“Trò chơi con mực” giúp gia tăng nhu cầu học tiếng Hàn trên toàn cầu

VHO- Nhu cầu học tiếng Hàn đã tăng vọt kể từ khi bộ phim ăn khách của Netflix “Squid Game” (Trò chơi con mực) được phát hành. Nhiều người muốn học tiếng Hàn hơn cũng cho thấy, văn hóa Hàn Quốc đang ngày càng được nhiều người nước ngoài quan tâm hơn.

“Trò chơi con mực” giúp gia tăng nhu cầu học tiếng Hàn trên toàn cầu - Anh 1

Hàng trăm người nước ngoài tham gia cuộc thi hùng biện bằng tiếng Hàn do Sejong Institute Foundation tổ chức tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) (Ảnh: Reuters)

Theo báo cáo của ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo, số người dùng mới đăng ký học tiếng Hàn đã tăng tới 76% ở Anh và 40% ở Hoa Kỳ trong 2 tuần sau khi bộ phim được công chiếu. Cụ thể, ứng dụng này đang ghi nhận 7,9 triệu người đang tích cực học tiếng Hàn. Tiếng Hàn cũng là ngôn ngữ có tốc độ phát triển nhanh thứ 2 trên thế giới sau tiếng Hindi.

Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc thông tin thêm, trên thế giới có khoảng 77 triệu người học tiếng Hàn.

Người phát ngôn của Duolingo, Sam Dalsimer khẳng định: “Ngôn ngữ và văn hóa có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những gì đang diễn ra với văn hóa đại chúng và truyền thông thường ảnh hưởng đến xu hướng học ngôn ngữ”.

Thời gian gần đây, từ điển Tiếng Anh (Oxford) đã bổ sung 26 từ mới có nguồn gốc tiếng Hàn vào ấn bản của mình. Trong đó có “hallyu”, thuật ngữ được sử dụng phổ biến để mô tả sự thành công mang tính toàn cầu của âm nhạc, điện ảnh, thời trang, truyền hình Hàn Quốc… Tổng thống Moon Jae In của nước này cũng hoan nghênh động thái trên và gọi “Hangeul”, bảng chữ cái tiếng Hàn là “quyền lực mềm của đất nước”.

Hàn Quốc đã và đang tự khẳng định mình là một trung tâm giải trí toàn cầu với nền văn hóa đại chúng sôi động. Bao gồm sự thành công của nhóm nhạc nam 7 thành viên BTS, bộ phim đoạt giải Oscar "Parasite" (Ký sinh trùng)… Sự phổ biến ngày càng rộng rãi của âm nhạc, phim ảnh Hàn Quốc đang khiến nhu cầu học tiếng Hàn gia tăng. Nhờ ngoại ngữ, họ có thể tự tìm hiểu sâu hơn về văn hóa xứ sở kim chi.

Thực tế chỉ tính riêng Học viện King Sejong (do Bộ Văn hóa Hàn Quốc quản lý), chỉ trong năm ngoái, số sinh viên nước ngoài theo học tiếng Hàn đã tăng lên 76.000 sinh viên từ 82 quốc gia. Trước đó vào năm 2007, con số này chỉ là 740 sinh viên.

Milica Martinovic, sinh viên người Nga tại Học viện King Sejong chia sẻ: “Tôi muốn thông thạo tiếng Hàn chỉ đơn giản là có thể xem K-drama hay nghe nhạc K-pop mà không cần phụ đề hay thuyết minh. Ngôn ngữ cũng có thể giúp tôi tìm hiểu văn hóa, tập tục của người bản địa”.

Hay với Catarina Costa đến từ Bồ Đào Nha, cô cho hay khi cô học tiếng Hàn cách đây 2 năm, mọi người đều không hiểu vì sao. “Giờ đây thì mọi chuyện đã khác kể từ khi văn hóa Hàn Quốc ngày càng nổi tiếng. Mọi người bị cuốn hút khi tôi nói tiếng Hàn”. Catarina nói.

Sun Hyun Woo, người sáng lập Talk To Me In Korean, nền tảng học tiếng Hàn điện tử cho biết: “Đã có hàng nghìn người muốn học tiếng Hàn ngay cả trước “Squid Game” hay BTS… nhưng nhu cầu thật sự tăng cao trong thời gian gần đây. Tiếng Hàn đã hấp dẫn hơn nhiều nhờ sự phát triển của văn hóa”.

ĐÌNH TOÁN (Theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc