“Thời trang bền vững”xu hướng của tương lai
VHO- Không chỉ là một ngành nghề sáng tạo và luôn đổi mới, thời trang ngày nay còn phải đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của môi trường sinh thái. “Thời trang bền vững” đang chứng tỏ là xu hướng của tương lai khi xuất hiện trên nhiều sàn diễn thời trang danh giá và ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Thời trang thân thiện với môi trường ngày càng được đề cao
Trong sự phát triển, thời trang vốn bị đánh giá là một ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường. Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, ngành thời trang tiêu thụ nhiều tài nguyên nước đứng thứ 2 so với các ngành khác, tạo ra 10% lượng khí thải carbon và gần 20% lượng nước thải toàn cầu. Ước tính 85% hàng dệt may trên thế giới… kết thúc tại các bãi rác, và thông thường, những vật dụng này không dễ hoặc không thể phân hủy. Nhiều chuyên gia nhận định “thời trang mì ăn liền” (fast fashion) chiếm phần lớn sự lãng phí này.
Những trang phục mang thông điệp tích cực
Tuy nhiên, thực trạng đó đang dần thay đổi nhờ một số xu hướng thời trang mới đặt tính bền vững lên hàng đầu. Khái niệm “thời trang bền vững” trước đây dường như chỉ dành cho các thương hiệu nhỏ, nhưng nay đã được các hãng thời trang lớn, các nhà thiết kế nổi tiếng hướng tới. Họ có xu hướng tìm đến những chất liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc tự nhiên hoặc được tái chế từ các nguồn nguyên liệu khác, không lạm dụng chất hóa học và phẩm màu độc hại.
Tại tọa đàm Thời trang bền vững - Nên bắt đầu từ đâu? do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức vừa qua, Đại sứ Italy Antonio Alessandro cho biết: Thời trang luôn đổi mới, sáng tạo; thời trang là bứt phá mọi giới hạn. Song bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần phải phát huy tối đa tính bền vững của thời trang để nó có thể mang dáng dấp của lối sống đẹp và tích cực cho môi trường, xã hội. Hiện nay trên thế giới có khoảng 20% vật liệu và hoạt động của các nhà máy dệt may được cải tiến nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường từ hoạt động dệt và nhuộm. Càng ngày mọi người càng muốn chuyển sang vật liệu có tính hữu cơ, thân thiện với môi trường hơn.
Hiện nay ở châu Âu, xu hướng này được đặc biệt quan tâm. Tháng 3 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã công bố Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may, với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cho thời trang châu lục này, đồng thời áp dụng cho cả nhập khẩu nguyên liệu may mặc từ các quốc gia khác vào châu Âu.
Chị Hà Đỗ, Giám đốc sáng tạo Tạp chí Đẹp cho rằng: Trên thế giới, ngày càng nhiều nhà thiết kế, đơn vị sản xuất thời trang tìm kiếm các giải pháp thân thiện với môi trường và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Nhà thiết kế ở Việt Nam cũng nghiên cứu, tìm tòi tạo ra nhiều chất liệu cao cấp được làm từ nguyên liệu thiên nhiên, từ vật liệu khá phổ biến ở địa phương.
Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2022 - International Fashion Week SS 2022 vừa diễn ra cuối tuần qua có sự góp mặt của nhiều thiết kế mang thông điệp ý nghĩa và giàu giá trị nhân văn. Các nhà thiết kế đã sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường: Tái chế từ sợi hoa sen và vỏ hàu từ biển xanh, bã cà phê, sợi sen được pha trộn với chất liệu nhựa... nhưng vẫn đậm sắc màu thời trang và công dụng ưu việt.
Bộ sưu tập “Lãng du” đầy màu sắc với chất liệu tái chế đặc biệt của nhà tạo mẫu Adrian Anh Tuấn
Cộng hưởng để chuyển hướng
Đại sứ Italy Antonio Alessandro cho rằng, sự chuyển đổi trong ngành thời trang hướng tới bền vững hơn do người tiêu dùng dẫn dắt. Người tiêu dùng hiện nay có yêu cầu cao về tính thân thiện với môi trường của thời trang, từ đó tác động thay đổi tới ngành dệt may, cũng như các nhà thiết kế.
“Để áp dụng thời trang bền vững trong thời gian hằng ngày không hề khó mà rất thú vị. Bản thân tôi thích thời trang vintage. Mọi người nghĩ mặc thời trang hoài cổ không hợp mốt, nhưng tôi tìm thấy vẻ đẹp trong cách chúng ta lựa chọn quần áo. Không cần thay tủ quần áo thường xuyên, chúng ta có thể phối hợp chúng với nhau để tạo ra những bộ đồ mới. Việc sử dụng trang phục lâu dài cũng rất tốt cho môi trường”, Đại sứ Italy Antonio Alessandro chia sẻ. Ông cũng cho biết, hiện giới trẻ châu Âu thích mặc theo nhiều cách khác nhau, nhưng không quá cứng nhắc theo một xu hướng, phong cách nào. Họ cởi mở và chấp nhận nhiều ý tưởng thời trang mới. Ngoài những sự kiện đặc biệt cần quần áo lộng lẫy, mang tính thời thượng, thì quần áo tái chế vẫn được sử dụng rộng rãi.
Đồng tình với ý kiến trên, chị Hà Đỗ nhận định: Công nghệ và thời trang luôn song hành. Đây cũng là động lực cho các nhà thiết kế huy động sự sáng tạo và trí tưởng tượng của mình để sử dụng tốt hơn vật liệu tái chế. Những bộ quần áo làm từ vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường, giảm bớt sử dụng hóa chất được người tiêu dùng đánh giá cao. Điều này cũng tạo cho dệt may hình ảnh mới hoàn toàn.
“Lựa chọn trang phục tùy vào sở thích của từng cá nhân, môi trường sinh sống và làm việc. Nhưng tái chế trong thời trang không phải là điều gì quá mới, bản thân thời trang cũng luôn quay trở lại, tái sử dụng... Tôi thích “mix and match” với nhau, để tạo ra bộ đồ mới hơn. Đây cũng là hoạt động cốt lõi trong công việc của chúng tôi, qua việc phối với nhau sẽ phát huy sự sáng tạo của mình... Khi “chạy theo” mốt, mọi người nghĩ mới nhất phải là màu này, dáng kia, có khi nhiều trang phục chỉ sử dụng một lần, đó là sự lãng phí. Tôi thích slow fashion, thời trang bền vững hơn”, chị Hà Đỗ nói.
Không sai khi đi theo xu hướng thời trang mới nhất, nhưng chúng ta cũng nên nhận thức rõ hơn về thời trang chúng ta lựa chọn và tác động của chúng tới môi trường sống xung quanh. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê nhận định: “Mọi người thường nghĩ rằng lối sống bền vững, tránh lãng phí rất khó áp dụng với thời trang hay làm đẹp... Tuy nhiên, tôi cho rằng bất cứ lĩnh vực gì chúng ta đều có thể hướng tới lối sống bền vững từ những thay đổi về tư duy, cách nhìn nhận về môi trường xung quanh, từ đó có thể thay đổi hành động, dù chỉ là hành động rất nhỏ”.
NGỌC MINH; ảnh: ITN