Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Thách thức lớn nhất của ngành thời trang Việt là sự khác biệt

Thứ Tư 21/12/2016 | 09:47 GMT+7

VH- “Sáng tạo là cốt lõi của ngành thời trang, do vậy điều mà Việt Nam còn thiếu là những nhà thiết kế thực sự sáng tạo, những người tạo ra xu hướng chứ không phải đi theo các xu hướng quốc tế.

Nhất là, các nhà thiết kế Việt cần phải thay đổi tư duy trong cách làm thời trang”, ông Jean Paul Pauvin, Giám đốc điều hành thương hiệu Haute Courture Julien Fournier nhấn mạnh tại buổi tọa đàm “Thời trang Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập”. 
 Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2016 diễn ra tại Hà Nội không chỉ đánh dấu cho sự hòa nhịp của thời trang Việt Nam vào dòng chảy của ngành công nghiệp thời trang quốc tế, trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang lần này còn có 2 buổi tọa đàm về các vấn đề tổng quan của thời trang, cũng như cung cấp những kỹ năng tổ chức một show thời trang chuyên nghiệp. Tại buổi tọa đàm “Thời trang Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong thời điểm hội nhập”, bà Trang Lê, Chủ tịch Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam đã dẫn dắt người yêu thời trang cũng như những người quan tâm tới ngành công nghiệp thời trang nước nhà bàn luận xoay quanh chủ đề vị thế, các cơ hội - thách thức và xu hướng của ngành công nghiệp dệt may và thời trang Việt Nam.
Đại diện cho ngành thời trang Việt Nam, bà Đặng Phương Dung, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về thực trạng ngành may mặc Việt Nam. Theo đó, bà Đặng Phương Dung khẳng định rằng, Việt Nam có ngành dệt may nhưng chưa phát triển ngành công nghiệp thời trang với những thương hiệu thời trang thực sự nổi tiếng được bạn bè quốc tế biết đến.
Ông Jean Paul Pauvin, Giám đốc điều hành thương hiệu Haute Courture Julien Fournier cho rằng: “Sáng tạo là cốt lõi của ngành thời trang, do vậy điều mà Việt Nam còn thiếu là cần có những nhà thiết kế thực sự sáng tạo, tạo ra xu hướng chứ không phải đi theo các xu hướng quốc tế. Nhất là, các nhà thiết kế Việt cần phải thay đổi tư duy trong cách làm thời trang”.
“Đào tạo về thời trang ở Việt Nam cũng cần phải có cuộc cách mạng về giáo dục, phải định hướng được 20 năm tới Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào? Các nhà thiết kế hãy dùng trí tưởng tượng để làm thời trang, đừng sợ sự phán xét. Tôi biết có những nhà thiết kế thời trang phải tốt nghiệp 10 năm mới có được bộ sưu tập thời trang tốt. Tôi cho rằng, vừa kinh doanh vừa sáng tạo thì quả là bài toán khó. Các bạn hãy nghĩ cách để nhà thiết kế hợp tác với các doanh nhân, theo đó thì mỗi người sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình. Các bạn cũng cần thay đổi tư duy của những người đầu tư, lĩnh vực thời trang đôi khi không thể kiếm lợi nhuận một sớm một chiều. Cũng như việc những bộ sưu tập tuyệt đẹp trình diễn trên sân khấu thường không dễ bán, các nhà thiết kế thường bán những bộ sưu tập khác, đó là tình trạng chung của những nhà thiết kế nổi tiếng thế giới. Vì vậy, các bạn đừng yêu cầu khó cho những nhà thiết kế trẻ”, ông Jean Paul Pauvin nhấn mạnh.
Mặc dù bà Trang Lê cho rằng nhà thiết kế thời trang Việt Nam cần phải biết kết hợp vừa thiết kế giỏi, vừa phải có đầu óc kinh doanh bởi thiết kế trang phục mà không có người mua thì xem như đã thất bại. Tuy nhiên, ông Jean Paul Pauvin thì hoàn toàn phản đối điều này. Ông Jean Paul Pauvin cho rằng: “Nếu đòi hỏi nhà thiết kế phải làm tốt cả vấn đề bán trang phục thì kết quả họ sẽ chỉ là những người bán hàng thông thường. Nhà thiết kế cần phải được sáng tạo theo trí tưởng tượng của họ và tách biệt với tài chính”.
Đứng ở góc độ truyền thông - marketing, ông Nicolas Gregorieff thì cho hay: “Một vài lần tôi tham gia các sự kiện thời trang ở Việt Nam và thấy rằng, các bạn cũng có những bộ sưu tập, những mẫu thiết kế đẹp hoàn hảo nhưng thế giới chưa ai biết đến. Một mặt, các bạn phải tạo ra xu hướng, tạo ra những sản phẩm và phong cách của riêng mình. Mặt khác, các bạn hãy mời truyền thông quốc tế đưa tin tham gia và đưa tin cho các sự kiện của các bạn. Truyền thông hiện nay không chỉ có báo chí, mà còn cả các mạng xã hội nữa, như vậy tên tuổi và những phong cách các bạn sáng tạo ra mới được nhiều bạn bè biết đến.
Những góp ý, tranh luận trong buổi tọa đàm chưa thực sự đi đến hồi kết, tuy nhiên, thông qua buổi tọa đàm những người quan tâm tời ngành công nghiệp thời trang Việt Nam, đặc biệt là những nhà thiết kế trẻ trong nước đã thực sự có được những thông tin thú vị ở lĩnh vực này.

Nguyên Thủy

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top