Định vị và đưa áo dài Việt vươn xa

VHO- Trong khuôn khổ các hoạt động chính của Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9 năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM phối hợp cùng Sở Du lịch và Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức tọa đàm Nét đẹp Áo dài Việt - Bảo tồn và Phát triển nhằm tìm ra những giải pháp bảo tồn, phát triển tà áo dài truyền thống.

Định vị và đưa áo dài Việt vươn xa - Anh 1

 Trình diễn các bộ sưu tập áo dài truyền thống tại buổi khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2023

 Tại đây, Tổng lãnh sự, phu nhân Tổng lãnh sự các nước Cuba, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Ma Rốc, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Ý… đều cho biết họ ấn tượng về chiếc áo dài và khi nhìn thấy ai mặc áo dài họ đều biết đó là người Việt Nam. Rõ ràng, áo dài không chỉ được nhìn nhận là một trang phục đơn thuần, mà đã trở thành văn hóa mặc của người Việt.

Định vị áo dài Việt

Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, áo dài không chỉ mang giá trị lớn về mặt tinh thần mà còn cả về mặt vật chất. “Nếu như ý thức cộng đồng dân tộc là giá trị tinh thần thì những cuộc trình diễn thời trang, các hoạt động giao lưu quốc tế quảng bá hình ảnh Việt Nam, sự phát triển ngành công nghiệp thời trang chính là giá trị vật chất của nó. Với nhiều kỹ thuật độc đáo được áp dụng vào dệt, nhuộm, may, áo dài ngày càng phổ biến trong đời sống hằng ngày, đồng thời vẫn là trang phục lộng lẫy được lựa chọn cho những sự kiện lớn. Tuy nhiên, để áo dài thực sự có chỗ đứng vững chắc trong ngành thời trang đang thay đổi từng giờ từng phút, đồng thời gắn với sự phát triển du lịch của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, thì vẫn cần rất nhiều sự chung sức chung lòng của tất cả mọi người”, bà Phương Trân chia sẻ.

TS Lý Thị Mai, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu trang phục Việt thì cho rằng, muốn bảo tồn và phát triển áo dài cần đánh giá đúng vị thế của nó. Thế nên, cần phải có những hoạt động đề cao áo dài dành cho mọi lứa tuổi, thành lập nhiều CLB, đồng thời tổ chức các cuộc thi áo dài cấp tỉnh hoặc quốc gia. “Theo tôi, các vấn đề lớn hiện nay là tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền công nhận áo dài là của Việt Nam, phản ánh tinh hoa, cốt cách của trang phục Việt Nam; bản quyền áo dài là Việt Nam, không phải của bất cứ một quốc gia hay khu vực lãnh thổ nào khác; quảng bá mạnh mẽ cho áo dài trên khắp các châu lục, khiến thế giới sớm đồng nhất trong nhận thức rằng: Áo dài là Việt Nam, Việt Nam là áo dài”, bà Lý Thị Mai đề xuất.

Đồng ý với đề xuất này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết thêm: “Các hoạt động nhằm đề cao, quảng bá áo dài phải được rộng khắp hơn nữa. Rõ ràng, không ít quốc gia, dân tộc đã làm tốt việc đưa trang phục trở thành “sứ giả văn hóa”, như nhắc tới Nhật Bản là du khách nhớ tới Kimono, Hàn Quốc là Hanbok, Ấn Độ là Sari…”.

Trong khi đó, theo các nhà thiết kế, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên tà áo dài mang một ý nghĩa thiết thực. Xuất phát từ mong ước và trăn trở về nghề vẽ thủ công trên lụa của Việt Nam đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, NTK Trung Đinh đã ứng dụng chúng vào các thiết kế áo dài. Nhiều danh lam thắng cảnh từ Bắc vào Nam như Hồ Gươm (Hà Nội), sông Sài Gòn (TP.HCM), Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), rừng tràm Trà Sư (An Giang), cầu Vàng (Đà Nẵng), Chùa Cầu (Hội An), ruộng bậc thang (Tây Bắc)… đã khiến du khách trong và ngoài nước phải trầm trồ. Cũng thông qua dự án này, nhà thiết kế Trung Đinh còn muốn kết nối với các NTK trẻ có niềm say mê để hướng dẫn nhuộm lụa, tạo ra chất liệu mới không phụ thuộc vào thị trường bên ngoài hoặc phải nhập từ nước ngoài, bởi lụa Việt Nam rất đẹp.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thì cho rằng, song song với việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, thì việc đưa câu chuyện văn hóa nước bạn lên tà áo dài cũng là cách để kết nối và cùng nhau phát triển.

Đưa tà áo dài Việt vươn xa…

Tiến sĩ Lý Thị Mai đưa ra đề xuất: “Trong văn hóa trang phục Việt, áo dài có ý nghĩa và giá trị lớn lao, tôi nghĩ rằng nếu mặc áo dài trong các dịp lễ hội, đến công sở hoặc trường học, trong các sinh hoạt cộng đồng và trong gia đình, áo dài sẽ tạo ra hình ảnh đáng yêu cho văn hóa trang phục Việt. Ta đẹp hơn trong ánh mắt của chính chúng ta, giàu thiện cảm hơn trong nhận xét của du khách bốn phương”.

Còn với NSƯT Tuyết Mai, việc khuyến khích người nổi tiếng, nhà hoạch định chính sách, người hay xuất hiện trước công chúng mặc áo dài truyền thống là điều vô cùng cần thiết. Trong những chuyến lưu diễn ở nước ngoài, NSƯT Tuyết Mai nhận được nhiều lời khen từ bạn bè quốc tế không chỉ về âm nhạc mà còn là những chiếc áo dài. Vì thế, với vai trò là một nghệ sĩ, người có ảnh hưởng thì việc quảng bá hình ảnh chiếc áo dài đến với công chúng trong và ngoài nước là trách nhiệm, là nghĩa vụ…

Là vùng đất sản sinh ra những chiếc áo dài truyền thống, đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, để khuyến khích người dân cũng như du khách mặc áo dài, trong các dịp lễ, tỉnh sẽ miễn phí vé vào cổng các điểm tham quan, điểm du lịch cho những ai mặc áo dài.

Cũng nhiều ý kiến cho rằng, áo dài truyền thống đẹp nhưng theo thời gian, phải có sự “cách tân” để phù hợp với thời đại và xa hơn là vươn tầm thế giới. Lý giải về vấn đề này, nghệ nhân áo dài Năm Tuyền cho biết: “Áo dài truyền thống tuy rất đẹp nhưng ít khi được mặc thành trang phục hằng ngày được. Nhất là ngày nay, người phụ nữ hiện đại tham gia mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Vì thế, áo dài truyền thống chỉ được mặc trong ngày cưới, ngày lễ, Tết, các dịp đặc biệt”. Theo nghệ nhân Năm Tuyền, để áo dài có sức lan tỏa rộng rãi, không gì nhanh và hiệu quả hơn là càng nhiều người mặc càng tốt. Chính vì thế, việc “cách tân” là vô cùng cần thiết, nhưng phải đi đúng hướng, phải mang đúng tinh thần, phong cách, hồn cốt của áo dài Việt.

Còn theo NTK Trung Đinh, làm mới áo dài sao cho phù hợp, sao cho đồng điệu thì cần có những buổi “ngồi lại với nhau” của giới thời trang, để đưa ra những kế hoạch, những giải pháp dài hơi và đúng đắn nhất. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc