hoa của người viết. Tuy nhiên, cũng có một số bài viết có chất lượng không cao. Nhìn đại thể, đội ngũ phê bình văn học trẻ đang mạnh lên, tuy nhiên nhìn tổng thể đội ngũ chưa thấy được các hiện tượng, chưa đặt ra được những vấn đề quan trọng nhất của đời sống văn chương đương đại”.

Còn theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm (Viện Văn học), đông đảo những nhà phê bình sinh ra vào giai đoạn cuối 8X, đầu 9X, làm việc ở các trường đại học, các viện nghiên cứu hoặc các Hội văn nghệ địa phương, có những hạt nhân rất đáng nể và đang làm việc rất nghiêm túc, thể hiện rõ bản lĩnh. Nhiều gương mặt phê bình trẻ đáng chú ý đã xuất hiện trong những năm gần đây.

Có thể thấy, người trẻ hiện có nhiều ưu thế, họ đang là lực lượng chủ yếu cảm nhận đời sống, văn chương đương đại, sống trong không khí văn chương đó. Họ thể hiện tiếng nói của mình và dần khẳng định vị trí trong làng phê bình văn học hiện nay. Đội ngũ phê bình văn học trẻ đã cập nhật xu hướng nghiên cứu mới, nhận ra các giá trị mới, từ đó diễn ngôn phê bình đã có thay đổi, trong đó tính chất văn hóa và liên ngành được đẩy mạnh - đó là xu hướng của thế giới...

Lực lượng  lý luận, phê bình văn học trẻ dần khẳng định vị thế trên văn đàn

Ghi nhận những tài năng

Đội ngũ phê bình văn học trẻ hôm nay khá khả quan, nhưng nhiều nhà chuyên môn vẫn đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng, dấu ấn họ để lại trên văn đàn. Có ý kiến cho rằng, một số bài phê bình văn học của người trẻ còn mang tính đơn màu, khen hoặc chê quá mức, ở đó chưa thể hiện luận điểm thật công tâm, diễn giải và phân tích tác phẩm thuyết phục, từ đó định hướng cho người sáng tác và công chúng. Có cuốn sách giá trị khiêm tốn, nhưng được ca ngợi “lên mây”, làm nhiễu loạn đời sống văn chương, từ đó mất niềm tin của bạn đọc...

Nhà lý luận phê bình trẻ Ngô Hương Giang cho rằng: Đúng là có một thế hệ các tác giả viết phê bình trẻ đang âm thầm sáng tạo và hoạt động hiệu quả trong nghề của mình. Họ là những người nhạy cảm trước hiện thực thông tin văn học, có trí tuệ và thường là những người được đào tạo bài bản về lý luận phê bình văn học; năng động trong việc tiếp nhận các khuynh hướng phê bình trên thế giới; biết đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách sắc sảo, biện chứng; có trình độ ngoại ngữ tốt; có đam mê và biết theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, điều anh băn khoăn nhất đối với nền lý luận, phê bình văn học của chúng ta hiện nay là sự trung thực và tinh thần trách nhiệm xã hội của người làm nghề. Sự trung thực làm nên giá trị tác phẩm phê bình, nhưng tinh thần trách nhiệm xã hội mới giúp làm mạnh nền phê bình của một quốc gia.

Bên cạnh đó, đội ngũ làm lý luận và phê bình trẻ hiện nay vẫn còn viết trong tình trạng độc lập, chưa thực sự liên kết thành một trường phái, học phái có tính hội đoàn, do định kiến trong mối quan hệ phê bình giữa thế hệ phê bình trưởng thành và đội ngũ phê bình trẻ vẫn trong tình trạng kéo dài. Nơi thể nghiệm của lý luận phê bình trẻ còn hạn chế, chỉ một số tạp chí và báo quen thuộc, mang tính cục bộ; thiếu sự hỗ trợ về kinh phí trong việc ấn hành các tác phẩm phê bình của tác giả trẻ. Chưa kể còn thiếu cả các diễn đàn khoa học, tranh luận đúng nghĩa để các tác giả lý luận phê bình trẻ được thể nghiệm. Cuối cùng là tình trạng khủng hoảng trong việc chọn đường hướng nghiên cứu, phê bình của các tác giả trẻ...

Do đó, phát hiện bồi dưỡng tài năng lý luận phê bình văn học trẻ là công việc thường xuyên, lâu dài cần được định hướng cụ thể. Để giúp đỡ đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trẻ, nhiều ý kiến tâm huyết đưa ra các giải pháp như: Thành lập một Hiệp hội các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật riêng, tách ra khỏi các Hội sáng tác; đầu tư kinh phí xuất bản các công trình nghiên cứu ở trường đại học và viện nghiên cứu; quan tâm hơn đến các cây bút lý luận, phê bình ở các địa phương; tăng chế độ đãi ngộ, nhuận bút cho các bài viết và công trình lý luận, phê bình có chất lượng…

Người viết lý luận phê bình trẻ hầu như bị đứng ngoài trong các giải thưởng văn học từ địa phương đến trung ương, nhiều nơi không có giải cho tác phẩm lý luận phê bình hoặc nếu có thì đánh đồng chung một giải khiến các tác giả trẻ hầu như không có cơ hội. Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu công bố giải thưởng Tác giả trẻ dành cho những tác phẩm văn học xuất sắc trong năm của các tác giả có khung tuổi từ 35 trở xuống, không phân biệt là hội viên hay chưa. Giải thưởng Tác giả trẻ lần đầu tiên được tổ chức nằm trong hệ thống giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, do Ban Chấp hành Hội tổ chức xét và trao. Lễ trao giải thưởng Tác giả trẻ được tổ chức riêng, dự kiến vào tháng 11 hằng năm. Các hạng mục của giải thưởng gồm 4 thể loại văn học chính: Thơ, Văn xuôi, Văn học dịch và Lý luận - Phê bình đã in thành sách được xuất bản và lưu hành ở Việt Nam. Trong thời điểm hiện tại, một giải thưởng lý luận phê bình dành riêng cho người trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam được xem là tín hiệu vui, khích lệ quan trọng với những người trẻ dấn thân vào lĩnh vực này. 

 MINH HÀ; ảnh: ITN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top