Phát triển gameshow định dạng kiến thức: Không thể “ăn xổi, ở thì”

VHO- Tuy không quá gây sốt như gameshow thuần giải trí, nhưng các chương trình định dạng kiến thức (quiz show) vẫn có được chỗ đứng trong lòng khán giả. Bên cạnh một số thương hiệu đã được khẳng định, sản xuất nhiều mùa thì cũng có không ít chương trình làm người xem ngao ngán bởi những sai sót đầy tắc trách cũng như việc người chơi thể hiện sự hồn nhiên đến mức… ngô nghê trong quá trình trả lời câu hỏi.

Phát triển gameshow định dạng kiến thức: Không thể “ăn xổi, ở thì” - Anh 1

 “Đường lên đỉnh Olympia” là một trong số ít quiz show chất lượng còn phát sóng (Ảnh: OLPA)

 Những “vàng son” một thuở

Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu, Ở nhà chủ nhật, Hành trình văn hóa, Ai là triệu phú, Đối mặt, Rung chuông Vàng, Một trăm triệu một phút… đều là những quiz show đình đám trên màn ảnh nhỏ. Thành công nhất trong số này là Đường lên đỉnh Olympia, trải qua 23 mùa phát sóng, chương trình vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm chí còn được khán giả đón nhận nhiệt tình hơn khi bước sang năm tiếp theo. Đây cũng là chương trình có “tuổi đời” cao nhất của VTV3.

“Đóng đinh” khung giờ 13h Chủ nhật hằng tuần, mỗi khi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng, khán giả đều phải trầm trồ vì các thí sinh dù mới học cấp III nhưng lại có kiến thức rất sâu rộng, trải dài khắp các lĩnh vực. Những màn rượt đuổi tỷ số đến nghẹt thở đã trở thành “đặc sản” và khiến không chỉ khán giả tại trường quay mà chính những người theo dõi qua màn ảnh nhỏ cũng “đứng ngồi không yên”. Ngoài việc định vị chủ nhân của 22 chiếc vòng nguyệt quế và đang tiếp tục hướng đến chung kết năm thứ 23, chương trình đã tìm ra nhiều học sinh ưu tú, nhân tài cho đất nước.

Không chỉ Đường lên đỉnh Olympia, gameshow Rung chuông vàng cũng được xem là huyền thoại một thời. Ban đầu, chương trình là cuộc thi kiến thức chỉ dành cho các sinh viên trong một trường đấu nội bộ với nhau, sau đó mở rộng thành thi đấu giữa các trường. Ngày ấy, sinh viên trường nào cũng háo hức mong được tham gia vào sân chơi sôi động của Rung chuông vàng. Nhiều bạn nhỏ thậm chí còn “mê” chương trình đến mức mong nhanh lớn, vào đại học để được tham gia thi tài. Nhưng không may mắn như “đàn anh” của mình, sau nhiều lần thay đổi format, đến tháng 12.2012, Rung chuông vàng đã phải dừng phát sóng. Dù vậy đến hiện tại, hình thức thi của chương trình vẫn thường xuyên được các trường học biến tấu thành sân chơi kiến thức bổ ích cho học sinh, sinh viên.

Phát triển gameshow định dạng kiến thức: Không thể “ăn xổi, ở thì” - Anh 2

 Khán giả từng tá hỏa khi “Nhanh như chớp” chạy dòng chữ tác phẩm “Vợ nhặt” là của nhà văn… Nam Cao (Ảnh chụp màn hình)

Đừng mải “diễn trò”

Nếu trước kia, những trò chơi thử kiến thức trên truyền hình mang lại hứng thú cho người xem thì giờ đây, gameshow dạng này dường như đã “thất sủng”. Ngoại trừ Đường lên đỉnh Olympia vẫn giữ vững “phong độ” trong hơn 2 thập kỷ, Ai là triệu phú, Một trăm triệu một phút... dần mất sức hút do thiếu sự đổi mới. Đáng chú ý, một số quiz show còn để lại những hạt sạn to đùng và đánh mất lòng tin của khán giả.

Đơn cử như Nhanh như chớp, mặc dù ê kíp sản xuất đã đưa thêm vào yếu tố hài hước, mời nghệ sĩ tham gia để tránh “khô cứng”, nhưng lại vấp phải sai lầm cơ bản về kiến thức. Có thể kể đến phần thi của Ninh Dương Lan Ngọc, từng có lần cô nhận được câu hỏi: “Nàng Mona Lisa có lông mày bên nào đậm hơn?”. Đáp án của chương trình đưa ra là “Mona Lisa không có lông mày”. Tuy nhiên, năm 2007, theo kết quả nghiên cứu của kỹ sư Pascal Cotte người Pháp, nàng Mona Lisa vẫn có lông mày và lông mi. Hay trong tập phát sóng khác, chương trình cũng bị phản đối khi đưa ra câu hỏi: “Giải bóng đá nào mà không có chiếc cúp vô địch?”. Đáp án được đưa ra là SEA Games và Olympic. Tuy nhiên, khán giả lập tức phản đối vì hai sự kiện này không phải là giải bóng đá mà là Đại hội thể thao. Rồi chương trình tiếp tục sai khi nhầm Vợ nhặt là của nhà văn Nam Cao. Sai chồng sai, và Nhanh như chớp bị quy vào là một trong những chương trình có chất lượng thấp, khách mời kém duyên, liên tục sai kiến thức.

Một lý do khác khiến khán giả không còn mặn mà với quiz show là do chương trình dạng này được sản xuất ồ ạt, theo quy luật, món gì phải ăn quá nhiều thì dù ngon người thưởng thức cũng sẽ “ngấy”. Đại diện một đơn vị cho hay, lý do hàng loạt quiz show được “ra lò” chỉ trong thời gian ngắn là vì dễ sản xuất, không tốn nhiều chi phí. Mọi khán giả đều có thể xem và tương tác nên có sức lan tỏa. Đặc biệt, nếu mời được nhiều nghệ sĩ hot thì doanh thu quảng cáo sẽ tăng lên. Nhưng cũng vì quá đặt nặng vấn đề thương mại, tập trung diễn trò, các chương trình đã dần quên đi tiêu chí ban đầu dẫn đến chất lượng “ba xu, một hào”; không thể kéo dài nhiều mùa.

Không cần nhiều nhưng phải “ra tấm, ra món”! Do đó, những chương trình đang và sắp ra mắt cần được đầu tư kỹ càng hơn về kịch bản, kho câu hỏi để đem lại những kiến thức bổ ích cho cả người chơi cũng như khán giả. Giải trí chỉ là một phần, khi xem chương trình, khán giả luôn mong muốn mình được học hỏi kiến thức chứ không chỉ đơn thuần là xem nghệ sĩ tấu hài, xem cho vui. Đặc biệt, những quiz show bản chất là hướng đến cung cấp kiến thức cho đại bộ phận công chúng nên đơn vị tổ chức cũng cần hạn chế mời nghệ sĩ. Nghệ sĩ nổi tiếng mà ứng xử lố, sai lầm cả kiến thức căn bản cũng sẽ kéo chất lượng quiz show lẫn tên tuổi của họ đi xuống, trong khi cơ hội “thường dân” được tham gia các chương trình truyền hình lại chẳng được bao nhiêu. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc