Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Từ Đường Sách TP.HCM: Thật sự buồn cho Hà Nội

Thứ Sáu 19/07/2019 | 10:19 GMT+7

VHO-  Đó là chia sẻ của TS Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Đường Sách TP.HCM tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019. Theo đánh giá, Đường Sách TP.HCM là mô hình mẫu đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương, có thể nói nơi đây là biểu hiện đầy đủ nhất không gian văn hóa đọc.

 

 Đường Sách là điểm tham quan của nhiều du khách khi đặt chân đến TP.HCM

 Thông tin hoạt động trong nửa đầu năm 2019, đại diện Công ty Đường Sách TP.HCM phấn khởi cho biết, doanh thu của các đơn vị tại Đường Sách đạt gần 22,3 tỉ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018), gần 491.400 cuốn sách được bán ra (tăng 12,7% so với cùng kỳ) với hơn 31.900 tựa sách (có 1995 tựa sách mới).

Biết khai thác yếu tố văn hóa đặc trưng

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của Đường Sách duy trì ổn định với nhiều hoạt động đa dạng, đáp nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân và du khách quốc tế. Có 11 cuộc trưng bày, triển lãm đã diễn ra với nội dung có chiều sâu, góc nhìn mới, hình thức thể hiện sáng tạo, hấp dẫn, truyền tải thông điệp tích cực, truyền cảm hứng, tạo tương tác với cộng đồng. Tại Đường Sách cũng diễn ra 8 đợt hoạt động chủ đề gắn với các ngày lễ, sự kiện chính trị - văn hóa của đất nước, 83 sự kiện giới thiệu sách, giao lưu tác giả, tọa đàm, nói chuyện về sách…

Phân tích kết quả hoạt động, đại diện Đường Sách TP.HCM cho biết, trong 21 đơn vị đang hoạt động tại đây, có 15 đơn vị doanh thu tăng từ 10% đến hơn 80%, trong đó có 2 đơn vị doanh thu tăng đột biến là Đại học Hoa Sen và Xunhasaba; có 10 đơn vị đạt doanh thu cao, từ hơn 700 triệu đồng đến gần 4 tỉ đồng… Với những kết quả này cho thấy rằng, các đơn vị kinh doanh sách rất nỗ lực trong việc tiếp cận độc giả. Đường Sách TP.HCM đã khẳng định được sức sống mãnh liệt với hàng loạt các hoạt động gắn với chủ đề cụ thể. Bên cạnh việc giới thiệu, giao lưu ra mắt sách mới, các hoạt động tại Đường Sách đều hướng tới cộng đồng, gắn kết được với giới trẻ và có sự tương tác cao, tạo ra sức lan tỏa tích cực.

TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ rằng: “Sau ba năm rưỡi hoạt động, Đường Sách TP.HCM đã duy trì được sự phát triển bền vững, được sự ghi nhận của đông đảo bạn đọc, đó là nhờ biết khai thác yếu tố đặc trưng lịch sử, văn hóa bản địa của vùng đất, con người ở một TP trẻ luôn đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và không ngừng đổi mới. Bên cạnh đó, Đường Sách TP.HCM biết huy động mọi nguồn lực xã hội chung tay vì lợi ích cộng đồng, và đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực cả về vật chất, ý tưởng, cách làm của rất nhiều ban ngành, đoàn thể, điều này cho thấy ngành Sách không cô đơn”.

 Những hoạt động tại Đường sách TP.HCM luôn thu hút đông đảo sự tham gia của giới trẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, Đường sách TP.HCM hoạt động rất hiệu quả chứ không như ở một số địa phương khác, trong đó có Hà Nội. Ảnh:THÙY TRANG

Không ngại mang tiếng là “sao chép” mô hình

PGS.TS Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết ông đánh giá rất cao cách làm và kết quả mà Đường Sách TP.HCM đạt được. Ông cho rằng trong bối cảnh công nghệ thông tin, mạng xã hội lấn át như hiện nay mà Đường Sách đã tạo được sự gắn kết với người đọc sách, tạo ra môi trường mà ở đó văn hóa đọc được duy trì, phát triển là một kết quả rất đáng tự hào.

“So với các mô hình ở một vài địa phương khác thì trong cùng điều kiện như nhau, nhưng Đường Sách TP.HCM hoạt động hiệu quả. Trong khi Phố Sách Hà Nội đang gặp lúng túng, đặc biệt là khâu quản lý, Phố Sách giao từ đơn vị này tới đơn vị khác, không có đủ tâm huyết và chuyên môn để đẩy mạnh phát triển. Vì vậy mà khi nào chúng tôi tập trung cao điểm, như Tết Nguyên đán vừa rồi, thì thực hiện tốt, nhưng chỉ cần rời ra thì nó lại trở về dáng vẻ đìu hiu rất buồn”, ông Nguyễn An Tiêm tâm tư. Ông Tiêm nói rằng lẽ ra sách phải đến với bạn đọc bằng không gian mở thì tại Hà Nội, mỗi nhà sách như cái lồng kính quay kín lại, không có quyển sách nào được “thò” ra ngoài cả, vì sợ mất cắp, không có sự tiếp cận giữa sách và người. “Chúng tôi sẽ đưa một đoàn cán bộ quản lý vào Đường Sách TP.HCM học tập để về triển khai cho Phố Sách tại Hà Nội và không ngại, sẵn sàng nhận việc “sao chép” cái hay về để học tập, học tập lẫn nhau cùng phát triển, nếu sao chép mà chiếm bản quyền của nhau như những việc khác thì mới đáng chê trách”, ông Tiêm chia sẻ.

Đại diện Bộ TT&TT tại TP.HCM cho biết rất phấn khởi với mô hình Đường Sách TP.HCM, Bộ mong muốn trong thời gian tới tiếp tục phát huy những thành quả đạt được. Đồng thời cũng nhắc nhở Đường Sách TP.HCM cần cẩn thận, tìm mọi biện pháp ngăn chặn, không để các loại sách giả, sách lậu lọt vào Đường Sách. Ngoài việc nâng số lượng và chất lượng sách, thì cần cải tiến con đường về hình thức cho đẹp hơn, vì trong vài năm qua không có thay đổi nhiều, vẫn là những thiết kế cũ. Do đó, Đường Sách cần thay đổi theo phong cách nghệ thuật hơn, bắt mắt và mới lạ hơn, để hình ảnh sách trở nên lung linh, chẳng hạn có thể cơi nới không gian, tạo điểm nhấn văn hóa đặc trưng của TP.HCM. 

  So với các mô hình ở một vài địa phương khác thì trong cùng điều kiện như nhau, nhưng Đường Sách TP.HCM hoạt động hiệu quả. Trong khi Phố Sách Hà Nội đang gặp lúng túng, đặc biệt là khâu quản lý. Phố Sách giao từ đơn vị này tới đơn vị khác, không có đủ tâm huyết và chuyên môn để đẩy mạnh phát triển. Khi nào chúng tôi tập trung quan tâm chỉ đạo như Tết Nguyên đán vừa rồi thì thực hiện tốt, còn chỉ cần rời ra thì nó lại trở về dáng vẻ đìu hiu. Rất buồn.

(PGS.TS NGUYỄN AN TIÊM, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)

THÙY TRANG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top