Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

“Sân chơi” mới dành cho người yêu sách

Thứ Tư 19/05/2021 | 09:52 GMT+7

VHO- “Làm sách pop-up giống như thực hiện một bộ phim, có đầy đủ cả tiền cảnh, hậu cảnh, có những chi tiết sống động như ngoài đời thực. Sách pop-up ở Việt Nam đã có nhiều nơi làm, nhưng sách có nhãn quan và dày dặn thì rất ít, do việc sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, chuẩn xác dẫn đến chi phí cao…”, nhà văn Trương Quý chia sẻ nhân dịp ra mắt bộ sách Hà Nội ngàn năm kí ức Hà Nội reminiscences of thousand years.

 Những hình ảnh biểu tượng về lịch sử hơn một nghìn năm hào hùng của Thăng Long - Hà Nội

 Trên thế giới, sách pop-up đã trở thành một trong số những sản phẩm in ấn được quan tâm hàng đầu bởi tính mỹ thuật và hiệu quả thị giác của nó. Ở Việt Nam hiện nay, dòng sách này cũng đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của bạn đọc, điều này cho thấy xu thế làm sách pop-up đang thực sự mở ra với các nhà làm sách và các bạn trẻ.

Sách pop-up ra đời từ thế kỷ XIII, tuy nhiên những cuốn sách đầu tiên chưa dành cho độc giả nhỏ tuổi mà mục đích ra đời là để tính toán ngày của Thánh. Dần dần, sách pop-up phổ biến hơn và được dùng để minh họa các bài học giải phẫu, những kết cấu... Đến cuối thế kỷ XVIII, sách pop-up mới dần được thiết kế cho trẻ em. Tác giả Lothar Meggendorfer (Đức) là người đầu tiên khởi xướng loại hình này. Ngày nay, tên của ông đã được đặt cho giải thưởng sách pop-up do Movable Book Society tổ chức hằng năm.

Ở Việt Nam, những năm gần đây có nhiều đầu sách pop-up nước ngoài được nhập khẩu, còn sách do Việt Nam sản xuất vẫn khá mới mẻ, một phần vì thiếu đội ngũ tác giả, họa sĩ, một phần đòi hỏi quy trình in ấn, gia công sản xuất rất khắt khe, tỉ mỉ nên giá thành rất cao… Biết rằng sẽ có rất nhiều khó khăn nhưng với mong muốn mang đến cho độc giả Việt những cuốn sách pop-up “made in Việt Nam” chính hiệu, năm 2016, dự án sách pop-up Sài Gòn phố đã được thực hiện thành công; hay mới đây, NXB Kim Đồng vừa hoàn thành bộ sách Hà Nội ngàn năm kí ức và phiên bản sách tiếng Anh Hà Nội reminiscences of thousand years. Để làm được các cuốn sách này, những người thực hiện đã gặp không ít khó khăn do nguồn tài liệu về thể loại này ở Việt Nam tương đối ít. Nhóm các họa sĩ thực hiện đã dành nhiều thời gian tìm tài liệu nước ngoài cũng như tham khảo thêm những cuốn pop-up kinh điển để hiểu rõ hơn về dự án mà nhóm đang triển khai.

 Kết hợp các kỹ thuật cắt, dán, gấp giấy để tạo nên kết cấu 3 chiều cho cuốn sách

Không chỉ khó trong việc tìm nguồn tài liệu tham khảo mà kể cả chất liệu để thực hiện loại sách này cũng không phải sẵn có ở trong nước. Nhóm họa sĩ đã đến rất nhiều NXB để tìm được loại giấy phù hợp, tuy nhiên đều chưa đạt được mong muốn vì giấy ở ta mỏng và không đủ độ dai, trong khi dạng sách này lại có nhiều chuyển động nên yêu cầu về độ bền của giấy là rất cao. Cũng vì thế mà nhiều nhà in đã lắc đầu vì không biết cách gia công, hoặc nếu có làm được thì mức phí lại quá cao...

Có thể thấy, để làm ra được những sản phẩm pop-up hấp dẫn thì khởi nguồn là từ sự đam mê vẽ hoạt họa, thích khám phá những thứ mới mẻ của các nghệ sĩ trẻ. Sài Gòn phố là thành quả của nhóm Nextstep gồm 5 thành viên đến từ Khoa Mỹ thuật công nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Văn Lang (TP HCM): Đặng Quang Minh, Nguyễn Vũ Tuấn Phát, Phan Thị Bích Thảo, Lương Thị Thanh Trúc và Đặng Hoài Vũ. Họa sĩ Bích Thảo từng chia sẻ, để làm được những trang giấy trở thành căn nhà pop-up, tờ giấy phải được người sản xuất cắt gọt theo các đường gấp cực kỳ chính xác. Chất lượng giấy và quá trình in ấn cũng vô cùng quan trọng. Kích cỡ của đồ vật và giấy đặt vào nhau phải khớp từng milimét. Thêm vào đó, loại keo dán cũng có vai trò quyết định bởi nó phải đóng khít, giữ vững những vật thể 3D trên giấy. Cũng vì thế, bộ sách Hà Nội ngàn năm ký ức của NXB Kim Đồng phải mất trọn vẹn một năm mới hoàn thành và đến được tay bạn đọc. Trong đó phần hình họa và thiết kế pop-up, tức là những nội dung, hình ảnh hiện ra khi người đọc kéo - mở bên trong trang sách, do Cloud Pillow Studio thực hiện. Đó là nhóm họa sĩ còn rất trẻ, gồm Nguyễn Hồng Anh, Đặng Phương Nam và Nguyễn Khánh Linh. Điểm đặc biệt của Cloud Pillow Studio là các bạn đều yêu thích và quan tâm đến những giá trị văn hóa lâu đời của Hà Nội.

Họa sĩ Hồng Anh cho biết, để thực hiện cuốn sách pop-up đầu tiên về Hà Nội, họ phải trải qua nhiều công đoạn, từ lên ý tưởng, vẽ phác thảo, làm đầy từng chi tiết, đo đạc chính xác để tách lớp, lên màu, in thử, chỉnh sửa... Sau đó, mỗi cuốn sách đều phải được làm thủ công ở các khâu gấp, dán... Ngày nào nhóm cũng phải thay phiên nhau trực nhà in để kiểm tra việc hoàn thiện từng cuốn sách. Nhưng dù mệt mỏi như thế, nhóm vẫn nhen nhóm các dự án sách pop-up tiếp theo. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng cái hay của người làm hội họa là họ nhìn ra được những gì chưa phôi phai bởi sự hiện đại. Cuốn sách do người trẻ làm nhưng lại có cái nhìn hoài cổ hy vọng sẽ mang đến cho độc giả có thêm những trải nghiệm mới trong việc đọc sách. 

 TRẦN LÂM

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top