Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): Để ngôi sao to nhất không còn là... "sao kê"

VHO- Thời gian qua một số nghệ sĩ vướng phải những ồn ào xung quanh việc kêu gọi và làm từ thiện. Sau khi công bố hơn 18 ngàn trang sao kê, ca sĩ Thủy Tiên thừa nhận còn thiếu sót trong việc làm từ thiện nên sẽ không kêu gọi quyên góp nữa. Trước đó hàng loạt sao Việt như Việt Hương, Đại Nghĩa, Phương Thanh cũng tuyên bố tạm dừng làm từ thiện.

Trước câu chuyện tế nhị này hầu hết ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý cho rằng việc các nghệ sĩ làm từ thiện là một việc tốt, cần được khuyến khích, nhân rộng. Và cũng không phải nghệ sĩ nào làm từ thiện cũng vướng vào lùm xùm. Tuy nhiên làm như thế nào, triển khai ra sao để tránh những dị nghị, ồn ào không đáng có là vấn đề cần quan tâm…

 Nếu search cụm từ “sao kê” trên Google, chỉ trong 0,50 giây đã cho ra kết quả 142.000.000. Cụm từ này bỗng trở nên “hot” trên mạng xã hội có lẽ cũng bởi liên quan đến việc làm từ thiện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, với số tiền quyên góp được lên tới vài chục thậm chí hàng trăm tỉ đồng.

Thậm chí mạng xã hội cũng dậy lên trào lưu chế trailer bộ phim nổi tiếng Vườn sao băng của Hàn Quốc thành… Vườn sao kê với 4 diễn viên chính là các “sao lớn” của showbiz Việt.

Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): Để ngôi sao to nhất không còn là...

 Từ cách kêu gọi cho đến cách làm từ thiện của nghệ sĩ Quyền Linh đều được người dân ủng hộ Ảnh: FB của nhân vật

Nghệ sĩ phải có tầm hiểu biết về văn hóa pháp luật

Sau những loạt ồn ào từ cộng đồng mạng, vợ chồng ca sĩ Thuỷ Tiên và Công Vinh đã công bố hơn 18 ngàn trang sao kê về số tiền hơn 177 tỉ đồng trong tài khoản từ thiện miền Trung. Trên trang cá nhân vào chiều 17.9, ca sĩ Thủy Tiên thừa nhận còn thiếu sót trong việc làm từ thiện nên sẽ làm từ thiện với tư cách cá nhân và không kêu gọi quyên góp nữa. Những ồn ào liên quan đến cụm từ: “Thuỷ Tiên sao kê” trên mạng xã hội, theo thời gian sẽ dần lắng xuống nhưng những kinh nghiệm được rút ra, có lẽ sẽ không chỉ bổ ích cho Thuỷ Tiên mà còn cho nhiều “sao” Việt khác.

Trao đổi với Văn Hóa, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng từ trước tới giờ đã có khá nhiều nghệ sĩ Việt âm thầm làm từ thiện. Đó là việc làm tốt, phát huy truyền thống “nhường cơm, xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Đó là sự giúp đỡ chân tình, có tâm cần được khuyến kích, nhân rộng nhưng nếu ở phạm vi nhỏ, tức là cá nhân nghệ sĩ thì sẽ không có vấn đề gì. Còn ở mức độ lớn hơn với độ bao phủ rộng hơn, trở thành một cuộc vận động với số tiền quyên góp được lên tới là chục tỉ, trăm tỉ thì không còn là chuyện nhỏ nữa. Vì thế người nghệ sĩ cần phải chứng minh được rằng mình thu được bao nhiêu, chi ra những gì, cho ai, có chi đủ số tiền đã thu được không để tránh nảy sinh những dị nghị không đáng có. Có nghĩa là minh bạch.

“Nếu làm được như thế thì mọi việc sẽ dễ dàng, không dẫn đến những dị nghị rằng sao gì to nhất trên trời, chính là “sao kê”; hành tinh nào mới nhất trên vạn vật cũng chính là hành tinh sao kê. Có thể vì chưa có kinh nghiệm nên một số nghệ sĩ đã gặp khó để thống kê đầy đủ các khoản gì đã chi ra. Lẽ ra họ phải có nhật ký thu, chi và áp dụng các phương pháp kế toán, thống kê thì mọi việc sẽ rất minh bạch, rõ ràng. Nếu không có kinh nghiệm thì nghệ sĩ có thể tìm một ê kíp có chuyên môn, hiểu biết và tuân thủ pháp luật và công khai rằng trích bao nhiêu % trong số tiền đã quyên góp được để trả cho việc đó. Như thế mọi chuyện sẽ minh bạch và không nảy sinh nhiều hệ luỵ, phiền toái sau này. Thế nhưng, khi mọi chuyện chưa được công khai, minh bạch thì lại có nghệ sĩ có những phát ngôn đại ý rằng, nếu cứ chặt chẽ thế này thì nghệ sĩ sẽ không làm từ thiện nữa và sẽ không có ai đi cứu trợ đồng bào. Xã hội ta là xã hội có Nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó là hàng loạt quy chuẩn ứng xử về đạo đức được truyền từ thời cha ông xưa để lại, nói như thế là tự cho mình đứng ngoài sự giám sát xã hội để tự phát ngôn thiếu chuẩn mực”, đại biểu Kim bày tỏ quan điểm.

Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): Để ngôi sao to nhất không còn là...
 

Khi mọi chuyện chưa được công khai, minh bạch thì lại có nghệ sĩ có những phát ngôn đại ý rằng, nếu cứ chặt chẽ thế này thì nghệ sĩ sẽ không làm từ thiện nữa và sẽ không có ai đi cứu trợ đồng bào. Xã hội ta là xã hội có Nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó là hàng loạt quy chuẩn ứng xử về đạo đức được truyền từ thời cha ông xưa để lại, nói như thế là tự cho mình đứng ngoài sự giám sát xã hội để tự phát ngôn thiếu chuẩn mực.

(Đại biểu Quốc hội VŨ TRỌNG KIM)

Từ đó ông Vũ Trọng Kim cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử hoặc nếu cao hơn nữa là có chế tài, đưa vào những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh hành vi ứng xử của nghệ sĩ. “Khi đã có những quy định cụ thể thì các nghệ sĩ khi làm từ thiện sẽ yên tâm không bị soi mói, vừa thể hiện được cái tâm, cái tình của họ, vừa đảm bảo được các khía cạnh của văn hóa pháp luật và văn hóa đạo đức. Nghệ sĩ có tầm hiểu biết về văn hóa thì trước hết phải có văn hóa pháp luật. Từ xa xưa ở nhiều bản, làng hay thôn quê đã có hương ước để điều chỉnh hành vi ứng xử của người này với người kia; của nhóm này với nhóm kia. Ông bà ta cũng ứng xử với nhau bằng văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội. Đến xã hội hiện đại thì những hương ước, những quy chuẩn về đạo đức, ứng xử, văn hóa đó được thể chế hoá bằng các quy định của pháp luật để người ta có thể nhận thức, điều chỉnh hành vi”, ông Kim nói.

Có tâm thôi là chưa đủ

Cho rằng nghệ sĩ là người có ảnh hưởng đến công chúng, tiếng nói luôn có sức hút mạnh mẽ, qua đó góp phần không nhỏ vào việc lan tỏa những điều tốt đẹp, mang đậm tính nhân văn, ThS tâm lý Trần Thị Thanh Trà (ĐH Mở TP.HCM) đồng quan điểm, rằng việc làm từ thiện của nhiều nghệ sĩ là đáng ghi nhận và nên được khuyến khích, nhân rộng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã phát sinh những tranh cãi, nghi ngờ xoay quanh việc nghệ sĩ đứng ra quyên góp từ thiện. Thế nhưng cũng không phải tự nhiên mà công chúng lại đặt ra sự hoài nghi đối với nghệ sĩ. “Ta có thể thấy, các quỹ từ thiện chuyên nghiệp luôn có một hệ thống kiểm soát tài chính chặt chẽ để điều hành mô hình hoạt động lâu dài và hợp pháp. Trái lại, đối với cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp thì lại thiếu sự chuẩn bị cần thiết ấy, vì họ chỉ mang suy nghĩ giúp đỡ được càng sớm càng tốt, để rồi thiếu sự thống nhất trong quá trình kêu gọi cho đến thu, chi. Và chính những sơ suất không đáng có ấy đã làm cho những mong muốn tốt đẹp ban đầu có thể sai lệch, thậm chí là tạo kẽ hở cho những kẻ muốn trục lợi.

Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): Để ngôi sao to nhất không còn là...

 Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành là những cái tên vướng đến ồn ào “sao kê” từ thiện thời gian gần đây

Điều này cho thấy, có tâm thôi là chưa đủ, nghệ sĩ cần có phương pháp và cách thức tổ chức phù hợp, chuyên nghiệp hơn. Và đây chính là thời điểm, các nghệ sĩ cần phải nhìn nhận lại cách làm từ thiện của mình, phải có những thay đổi để hoạt động được công khai, minh bạch và đặc biệt là hiệu quả hơn. Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng cần sớm hoàn chỉnh hành lang pháp lý để định hướng cũng như hỗ trợ nghệ sĩ và các cá nhân, tổ chức trong công tác làm từ thiện. Còn với công chúng, nếu nghệ sĩ làm sai, trục lợi thì chúng ta lên án nhưng đối với những nghệ sĩ làm từ thiện từ tâm và luôn minh bạch thì phải cổ vũ, động viên để nhân rộng những nghĩa cử tốt đẹp ấy, thay vì đánh đồng “cá mè một lứa”, bà Trà nhấn mạnh.

Thực tế đã có chuyện "con sâu làm rầu nồi canh"

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM cũng cho rằng, từ thiện là một việc tốt và xã hội đang rất cần những hoạt động thiện nguyện, nhất là trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên trong những sự việc ồn ào liên quan đến nghệ sĩ làm từ thiện vừa qua, chuyện cộng đồng đòi các nghệ sĩ phải giải trình, “sao kê”… cho thấy thực tế đã có chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì thế các nghệ sĩ cần rút kinh nghiệm cho những sự việc đã qua.

Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): Để ngôi sao to nhất không còn là...

 Nghệ sĩ đừng bao giờ ảo tưởng rằng mình có một tài năng trong nghệ thuật thì mình cũng có thể làm tốt những việc khác, trong đó có việc vận động làm từ thiện… Tất nhiên trong giới nghệ thuật cũng có những người rất giỏi, và họ đang làm tốt điều này, nhưng số đó theo tôi không nhiều. Vừa qua sở dĩ có những lùm xùm về chuyện này trước hết là do sự bất cẩn, biếng lười, ảo tưởng của các nghệ sĩ đã gây hậu quả, làm mất lòng tin trong công chúng.

(Nhà báo NGUYỄN THẾ THANH, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM)

“Nghệ sĩ đừng bao giờ ảo tưởng rằng mình có một tài năng trong nghệ thuật thì mình cũng có thể làm tốt những việc khác, trong đó có việc vận động làm từ thiện… Tất nhiên trong giới nghệ thuật cũng có những người rất giỏi, và họ đang làm tốt điều này, nhưng số đó theo tôi không nhiều. Vừa qua sở dĩ có những lùm xùm về chuyện này trước hết là do sự bất cẩn, biếng lười, ảo tưởng của các nghệ sĩ đã gây hậu quả, làm mất lòng tin trong công chúng. Từ những câu chuyện không hay đó, tới đây chắc chắn cần phải có quy định trong việc kêu gọi từ thiện, không thể để sự việc tự phát như thời gian qua. Vì một khi nghệ sĩ đã dùng tên tuổi của mình để kêu gọi từ thiện thì phải có trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, rõ ràng.

Tôi thấy rất đáng tiếc khi những nghệ sĩ nổi tiếng vừa rồi lại dính vào những chuyện ồn ào không đáng có, do sự ảo tưởng, chủ quan của những nghệ sĩ này”, nhà báo Nguyễn Thế Thanh bày tỏ quan điểm. Bà Thanh cũng cho rằng đã là người nổi tiếng thì từng cử chỉ, hành vi, lời nói của nghệ sĩ đều có ảnh hưởng đến công chúng, cả tích cực lẫn tiêu cực. Phần đông nghệ sĩ là người tốt, hết lòng vì nghệ thuật, vì cộng đồng, vì xã hội, nhưng cũng không ít người lời ăn tiếng nói thiếu chuẩn mực, cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội… Vì vậy cần phải có bộ quy tắc ứng xử dành cho giới văn nghệ sĩ. Có được bộ quy tắc ứng xử để nghệ sĩ có thể dễ dàng trong việc soi chiếu những hành động, việc làm, điều chỉnh hành vi sao cho chuẩn mực hơn. Ví dụ trong việc làm từ thiện này, bộ quy tắc cần ghi rõ nghệ sĩ có được làm từ thiện không, nếu có thì cần những tiêu chuẩn cụ thể nào… 

Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): Để ngôi sao to nhất không còn là...

 Nghệ sĩ cũng như mọi công dân khác khi tham gia công tác từ thiện là một việc làm đáng trân trọng. Chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó khăn rất cần sự chung tay không chỉ của nghệ sĩ mà cả cộng đồng xã hội. Nghệ sĩ dùng sự ảnh hưởng của mình để tham gia công tác từ thiện là rất tốt, nhất là với những người nổi tiếng. Khi nghệ sĩ tham gia từ thiện họ sẽ nhận được sự đồng thuận của nhiều người cùng tham gia. Nghệ sĩ khi tham gia công tác từ thiện có nhiều cách thể hiện, có người âm thầm ủng hộ mà không cần một dòng thông tin trên báo chí hay trên mạng xã hội, nhưng cũng có người thì chụp ảnh, quay clip và chia sẻ quan điểm làm từ thiện của mình. Thể hiện như thế nào là quyền cá nhân của mỗi người.

Chỉ có điều thời gian vừa qua, báo chí đã đưa ra một số trường hợp nghệ sĩ làm từ thiện nhưng chưa được minh bạch số tiền đóng góp dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của nghệ sĩ cũng như niềm tin của công chúng đối với giới nghệ sĩ. Đây chỉ là những trường hợp cá biệt thôi, có những người vụ lợi khi làm từ thiện sẽ khiến họ từ nổi tiếng thành người tai tiếng. Theo tôi, là ai đi nữa thì người làm từ thiện cũng phải có cái tâm trong sáng, đồng thời cần rõ ràng, minh bạch. Các nghệ sĩ khi làm từ thiện tốt nhất thì nên phối hợp với các cơ quan có chức năng chuyên trách làm công tác từ thiện này… thì sẽ hạn chế được những việc không hay mà dư luận báo chí đã nêu vừa qua.

(NSND VƯƠNG DUY BIÊN, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam)

Hoạt động từ thiện và văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): Để ngôi sao to nhất không còn là...
 

Có tâm thôi là chưa đủ, nghệ sĩ cần có phương pháp và cách thức tổ chức phù hợp, chuyên nghiệp hơn. Và đây chính là thời điểm, các nghệ sĩ cần phải nhìn nhận lại cách làm từ thiện của mình, phải có những thay đổi để hoạt động được công khai, minh bạch và đặc biệt là hiệu quả hơn. Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng cần sớm hoàn chỉnh hành lang pháp lý để định hướng cũng như hỗ trợ nghệ sĩ và các cá nhân, tổ chức trong công tác làm từ thiện.

(ThS tâm lý TRẦN THỊ THANH TRÀ)

 THU SÂM – HỒNG HẠNH – THÙY TRANG - ĐÀO ANH

Ý kiến bạn đọc